Góc khuất dịch vụ vận chuyển bệnh nhân
Nhân viên Trung tâm Pháp y bị tố cản xe cứu thương; Xe cấp cứu từ một tỉnh miền Tây lên TPHCM nghi vấn "chặt chém" tới 16 triệu đồng trong khi hoàn cảnh gia đình bệnh nhân rất khó khăn…
Dõi theo một số thông tin về dịch vụ xe cấp cứu trên báo chí gần đây, là một người làm việc trong ngành y, tôi không khỏi cảm thấy đau lòng.
Ai từng có người thân bị bệnh nặng, cần đi cấp cứu mới thấy việc vận chuyển bệnh nhân quan trọng nhường nào. Ở cái thời chưa xa lắm, chúng ta còn nhớ cảnh võng cáng người đau ốm đi bệnh viện huyện. Người bệnh nằm trên võng, buộc vào cái đòn tre, hai người khỏe mạnh gánh hai đầu, cứ thế đi bộ hàng chục km lên đến huyện. Không cần nói thì ta cũng hình dung được tình cảnh khổ cực ra sao. Có khi lên đến bệnh viện thì người bệnh cũng qua đời.
Gần đây ở các thành phố lớn có xe cấp cứu 05, bây giờ gọi là 115. Theo cảm nhận của tôi thì hoạt động của đội cấp cứu này tương đối hiệu quả, trừ những lúc bất khả kháng do tắc đường hay bão tố. Khi mẹ tôi còn sống, tôi thường xuyên phải gọi 115 và lần nào cũng được trả lời rất nhã nhặn, có mặt đúng hẹn.
Còn ở các vùng quê, việc vận chuyển bệnh nhân cũng đã được cải thiện hơn xưa rất nhiều. Bây giờ dịch vụ taxi đến từng thôn xóm, ngày đêm cần đi viện bất cứ lúc nào cũng có xe ngay. Thậm chí ở một số địa phương như ở Tây Nguyên, miền Tây còn có hẳn những tuyến xe chỉ chuyên đưa người ở các tỉnh về TPHCM khám bệnh. Ai cần đi khám bệnh đặt xe sẽ được đưa đón tận nơi. Các lái xe thông thạo địa chỉ bệnh viện, giờ khám để đưa người bệnh đến sớm lấy số chờ.
Việc hình thành nên một mạng lưới vận chuyển người bệnh này hoàn toàn do thị trường điều tiết và nhìn chung vận hành khá nhịp nhàng, giá cả có sự cạnh tranh nên khá hợp lý.
Tuy nhiên có một mảng vận chuyển người bệnh nằm trong vùng tối, công chúng ít biết đến, đó là vận chuyển bệnh nhân nặng và vận chuyển tử thi. Vận chuyển bệnh nhân nặng, đang diễn biến nguy kịch, cần có xe chuyên dụng, trên xe có các phương tiện cấp cứu, và cần có nhân viên y tế có chuyên môn đi kèm.
Ví dụ để vận chuyển người bệnh đang thở máy, trên xe có máy thở di động, có oxy. Ngoài ra còn có thuốc cấp cứu cơ bản, dịch truyền. Chính vì có tính chuyên môn cao nên thường chỉ bệnh viện lớn mới đầu tư các phương tiện. Giá cả cũng cao, vận chuyển trong nội thành giá đã trên một triệu đồng; cự ly trên 100km giá vài triệu đồng. Do nhu cầu vận chuyển có tính hi hữu nên chưa cơ quan nào duyệt bảng giá vận chuyển cho các phương tiện đặc biệt này.
Ít được biết đến nhất là việc vận chuyển tử thi, những người không may qua đời ở bệnh viện về nhà. Đây là việc tế nhị, người trong cuộc ít khi nói ra nên công chúng khó biết. Giá cả cũng vô chừng, tùy thỏa thuận của hai bên, nhưng thường là khá cao. Vì lúc tang gia bối rối, thân nhân người đã mất thường giá nào cũng gật, vì biết gọi xe nào bây giờ. Xe bình thường thì kiêng, không ai dám chở người chết. Chỉ có đội xe thường trực ở nhà xác bệnh viện mới làm dịch vụ vận chuyển tử thi.
