Thấy gì từ đề xuất "lằn ranh đỏ" trong xử lý cán bộ sai phạm
Trên diễn đàn Quốc hội, một vị đại biểu vừa nêu vấn đề nên có "lằn ranh đỏ" trong công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng thời gian tới.
Theo đó, vị này đề nghị quy định bằng văn bản theo hướng nếu trước đây cán bộ, doanh nghiệp có những việc làm không đúng quy định của pháp luật (thu lợi bất chính), nếu tự giác khai báo và hoàn trả lại nguồn tiền bất hợp pháp cho Nhà nước sẽ được "khép lại hồ sơ" để tiếp tục công tác.
Chính sách này để những người lỡ nhúng chàm ăn năn hối cải, chuộc lại lỗi lầm của mình.
Khoan bàn đến một "lằn ranh đỏ" cụ thể nào đó như đề xuất của đại biểu. Trước hết chúng ta đều thấy rằng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian gần đây ngày càng trở nên mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm chính trị trong việc làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, lấy lại niềm tin của Nhân dân.
Với phương châm "không có vùng cấm, bất kỳ ai, bất kỳ ở cương vị nào", "rõ đến đâu xử lý đến đó", hàng loạt cán bộ, công chức các cấp, các ngành, trong đó không ít cán bộ cao cấp đã bị xử lý tùy theo các mức độ khác nhau, từ việc phải thôi chức vụ vì lý do trách nhiệm đến xử lý kỷ luật và kể cả bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều đó đã góp phần từng bước tăng cường kỷ cương kỷ luật, tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên, dần thay đổi nhận thức và thái độ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, gần đây nơi này, nơi khác có một số cán bộ, công chức biểu hiện e ngại, thậm chí đùn đẩy, né tránh, dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; quá trình giải ngân nguồn vốn đầu tư công gặp khó khăn. Đây là vấn đề đã được nhiều đại biểu đề cập đến trên diễn đàn Quốc hội và cũng là mối quan tâm của Chính phủ, cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ.
Trước hết cần nhìn nhận hiện tượng này một cách khách quan để từ đó tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Tham nhũng, tiêu cực là bệnh tật của bộ máy, của con người khi được giao quyền lực. Xử lý tham nhũng, tiêu cực cũng giống như uống thuốc chữa bệnh, và nhìn chung thì thuốc nào cũng sẽ mang đến tác dụng phụ không mong muốn. Có bệnh thì phải uống thuốc nhưng uống như thế nào, liều lượng bao nhiêu, thời điểm nào để bệnh tật thuyên giảm và chấm dứt thì phụ thuộc vào năng lực của người thầy thuốc. Mặc dù xử lý chính cán bộ, đồng chí của mình là điều không ai mong muốn, nhưng lại là điều không thể không làm để bảo vệ nghiêm minh của luật pháp và sự trong sáng của Đảng, vì vậy công việc này còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Bác Hồ từng dạy: "Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì giáo dục là chính, trừng phạt là phụ, nghĩa là, ai kiểm thảo đúng những người khác sẽ được khen thưởng; ai có lỗi mà thật thà tự kiểm thảo thì lỗi nhẹ sẽ được tha thứ, lỗi nặng sẽ được xử nhẹ hoặc lấy công chuộc tội (trừ những tội lỗi đặc biệt nặng); ai có lỗi mà không thật thà tự nói ra sẽ bị kỷ luật; ai ngăn cản, đe dọa những người kiểm thảo mình sẽ bị kỷ luật".
Tinh thần đó của Người đã trở thành quan điểm nhất quán của Đảng, đó là làm một cách kiên trì, nhân văn, bài bản để người mắc khuyết điểm "tâm phục, khẩu phục". Với tinh thần giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe là chính giúp những ai đã trót "nhúng chàm" nhận ra lỗi lầm của mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: "Không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để giáo dục người khác đừng đi vào "vết xe đổ", Trung ương buộc phải làm và yêu cầu các cấp cũng phải làm và làm rất công tâm, khách quan, bài bản, đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước. Nghiêm minh nhưng nhân đạo, nhân ái".
Trở lại với phát biểu nêu ở đầu bài viết, theo tôi, điều quan trọng là trong mỗi trường hợp cụ thể khi xảy ra sai phạm, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét trong điều kiện cụ thể, tình huống cụ thể, đánh giá đúng động cơ, mục đích của hành vi để từ đó có hình thức xử lý thích hợp, đúng pháp luật.
Giả sử, có những trường hợp sai phạm mang tính phổ biến thì cần tìm ra "lỗi hệ thống", đó là quy định của pháp luật thiếu thực tế hoặc chưa theo kịp đòi hỏi của cuộc sống buộc người cán bộ phải làm không đúng quy định vì lợi ích của công việc.
Có sai phạm là do sự yếu kém về trình độ của chính người thực thi công vụ, thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đầy đủ quy định của pháp luật mà làm sai.
Nhưng, cũng có những sai phạm xuất phát từ động cơ không trong sáng, vì mục đích vụ lợi… Vì vậy không thể có chuyện vơ đũa cả nắm để xử lý hoặc "tha bổng" cho tất cả vì mỗi một hành vi, mỗi một con người có những lỗi lầm khác nhau và trong hoàn cảnh khác nhau.
Xử lý không nghiêm sẽ dẫn đến sự khinh nhờn luật pháp. Xử lý cứng nhắc sẽ dẫn đến sự sợ hãi, hoang mang. Theo tôi, cần phải khẳng định việc xử lý cán bộ có vi phạm trong thời gian vừa qua vừa kịp thời, vừa nghiêm khắc và cũng mang đầy tính nhân văn; thể hiện sự nhất quán của Đảng trong chính sách cán bộ.
Nghị quyết Trung ương 3 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra đời gần 20 năm trước vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng phát huy vai trò của nó trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm "trên trước, dưới sau", "trong trước, ngoài sau" và "khuyến khích việc chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm".
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng không phải không có những trường hợp chưa đánh giá đầy đủ khách quan của hành vi vi phạm, chưa phân biệt thật sự rạch ròi giữa người có quyền quyết định và những người có nghĩa vụ thực thi, chấp hành; chưa đánh giá đúng bối cảnh, tình hình cũng như động cơ, mục đích của sai phạm và cả những hành vi ứng xử thói quen không dễ gì phá bỏ một sớm một chiều. Điều đó đã tác động đến tâm lý và hành vi của một số cán bộ, công chức, vốn từ trước đến nay chưa thực sự có thói quen tự mình khép vào kỷ cương kỷ luật.
Khắc phục tình trạng nêu trên cần có sự tác động của nhiều yếu tố, từ sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật quản lý đến cơ chế trách nhiệm công vụ rõ ràng. Sự gương mẫu và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên theo quy định của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới vừa được ban hành, và đặc biệt là sự công tâm, khách quan, thấu tình đạt lý của các cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, xử lý cán bộ, đảng viên trong mỗi vụ việc cụ thể
Bản thân pháp luật đã có tính nhân văn, trong mỗi quy định của Đảng đều mang tình đồng chí, vấn đề chủ yếu là ở quá trình thực hiện mà thôi.
Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 32 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!