Định danh số nhà, minh bạch bất động sản và quyền riêng tư
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) đang phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, nghiên cứu đề xuất giải pháp bổ sung thông tin địa chỉ số quốc gia vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các cơ quan chức năng dự kiến tích hợp tài khoản định danh điện tử cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp với hệ thống sàn giao dịch bất động sản quốc gia, hệ thống Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu ngân hàng; đồng thời sẽ thực hiện khai báo địa chỉ số của cá nhân, tổ chức trên VNeID bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành.
Đây là một đề án bao quát nhiều ngành, lĩnh vực, kết hợp sức mạnh công nghệ với các biện pháp quản lý của nhà nước nhằm đảm bảo rằng mỗi ngôi nhà và khoản đầu tư bất động sản của công dân đều là một phần của hồ sơ số hóa quốc gia, hay nói cách khác là định danh được số nhà.
Theo tôi, cách tiếp cận này mở ra nhiều lợi thế:
Thứ nhất, tăng cường tính minh bạch. Đề án này nếu triển khai hiệu quả sẽ tăng cường tính minh bạch trong các giao dịch bất động sản thông qua định danh số nhà, định danh cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch trên sàn giao dịch bất động sản quốc gia. Các hoạt động gian lận trên thị trường bất động sản nếu có sẽ được phát hiện nhanh hơn nhờ ứng dụng công nghệ, thay vì phải tra soát hồ sơ lưu trữ thủ công.
Thứ hai, điều tiết thị trường hiệu quả. Với một hệ thống tập trung, việc giám sát và điều tiết thị trường bất động sản theo thời gian thực trở nên khả thi, thúc đẩy một môi trường kinh tế lành mạnh hơn.
Thứ ba, hỗ trợ đánh giá mức độ tin cậy tín dụng (credit scoring) của khách hàng vay. Giải pháp định danh số nhà trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tạo thuận lợi cho việc đánh giá mức độ tin cậy tín dụng, thúc đẩy hành động vay có trách nhiệm.
Thứ tư, tối ưu hoạt động. Việc triển khai địa chỉ số giúp đơn giản hóa các dịch vụ pháp lý, bưu chính, giao nhận hàng và các dịch vụ khẩn cấp, sẽ mang lại lợi ích rõ ràng cho công tác quản lý nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ cho người dân.
Bên cạnh hệ quả tích cực nêu trên, theo tôi vấn đề quan trọng nhất trong quá trình định danh số nhà là quyền riêng tư và an ninh, bảo mật thông tin. Kiến trúc của hệ thống giải pháp phải đặt vấn đề bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của công dân lên hàng đầu. Tôi đề xuất một số khuyến nghị cho việc định danh số nhà như sau:
Thứ nhất, một khuôn khổ bảo vệ dữ liệu chặt chẽ là nền tảng hệ thống định danh số mới này; các cơ quan triển khai cần tổ chức đào tạo nguồn lực, phối hợp nhịp nhàng và thông suốt để triển khai giải pháp một cách hiệu quả.
Thứ hai, việc định kỳ đánh giá và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bất động sản cần được thực hiện một cách cẩn trọng để đảm bảo tính chính xác. Quá trình này phải đi kèm với việc phân tích rủi ro và đánh giá tác động, để kịp thời phát hiện và sửa chữa bất kỳ sơ hở nào có thể xảy ra.
Thứ ba, cần đặc biệt chú trọng truyền thông để công chúng hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm liên quan đến việc sử dụng và quản lý thông tin cá nhân, tài sản cá nhân. Việc nâng cao ý thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân và sử dụng thông tin bất động sản một cách minh bạch, có trách nhiệm cũng là để phòng chống lừa đảo, gian lận.
Điều này sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và củng cố lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Tác giả: Ông Đào Trung Thành học Thạc sĩ an ninh mạng tại Học viện Quốc gia Viễn thông, Pháp; từng kinh qua nhiều vị trí kỹ thuật và quản lý như Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khách hàng và Quản lý cước - VNPT TPHCM; Phó giám đốc Công ty Tin học Bưu điện (Netsoft); Giám đốc Công nghệ Thông tin (CIO) của Hệ thống Vinschool… Hiện ông Thành là chuyên gia tư vấn chiến lược công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!