Chính vì thế nên loại dịch vụ này thường hình thành độc quyền, do một nhóm người thầu, bệnh viện không can thiệp. Trước đã có vụ án một đối tượng ngoài xã hội chém giám đốc một bệnh viện ở Hà Nội vì dám can thiệp vào chuyện làm ăn này.
Cũng gần như vậy là xe chở người bệnh nặng sắp mất, bệnh viện trả về. Lúc này cần đưa nhanh người bệnh về mất ở nhà, vì theo phong tục nhiều vùng không muốn để người thân mất ở bên ngoài, sợ bị tiếng là chết đường chết chợ. Lúc đó tìm được xe là may rồi, còn ai để ý để đến giá cả nữa.
Điểm qua tình hình vận chuyển bệnh nhân như vậy, ta thấy vấn đề vận chuyển bệnh nhân nặng và tử thi đang chưa được quan tâm đúng mức. Lĩnh vực này thường các bệnh viện không kham nổi nên hay thả nổi.
Một số nhân viên bệnh viện hay liên kết với bên ngoài đầu tư xe và trang thiết bị tối thiểu để làm dịch vụ vận chuyển. Dĩ nhiên đã làm dịch vụ thì phải tìm kiếm lợi nhuận, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ gây nên nhiều tiêu cực như độc quyền, tranh giành địa bàn làm ăn, định giá cao... từ đó dẫn đến hệ lụy cho người bệnh và thân nhân. Nhiều câu chuyện thương tâm mà ta nghe thấy trên truyền thông trước đây như ở vùng cao có người chở thi thể người thân về nhà bằng xe máy; hay mới đây có người cha định bỏ thi thể con nhỏ vào thùng xốp đi xe khách về, may sao sau đó được cộng đồng hỗ trợ để mua quan tài và thuê xe...
Để giúp cho người bệnh và người nhà đi cùng đỡ khó khăn vất vả trong việc vận chuyển trên, thiết nghĩ cơ quan quản lý là Bộ Y tế và các ban ngành liên quan nên ra quy định quản lý vấn đề này, trong đó nêu rõ các chủ thể thực hiện và khung giá dịch vụ hợp lý.
Thuận lợi nhất là các bệnh viện thực hiện luôn công việc này, chủ động về phương tiện và nhân sự, có bảng giá công khai. Nếu ở các vùng xa, quy mô bệnh viện nhỏ khó có thể đảm nhận thì nên thành lập các công ty dịch vụ vận tải người bệnh, có sự tham gia chuyên môn của ngành y. Về mức giá chúng ta có thể căn cứ vào giá vận tải hành khách thông thường cộng thêm tiền khấu hao trang thiết bị như oxy, máy thở cùng công nhân viên y tế đi kèm.
Ví dụ ở cự ly 150km, giá vé một khách đi xe 9 chỗ là 200.000 đồng, thì giá thuê cả chuyến xe đi về là 2,5 - 3 triệu đồng, cộng thêm tiền oxy, tiền công nhân viên y tế đi kèm 3,5 triệu đồng một chuyến là hợp lý. Nếu thêm máy thở, cộng với phương tiện hồi sức đi kèm thì chi phí có thể cao hơn 30 - 50%. Còn nếu chở tử thi thì chi phí phải thấp hơn với ý nghĩa hỗ trợ, nghĩa tử là nghĩa tận.
Thiết nghĩ vấn đề này không phải là việc lớn trên bình diện xã hội, nhưng lại là việc lớn của mỗi cá nhân không may rơi vào, nên cần ngành y và xã hội chung tay giải quyết.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!