Đề văn dở khóc dở cười và nút thắt ngữ liệu
Các giáo viên và học sinh học môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã từng kỳ vọng việc ra đề kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực và sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sẽ đem lại "chân trời mới". Theo đó văn mẫu không còn đất sống và học trò phải học thật rồi mới thi nổi, còn thầy cô sẽ có không gian để sáng tạo.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì kể từ năm 2022, trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, thầy cô tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh; khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Trên thực tế qua các đề văn một số thầy cô đưa lên trang cá nhân của mình hoặc được phản ánh trên báo chí thì có thể thấy nhiều đề văn hay, nhưng cũng rất nhiều đề văn dở khóc dở cười.
Chẳng hạn đề văn kiểm tra cuối kỳ của học sinh lớp 9 và lớp 12 ở An Giang bị cho có nhiều "sạn" (ví dụ đáp án chưa chính xác khi nói bài Dạ cổ hoài lang là "bài ca cổ"; yêu cầu học sinh thuyết minh về điện thoại di động thông minh là chưa phù hợp, vì nhiều em không có điện thoại thông minh và đây là thiết bị không khuyến khích sử dụng với học sinh THCS…).
Đề văn lớp 8 của Trường THCS Colette, quận 3 (TPHCM) mới đây cũng bị cho dùng ngữ liệu không ổn, nhạy cảm, vì nội dung miêu tả thầy đồ tham ăn tục uống có thể bị liên tưởng đến hình ảnh không hay của nhà giáo…
Như vậy việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông hóa ra không dễ dàng, kỳ vọng "chân trời mới" có thể mau chóng tan vỡ khi các học trò phải đối diện với đề bài dài dòng văn tự, những tác phẩm lạ hoắc và có vẻ không ăn khớp với lứa tuổi, nội dung được học.
Còn thầy cô thì thấy hóa ra không dễ để chọn ngữ liệu sao cho phù hợp với mục tiêu chương trình, mục đích kiểm tra đánh giá, cùng lúc phải đạt chuẩn hay và đẹp, có giá trị nhân văn và khiến học trò yêu thích môn văn.
Vì sao lại dẫn tới tình trạng này? Qua trao đổi với một số cháu học sinh và thầy cô dạy văn, tôi nhận thấy những vấn đề nan giải như sau:
Ngữ liệu hỗ trợ cho thầy cô và học sinh học tập nằm ngoài sách giáo khoa ở Việt Nam hiện nay chưa hề được biên soạn một cách nghiêm túc. Thành ra khi các thầy cô hay học trò cần tìm thêm tài liệu thì chủ yếu là tự phát, dẫn tới có thể sử dụng các ngữ liệu không phù hợp, thiếu sự thẩm định, nội dung không ổn cho học sinh.
Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, các nguồn ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa cực kỳ phổ biến, được biên soạn một cách chỉn chu, bài bản, phong phú, hấp dẫn. Họ tạo ra nhiều địa chỉ khác nhau để cho giáo viên có thể sử dụng được. Một là tại hệ thống thư viện ở từng trường, từng địa phương, cho tới thư viện của các đại học, các thành phố, của quốc gia.
Hai là trên các trang web, có các trang của từng học khu, có trang của chính phủ, có các trang của thầy cô chia sẻ học liệu và ý tưởng giảng dạy miễn phí, có trang có thể mua tài liệu với giá rẻ. Ngoài ra còn có các trang của các hiệp hội và học viện thơ ca, các tổ chức yêu văn chương.
Ví dụ nếu ta muốn tìm 100 bài thơ về tình bạn, hay ta cần tìm 50 bài thơ về thiên nhiên, chỉ việc tìm kiếm trên Google, sẽ ra cực nhiều, tha hồ chọn. Hoặc nếu ta muốn dạy về 25 truyện ngắn hay nhất của Mỹ, 10 tiểu thuyết Anh hay nhất, hay chỉ chuyên dạy về kịch cổ điển Anh… cũng tương tự, các trang web nêu trên có đầy đủ ngữ liệu từ văn bản tác phẩm đến tiểu sử tác giả, bộ các câu hỏi để hiểu tác phẩm.
