Tâm điểm
Quan Thế Dân

Đánh thuế đồ uống có đường?

Trong cuộc đời chưa quá dài của mình, tôi đã kịp chứng kiến nhiều sự đổi chiều của tâm lý xã hội, một trong những điều đó là sự đổi chiều thái độ về dinh dưỡng, cụ thể là về cái ăn.

Vào những năm 1980, toàn xã hội đói quay quắt, có cái ăn là mừng. Bữa ăn có một quả trứng rán mỏng là sang lắm rồi, để dành chia cho trẻ nhỏ, người lớn toàn ăn rau. Thời ấy nhìn cái gì cũng thèm, từ thịt thà, trái cây cho đến cơm. Nhìn ai cũng như gầy như con hạc, toàn xương, không một chút mỡ.

Thời ấy đường là thuốc bổ, chỉ người bệnh mới được dùng. Món quà đi thăm người bệnh nằm viện là "cân đường hộp sữa". Trẻ em thèm của ngọt, chia nhau mút chung cây kẹo. Mùa hè người lớn sau giờ làm thèm có được ly nước chanh đường.

Nên ta thấy dễ hiểu khi năm 1995 Chính phủ thực hiện kế hoạch mơ ước sản xuất 1 triệu tấn đường một năm. Lúc ấy mục tiêu là vô cùng nhân văn, để có đường cho người bệnh, có bánh kẹo cho trẻ nhỏ.

Nào có ai ngờ, sau 20 năm, bây giờ đường trở thành "kẻ thù" của xã hội. Ngày 23/3/2023, Bộ Y tế tổ chức hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường với sức khỏe và tác động của chính sách thuế và giá. "Đường tự do hay đường thêm vào sẵn có xung quanh ta. Vì thế, cập nhật nhãn dinh dưỡng cũng là công cụ hiệu quả để giảm tiêu thụ đường", TS.BS Nguyễn Hồng Diễm, Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết. 

Đường từ chỗ là người bạn giờ bỗng hóa "kẻ thù" của sức khỏe, cần đánh thuế để hạn chế. Vậy thực hư của vấn đề ra sao?

Trước hết phải nhớ đường, cụ thể là đường đơn glucose, là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Tất cả các cơ quan cần đường để hoạt động, trong đó cơ bắp và não bộ tiêu thụ nhiều đường nhất. Để cung cấp cho các cơ quan, lượng đường glucose trong máu luôn ổn định ở mức khoảng 5 mmol/l. Khi đường trong máu xuống thấp người ta sẽ thấy cảm giác đói cồn cào, rồi mệt mỏi, choáng váng, vã mồ hôi. Đường máu xuống quá thấp có thể gây ngất xỉu hoặc hôn mê, thậm chí tử vong.

Đánh thuế đồ uống có đường? - 1

Nhiều nghiên cứu chứng minh trẻ nhỏ thấy nước ngọt hấp dẫn một cách không thể cưỡng được (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên do lượng đường ăn vào không phải lúc nào cũng khớp với lượng đường các cơ quan sử dụng, nên phần lớn lượng đường ăn vào được cơ thể chuyển thành dạng dự trữ là glycogen và mỡ triglycerit. Khi cơ thể cần đường sẽ chuyển hóa glycogen và mỡ thành ra đường glucose tự do trong máu. Quá trình chuyển đổi này có sự tham gia của nhiều hormone trong cơ thể, diễn ra rất nhịp nhàng, đảm bảo lượng đường trong máu luôn ổn định.

Khi tổng năng lượng con người thu nạp vào lớn hơn năng lượng tiêu thụ thì lượng  đường thừa này chuyển hóa thành mỡ, cứ tích trữ mãi trong cơ thể, thành ra béo phì. Lượng mỡ này nằm trong mô mỡ phần nhiều ở vùng bụng và len lỏi khắp cơ thể. Bản thân mô mỡ ngoài là nơi dự trữ năng lượng cho cơ thể, gần đây còn được các nhà nghiên cứu coi là một nhà máy nội tiết, sản xuất ra nhiều chất gây viêm, gây rối loạn chuyển hóa. Từ đó lý giải tại sao người béo phì ngoài việc có hình thể thiếu khỏe mạnh, còn hay mắc thêm các bệnh tim mạch, đái tháo đường, tai biến mạch não, buồng trứng đa nang…

Nên mới thấy thấm cái chân lý của tự nhiên, đủ là tốt. Thừa hay thiếu đều không tốt.

