Xử lý tham nhũng, bất kể người đó là ai!
Người dân tiếp tục được chứng kiến sự nhất quán, quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong công cuộc làm trong sạch bộ máy qua việc bắt giữ một loạt cán bộ cao cấp thời gian vừa qua. Kẻ tham nhũng sẽ phải bị xử lý dù bất cứ là ai, ở bất cứ cương vị nào, chưa bao giờ quyết tâm đó được minh chứng rõ ràng và cụ thể như lúc này.
Mới nhất là việc ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, và nguyên Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt với cáo buộc liên quan vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn.
Trước đó hôm 8/3 là việc bắt giữ bà Hoàng Thị Thúy Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, và Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh. Đây đều là những quan chức đương nhiệm, và qua đó cho thấy những chuyển động mới, nét mới khiến những người làm công tác nghiên cứu về phòng, chống tham nhũng chú ý.
Nhớ lại nhiều vụ việc khác, trước khi xảy ra sự kiện tố tụng, khởi tố quan chức vi phạm, nhất là cán bộ cao cấp, thì thường dư luận bên ngoài đã râm ran, bàn tán. Diễn tiến chính thức tiếp theo thường là: Sự vào cuộc của cơ quan kiểm tra Đảng, sau đó là kỷ luật Đảng và Chính quyền, nếu là đại biểu Quốc hội thì bị bãi nhiệm… sau đó mới là các quyết định tố tụng công khai.
Đơn cử, những diễn tiến như trên có thể được cảm nhận rõ ở việc xử lý các vi phạm của ông Nguyễn Thanh Long khi là Bộ trưởng Y tế, hoặc ông Chu Ngọc Anh khi là Bộ trưởng KH&CN, trong vụ án kit test Việt Á giữa đại dịch COVID-19…
Ở góc độ công tác nghiên cứu, có thể tạm đúc kết cách làm trên là "kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho kỷ luật hành chính và cho công tác thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật".
Cùng với cách làm trên, chuyển động mới gần đây tôi quan sát thấy là khi có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án để điều tra, đủ căn cứ thì cứ trình tự tố tụng mà khởi tố bị can, bất kể đó là ai, cương vị nào. Mọi thủ tục kỷ luật, bãi nhiệm sẽ từng bước thực hiện theo quy định pháp luật, cũng như quy định riêng của tổ chức mà người đó là thành viên…
Vụ việc quan chức Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi bị cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn chỉ là một trong những thực tiễn để quan sát cách mà nguyên tắc pháp quyền vận hành ở nước ta. Tương tự và mới nhất là các quyết định của Thủ tướng, hôm 20/3, về việc phê chuẩn kết quả bãi nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang với ông Nguyễn Thanh Bình, Trần Anh Thư.
Ông Thư bị cơ quan tố tụng khởi tố hồi tháng 8/2023 để điều tra theo tội danh nhận hối lộ, còn ông Bình bị khởi tố tháng 12/2023 về tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đến đầu tháng 3 này, HĐND tỉnh nhà mới họp để bỏ phiếu bãi nhiệm những quan chức này.
Cũng như vậy, trường hợp bà Hoàng Thị Thúy Lan của Vĩnh Phúc, thủ tục duy nhất phải làm về mặt Nhà nước trước khi tiến hành khởi tố, bắt tạm giam, khám xét, cơ quan tố tụng phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như một thủ tục cụ thể của quyền miễn trừ hiến định của Đại biểu Quốc hội, để rồi cơ quan thường trực của Quốc hội quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội với bà này. Các quyết định sau đó của Quốc hội về mặt Nhà nước rất nhịp nhàng với quyết định của Đảng với nhân sự cấp cao này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, đã rất nhấn mạnh các yêu cầu về công tác phối hợp giữa thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan Nhà nước với giám sát, kiểm tra của Đảng.
Đảng không làm thay việc của Nhà nước, và giữa các cơ quan, giữa các thiết chế dù là của Đảng hay Nhà nước cũng không làm thay việc của nhau, đồng thời không cản trở nhau. Ngược lại phải phối hợp, giám sát nhau, thúc đẩy nhau "đúng vai thuộc bài" như một phần của yêu cầu về kiểm soát quyền lực trong toàn hệ thống chính trị, của "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế" mà Tổng Bí thư nhiều lần nhắc đến.
Kết luận số 05-KL/TW năm 2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW năm 2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đã chỉ rõ:
"Các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án.
Nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải báo cáo ngay cho Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để kịp thời chỉ đạo xử lý; đồng thời chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét xử lý theo quy định của Đảng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo".
Các quan điểm, chỉ đạo, các chủ trương cùng với những câu chuyện cụ thể trên thực tế đang cho thấy Đảng luôn sát sao và kịp thời có những điều chỉnh phù hợp để tăng cường hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Những diễn biến chính trị rất sôi động những ngày qua đang cho thấy điều đó.
Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 32 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!