Canh bạc thuế quan 1.400 tỷ USD của ông Trump
(Dân trí) - Thuế nhập khẩu sắp áp dụng với Mexico, Canada và Trung Quốc sẽ là một canh bạc lớn đối với Mỹ, và có khả năng tác động đáng kể tới nền kinh tế và chi phí sinh hoạt của người dân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn coi thuế quan là một đòn bẩy hiệu quả trong đàm phán. Ông cho rằng thuế quan là cần thiết để giải quyết nhiều mối quan ngại chính, bao gồm thâm hụt thương mại, dòng chảy ma túy và nhập cư bất hợp pháp.
Theo ông Trump và những người ủng hộ, công cụ thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã không gây ra lo ngại lớn về lạm phát. Tuy nhiên, tình hình nội bộ và quốc tế trong 2 nhiệm kỳ của ông có sự khác biệt. Vào thời điểm này, chi phí sinh hoạt trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều.
Trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ hai, ông Trump đã áp thuế đối với 1.400 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu. Theo ước tính của tổ chức Tax Foundation, con số này cao hơn gấp 3 lần so với 380 tỷ USD hàng hóa nước ngoài bị đánh thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Trước chính sách của ông Trump, Nhà Trắng lập luận rằng mức thuế quan này sẽ không gây rối loạn cho nền kinh tế Mỹ, nhưng một số nhà kinh tế và chuyên gia thương mại lại quan ngại vì chúng đang nhắm vào các nước láng giềng gần nhất của Mỹ là Canada và Mexico.
Việc áp thuế toàn diện lên Canada và Mexico có thể đảo lộn chuỗi cung ứng trong nền kinh tế Bắc Mỹ vốn có mối liên hệ chặt chẽ. Chính sách này có thể làm tăng giá cả giả đối với các loại mặt hàng.
Điều này đặc biệt đúng trong ngành công nghiệp ô tô. Tổ chức Wolfe Research ước tính giá của một chiếc ô tô thông thường được bán tại Mỹ có thể tăng 3.000 USD do thuế quan.
Ngành công nghiệp dầu mỏ cũng đã kêu gọi Nhà Trắng bảo vệ dầu thô khỏi biện pháp áp thuế quan với Canada vì đây là nguồn cung dầu nước ngoài lớn nhất. Do đó, Nhà Trắng chỉ áp thuế 10% đối với năng lượng của Canada, thay vì 25%.
Giá cả tại các cửa hàng tạp hóa cũng đang có nguy cơ tăng cao. Đây là vấn đề lớn mà cử tri đặc biệt quan tâm trong cuộc bầu cử vừa qua. Hiện Mexico là nguồn cung cấp trái cây và rau quả nước ngoài lớn nhất của Mỹ và Canada là số 1 về ngũ cốc, gia súc và sản phẩm nông sản nhiệt đới.
Việc tăng giá do thuế quan sẽ không xảy ra ngay lập tức. Thay vào đó, quá trình này có thể diễn ra theo kiểu nhỏ giọt do tác động phức tạp tới các chuỗi cung ứng.
Nguy cơ chi phí đầu vào tăng cao, cùng với khả năng trả đũa thuế quan của quốc gia, có thể sẽ gây tổn hại đến chi tiêu của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thuế quan có thể buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất.
Việc tăng thuế quan ở mức cao với nhiều loại hàng hóa như vậy là một chiến lược mạo hiểm mà ông Trump chưa từng thử trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Hiện nay, vẫn còn quá sớm để khẳng định chính xác tác động từ chính sách áp thuế của ông Trump. Có nhiều biến số tác động tới kết quả của chính sách này, bao gồm phản ứng của chuỗi cung ứng phức tạp và của người tiêu dùng.