Khả năng mở rộng ngữ liệu của các thầy cô ở Việt Nam khá hạn chế, do có thể họ phải bám sát quá nhiều yêu cầu từ chương trình, hoặc cũng có thể do một bộ phận thầy cô chưa có đủ kiến văn về các tác phẩm văn chương hay nhất, không chỉ ở Việt Nam mà của thế giới.
Để đổi mới cách dạy, cách học và cách đánh giá học sinh trong môn ngữ văn thì sự linh hoạt, sáng tạo của thầy cô trong việc tìm ngữ liệu ngoài sách giáo khoa rất quan trọng. Theo tôi được biết, ở nhiều nước, nếu phải dạy phần thơ ca cổ điển Anh thì thầy cô không cần dạy tất cả tác giả mà sách giáo khoa đã yêu cầu, chỉ chọn ra chừng 2 tác giả mà họ thích nhất và cho học sinh khám phá sâu.
Mục tiêu của họ là dạy học sinh phương pháp tự đọc và tự tìm hiểu không chỉ hai tác giả đó, mà bất cứ tác giả thi ca nào khác. Từ đó việc tìm ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cũng rất linh hoạt, chủ yếu chỉ cần theo một chủ đề đã chọn là được. Vì ngữ liệu có sẵn vô cùng phong phú, đã được tập hợp rất khoa học, nên họ có thể tập trung vào các tác phẩm hay nhất trên thế giới trong chủ đề đó, tránh cho học trò mất thời gian đọc những ngữ liệu kém chất lượng.
Đề các bài luận văn vào đại học Mỹ (dành cho học sinh phổ thông), bao gồm 7 đề khác nhau, được để sẵn trên website cho học sinh toàn cầu trước 1-2 năm. Bất cứ ai muốn thi đều thoải mái vào xem trước.
Họ làm vậy vì quan niệm đề chỉ là một sự gợi ý, điều quan trọng là học sinh phải viết ra từ cảm nhận của chính mình, từ hoàn cảnh cá nhân, từ ý kiến độc lập, từ khả năng phản biện. Vì vậy các bài văn của từng học trò chắc chắn không bao giờ giống nhau, nên đề không cần đánh đố làm gì mất công.
Qua việc một số đề thi văn vừa rồi là nội dung lấy xuống trên mạng mà không có nguồn rõ ràng, gây xôn xao, tôi có suy nghĩ rằng nhiều thầy cô ở ta chưa có thói quen đọc sách thường xuyên. Do đó kiến thức về văn học của các thầy cô này với các tác phẩm ngoài nhà trường chưa phong phú, không có hệ thống.
Lâu nay nhiều thầy cô dạy học, ra đề dựa vào sách giáo khoa cũng như những nhận định có sẵn ở giáo trình mẫu, nên chưa có thói quen khám phá, tìm hiểu, phát hiện ý tưởng từ thế giới văn chương ngoài sách giáo khoa. Đây là hệ quả tai hại của lối học văn "trên dạy dưới chép" cả từ phổ thông lẫn đại học, thi cử theo đề cương, học lệch và học tủ.
Thiết nghĩ để dạy văn sáng tạo thì thầy cô sẽ phải đọc nhiều hơn; nguồn ngữ liệu mà ngành Giáo dục cũng như nhà trường chuẩn bị cho thầy cô phải phong phú, chất lượng và sẵn có hơn. Cách ra đề theo hướng phát huy năng lực cảm nhận, suy nghĩ độc lập của học sinh thay vì chỉ "hỏi đáp kiến thức".
Để đổi mới phương pháp dạy và học thì thầy cô phải đi đầu, nếu không thì chưa thấy có gì mới đã mệt mỏi vì ồn ào tranh cãi.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!