Tuy nhiên thấy được tác hại của dùng quá nhiều đường là một chuyện, nhưng hạn chế được dùng đường lại là chuyện khác. Từ chỗ đường là mặt hàng khan hiếm mỗi người dân chỉ có chưa tới 100 gram/tháng, tới nay lượng đường người Việt Nam tiêu thụ đã gấp nhiều lần. Theo đại diện lãnh đạo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ 2018 - 2019 lượng đường cung cấp trên thị trường cả nước là trên 2,2 triệu tấn. 

Trong đó, lượng đường sản xuất trong vụ là trên 1,5 triệu tấn, đường tồn kho đến 15/8 là trên 600.000 tấn, nhập khẩu năm 2018 (theo cam kết với WTO) dự kiến 94.000 tấn. Nhu cầu tiêu thụ trong nước là 1,6 triệu tấn, chia ra, bình quân đầu người Việt Nam tiêu thụ 15kg đường/năm hay 1,25 kg/tháng.

Lượng đường tiêu thụ tăng nhanh là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng béo phì. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016 toàn cầu ước tính có hơn 1,9 tỷ người từ 18 tuổi trở lên bị thừa cân (chiếm 39%), trong đó trên 650 triệu người béo phì (chiếm tỉ lệ 13%). Năm 2019 có 38,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân và béo phì trong đó hơn 50% ở khu vực châu Á. Ước tính chi phí chăm sóc sức khỏe toàn cầu do béo phì năm 2019 ước tính mất 990 tỷ USD (23 triệu tỷ đồng).

Tại sao biết ăn nhiều đường là nguy hiểm như vậy nhưng con người vẫn sử dụng? Vì qua quá trình tiến hóa, vị ngọt là một tín hiệu thân thiện với cơ thể, báo hiệu đấy là đồ ăn được; ngược lại vị đắng là tín hiệu báo động là chất độc, cần tránh xa. Nụ vị giác ở lưỡi có thể phát hiện ra vị đắng ở mức độ rất nhỏ, cỡ một phần hàng trăm nghìn, nhưng chỉ phát hiện ra vị ngọt ở mức độ phần nghìn. Tức là con người bẩm sinh đã là những người "hảo ngọt".

Các nghiên cứu về thần kinh cho thấy khi ăn đồ ngọt, cơ thể giải phóng một lượng hormone serotonin, loại hormone gây tâm trạng vui vẻ, tích cực. Đấy là lý do sâu thẳm bên trong của chứng "nghiện đồ ngọt". Nước ngọt gây tâm trạng vui vẻ, dùng lâu khiến con người lệ thuộc vào đồ ngọt. Khi không có nước ngọt, người dùng cảm thấy buồn chán, phải dùng nước ngọt mới lấy lại được tâm trạng vui vẻ.

Những người có bất ổn tâm lý, buồn chán thường tìm đến đồ ngọt như một chỗ dựa tâm lý, dẫn đến tăng cân mất kiểm soát. Trẻ nhỏ thấy nước ngọt hấp dẫn một cách không thể cưỡng được. Các hãng đồ uống lợi dụng đặc điểm này để giữ chân khách hàng. Các cốc trà sữa có độ ngọt rất cao, chỉ uống vài lần là nghiện, không dứt ra được.

Theo Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia (2020), tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 10 năm, cùng với đó là gần 1/3 trẻ em tiêu thụ nước ngọt thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày. Mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua.

Vì vậy để phòng tránh các tác hại của béo phì và các bệnh chuyển hóa, cần phải có liên tục nhiều chương trình giáo dục, nói về tác hại của việc dùng nhiều đường, nâng cao nhận thức cho người dân. Cần lồng ghép chương trình giáo dục sức khỏe này cho các đối tượng dễ bị ảnh hưởng là trẻ nhỏ, học sinh. Song song với giáo dục sức khỏe, cần đánh thuế các đồ uống có sử dụng đường.

Việc đánh thuế giúp cho nhận thức của người dân nâng cao hơn và có nguồn thu để giúp giải quyết các tổn hại xã hội do thừa cân béo phì gây ra.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!