Tâm điểm
Hoàng Anh Tú

Em ơi, Hà Nội... khét!

Gần 5.800 người Hà Nội chết mỗi năm do các nguyên nhân bắt đầu từ bụi mịn, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố. 40% dân số của Hà Nội đã bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 ở mức trên 45 μg/m3, hơn gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia.

Kỳ vọng sống của người Hà Nội bị tước đi do phơi nhiễm với bụi PM2.5 là 908 ngày, giảm thọ tương đương 2,49 tuổi so với những người sống nơi khác không bị ô nhiễm bụi PM2.5 như Hà Nội.

Từ cuối tháng 11 tới nay, Hà Nội chìm trong khói bụi và liên tục "nhảy vị trí" trong top 4 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Tình trạng này không chỉ xảy ra trong năm 2023 này mà nó đã được nhìn thấy từ nhiều năm nay, căn cứ vào các số liệu khoa học. Nhưng mọi thứ vẫn không thay đổi, thậm chí "leo thang".

Như giao thông, nguyên nhân được cho là hàng đầu của ô nhiễm, tính đến tháng 10, Hà Nội hiện có 7,8 triệu phương tiện giao thông, trong đó hơn một triệu ô tô và hơn 6,6 triệu xe máy trong khi dân số của Hà Nội chỉ là trên 8 triệu người. Còn chưa kể 1,2 triệu phương tiện ngoài Hà Nội vẫn tham gia giao thông tại Hà Nội.

Em ơi, Hà Nội... khét! - 1

Hình ảnh sương mù và bụi mịn bao phủ các tòa nhà, khu dân cư ở Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hải).

Trong số 6,6 triệu xe máy, bao nhiêu xe đã quá niên hạn sử dụng và trực tiếp xả thải mỗi ngày ngay tại các ngã tư khi chờ đèn đỏ, trên đường và đặc biệt là tại hàng trăm điểm ùn tắc mỗi ngày? Mục tiêu 2030 hạn chế xe máy ngày càng xa vời khi mà hệ thống giao thông công cộng phát triển với tốc độ… rùa bò như hiện nay. Mỗi ngày, anh vẫn xả vào mặt tôi và tôi vẫn xả trả đủ vào mặt anh bằng khói bụi của chiếc xe mình đang đi.

Nhưng giao thông chỉ chiếm 1/3 số bụi mịn đang phát thải mỗi ngày. 2/3 còn lại là từ các hoạt động công nghiệp cũng như từ gần 100 làng nghề hoạt động không ngày nghỉ xung quanh Hà Nội. Các loại khói thải này được sinh ra từ việc đốt than, đốt củi tại các nồi hơi và lò nung vẫn đang thổi vào Hà Nội. Lo ngại nhất lại là khói thải từ những làng nghề… tái chế. Những ngày có gió, bụi mịn được "vận chuyển" vào Hà Nội nhanh và đậm đặc hơn rất nhiều. "Em ơi, Hà Nội… khét" là câu hát mà chúng ta đang nghe mỗi ngày.

Ngoài ra, Hà Nội những ngày cuối năm có một thứ "đặc sản lâu đời": Làm đường. Những con đường cứ vào dịp cuối năm là lại được lật tung, bật xới lên để… chạy giải ngân như cách nói của người dân. Năm nào cũng như năm nào, chẳng khác gì những đặc sản mùa nào thức nấy của Hà Nội. Những vỉa hè lát đá rủng rẻng "có giá trị 70 năm sử dụng" nhưng là 70 năm trên… giấy, còn thực tế thì thế nào mọi người cũng đã thấy. Nên cuối năm nào người ta cũng lại phải thay cái "70 năm" khác. Chưa kể những lô cốt mọc lên, tình trạng xây dựng diễn ra mỗi ngày không che chắn hoặc che chắn tạm bợ, chỉ đủ che mắt chứ chẳng thể che bụi.

Ai cũng vô can trước cái chết của 5.800 người Hà Nội mỗi năm. Vì xét cho cùng, mọi người vẫn phải sống trước, ai đen phải chịu, bụi vào ai người nấy lo.

Chúng ta đang sống trong một môi trường như vậy. Một người bạn tôi, người tham gia trong rất nhiều những nghiên cứu, báo cáo về ô nhiễm môi trường chua chát nói vậy. Bởi thứ mà anh thấy còn kinh khủng hơn bụi mịn PM2.5 là tình trạng "ô nhiễm trách nhiệm". Chúng ta đổ lỗi cho người khác thay vì góp tay vào sự thay đổi. Chúng ta ai cũng cho rằng mình vô can, lỗi tại chính quyền đô thị hoặc những người khác chứ không phải là mình. Tôi nghe xong cũng thấy… nhột.

Bởi chính tôi, trên trang cá nhân của mình, vẫn thường xuyên trách cứ người dân ngoại thành đốt rơm rạ cuối năm khiến Hà Nội của tôi khét lẹt. Thậm chí đôi lần phẫn nộ đòi chính quyền xử phạt mạnh tay với những người dân vô ý thức, biến chúng tôi thành món "Người Hà Nội hun khói"- "Người Hà Nội gác bếp".

Nhưng chính tôi cũng vừa tậu thêm một con xe Honda 50cc cho cậu con trai 17 tuổi của mình, một con xe cũng quá niên hạn sử dụng nhưng được gọi cái tên mỹ miều: Xe cổ. Nhà tôi 5 người với 3 chiếc xe, cô con gái thứ 2 từ chối đi xe vì hãi vấn đề giao thông Hà Nội chứ nếu không chắc nhà tôi cũng đóng góp thêm vào con số 7,8 triệu phương tiện giao thông của Hà Nội.

Hay như một người bạn khác của tôi vừa khoe doanh số bán máy lọc không khí tăng 200% trong đợt này. Tôi tin rằng cậu ấy mà đọc được bài viết này cũng sẽ cảm ơn tôi rối rít vì những bài báo về Hà Nội ô nhiễm càng nặng thì người dân càng ùn ùn đi mua máy lọc không khí. Chỉ có điều, nhà cậu không dùng máy lọc không khí mà cậu ấy bán. Dù cậu vẫn quảng cáo nó có khả năng lọc được bụi mịn PM2.5. Bởi thực ra, thứ mà rất nhiều máy lọc không khí đang bán trôi nổi ngoài kia chỉ lọc được sự lo lắng, tạo ra cảm giác an tâm giả tạo. Tôi đã từng tranh cãi gay gắt với cậu rằng đó là lừa đảo người khác. Nhưng cậu ta nói rằng: Ai cũng vậy, tôi không bán thì người khác cũng bán. Chúng ta vốn chẳng có thứ gì để bảo vệ mình ngoài sự an tâm giả tạo này đâu.

Liệu có phải chúng ta cũng đang là những thứ bụi mịn với chính những người quanh chúng ta? Chẳng ai được quyền vô can trong việc Hà Nội nói riêng và 60.000 người Việt nói chung tử vong mỗi năm vì những vấn đề về ô nhiễm không khí, theo số liệu mới của Tổ chức Y tế Thế giới. Đổ lỗi không giúp Hà Nội trong lành trở lại!

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!