Tham nhũng trong khu vực tư, nhìn từ vụ Vạn Thịnh Phát
Cơ quan chức năng vừa đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, trong giai đoạn 2 của đại án Vạn Thịnh Phát.
Nhìn lại từ giai đoạn 1, đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng bởi tính chất và quy mô của nó cũng như những tác động, ảnh hưởng rất xấu đối với xã hội. Số lượng tiền bạc, tài sản liên quan đến các vi phạm là cực kỳ lớn, số lượng người bị xử lý rất nhiều, trong đó có cả những người từng giữ trách nhiệm thanh tra…
Điều đặc biệt là trong vụ án này, hành vi tham nhũng trong khu vực tư với số tiền tham ô rất lớn đã được tuyên đối với Trương Mỹ Lan, một người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ngoài nhà nước, tội danh vốn từ trước đến nay chỉ gắn liền với hình ảnh một số quan tham trong bộ máy nhà nước. Điều này có vẻ như khá "lạ lẫm", thậm chí còn có nhiều tranh luận trong quá trình xét xử vụ án, nhưng cũng dễ hiểu vì việc mở rộng đấu tranh chống tham nhũng sang khu vực tư là một chủ trương và thể chế hóa trong các quy định của pháp luật chỉ trong một vài năm gần đây.
Thông thường, nói đến tham nhũng người ta luôn nghĩ đến hai hành vi điển hình: một là lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền bạc mà mình có quyền quản lý (tham ô), và hai là lợi dụng chức vụ quyền hạn nhận tiền bạc, tài sản của cá nhân, tổ chức, để thực hiện hành vi có lợi cho cá nhân, tổ chức đó.
Trước kia người có chức vụ quyền hạn chỉ được hiểu là những người làm việc trong khu vực công, ở Việt Nam là trong hệ thống chính trị. Nhưng kể từ khi Đổi mới và bắt đầu từ Hiến pháp 1992, khu vực kinh tế tư nhân xuất hiện và ngày càng phát triển trở thành động lực của nền kinh tế đất nước. Trước kia mọi người thường hiểu "tư nhân" đồng nghĩa với cá nhân, hoạt động kinh tế tư nhân mang tính chất cá thể của một người hoặc có thể là một số người mang tính chất gia đình. Vì vậy không thể có chuyện ai đó lại tự tham ô chính tiền bạc của mình và gia đình mình.
Tuy nhiên theo thời gian, cùng với những chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân ngày lớn mạnh với sự ra đời và phát triển của các công ty, tập đoàn, hệ sinh thái góp phần quan trọng vào quá tình phát triển cũng như có ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội của đất nước.
Các công ty, tập đoàn không chỉ là của một hoặc một số người có tính chất gia đình mà huy động một số lượng tiền bạc, tài sản rất lớn của người dân và xã hội. Mặc dù có điểm khác biệt với bộ máy nhà nước, nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng hình thành bộ máy quản lý với những người có quyền hạn, nhiệm vụ trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Khi hình thành đội ngũ người có chức vụ, quyền hạn thì đồng nghĩa với việc xuất hiện nguy cơ những người này lợi dụng để chiếm đoạt tiền bạc của doanh nghiệp mình, thực chất là của những người cổ đông, người góp vốn.
Trở lại vụ Vạn Thịnh Phát, SCB là ngân hàng thương mại cổ phần, và số tiền của SCB bị chiếm đoạt như diễn biến phiên tòa và bản án đã tuyên, thực chất được huy động của xã hội. Điều này đã gây nên những hệ lụy to lớn đối với nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến những người gửi tiền.
Từ một vụ việc cụ thể và mang tính điển hình như Vạn Thịnh Phát, chúng ta càng thấy chủ trương mở rộng cuộc chiến chống tham nhũng sang khu vực tư là kịp thời và đúng đắn với hai lý do chủ yếu sau đây:
Một là, sự phát triển lành mạnh và bền vững của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước là yếu tố cực kỳ quan trọng có tính chất quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước.
Vì vậy, với các công cụ của mình, Nhà nước cần phải vừa hỗ trợ vừa kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ lợi ích của người dân và xã hội. Một sự đổ vỡ của bất cứ doanh nghiệp nào đều ảnh hưởng, với những mức độ khác nhau, đến "sức khỏe" của nền kinh tế đất nước và sự ổn định xã hội cũng như lợi ích của người lao động.
Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng phải tạo ra cơ chế kiểm soát nội bộ để bảo vệ tài sản của mình, đồng thời cùng cộng đồng doanh nghiệp với sự đồng hành của nhà nước xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng, đấu tranh chống những hành vi vi phạm để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, yếu tố then chốt của sự phát triển
Hai là, trong những vụ việc, vụ án tham nhũng gần đây, đặc biệt là những vụ việc vụ án lớn luôn có sự móc nối, bắt tay chặt chẽ giữa những kẻ vi phạm ngoài xã hội với quan chức thoái hóa biến chất trong khu vực công. Các bị cáo trong vụ Vạn Thịnh Phát chắc chắn không thể thực hiện hành vi vi phạm ghê gớm như thế, nếu không có sự tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa biến chất trong cơ quan nhà nước có liên quan. "Kẻ tung, người hứng", "bên ngoài, bên trong", người đưa, người nhận hối lộ là những "cấu trúc" điển hình trong các vụ án tham nhũng lớn vừa được phát hiện và xử lý trong thời gian qua.
Chống tham nhũng có hiệu quả chắc chắn phải chặt đứt cái vòi bạch tuộc, sợi dây lợi ích từ cả hai phía, ngăn chặn sự gặp gỡ móc nối thỏa thuận giữa quyền lực và tiền bạc.
Một chuyên gia nước ngoài từng nói: Cuộc chiến chống tham nhũng muốn tiến lên thì phải đi bằng cả hai chân, phải chống tham nhũng trong cả khu vực công và khu vực tư thì mới có hiệu quả bền vững.
Từng bước mở rộng phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư với phương châm "trên trước, dưới sau", "trong trước, ngoài sau", vừa là để nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta, và cũng là để đáp ứng yêu cầu thực hiện của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), mà Việt Nam là một nước thành viên, trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.
Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 32 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!