Tâm điểm
Quan Thế Dân

Đằng sau những khó khăn gay gắt của ngành y

Cách đây 20 năm tôi công tác tại một bệnh viện cán bộ, khi đó công việc rất áp lực, hơi một tý là bệnh nhân hét lên: "không làm được thì nghỉ đi". 

Thời đó mới hết bao cấp, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, y tế còn khó khăn hơn, nhưng tư tưởng về chỗ làm còn nặng nề lắm, dù bị oan ức nhiều song nhân viên y tế chỉ cắn răng chịu đựng, không ai dám nghỉ việc. Bệnh viện, nhân viên y tế nhiều khi trở thành chỗ cho xã hội xả xì trét.

Bây giờ thì khác. Trong đại dịch ngành y đã xả thân lao vào chỗ nguy hiểm, trong khi không phải không có những người thường ngày rao giảng đạo đức, luôn miệng chê bai ngành y đã lánh thật xa. Sau đại dịch, nhiều nhân viên y tế không khỏi suy nghĩ coi như đã trả xong món nợ đạo đức mà xã hội đặt lên vai họ, bây giờ họ tự tìm cách cứu bản thân và gia đình. 

Vậy nên ở đâu tôn trọng nhân viên y tế, trả lương xứng đáng với sự hy sinh của họ thì họ đến, để lại sau lưng mớ bòng bong mà bấy lâu nay trên truyền thông và các diễn đàn liên tục đề cập. Cứ nhìn hàng nghìn, hàng nghìn nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển chỗ làm thời gian qua thì chúng ta đủ hiểu. Không cần tranh cãi lôi thôi. Họ bỏ phiếu bằng đôi chân.

Đến bây giờ, xã hội mới thấm thía hậu quả của việc bao năm qua chưa đầu tư thỏa đáng cho ngành y mà chỉ một chiều yêu cầu nhân viên y tế phục vụ hy sinh, trấn áp mọi ý kiến phản hồi của ngành y bằng cái vòng kim cô "y đức". Đến bây giờ họ mới chịu hiểu cái nguyên lý cơ bản nhất của chủ nghĩa duy vật là "lực lượng vật chất chỉ thay đổi bằng lực lượng vật chất".

Đằng sau những khó khăn gay gắt của ngành y - 1

Khó khăn của hệ thống y tế công trong đó có vấn đề thu nhập đã khiến nhiều nhân viên xin nghỉ việc thời gian qua (Ảnh minh họa: Hoàng Lê)

Trên truyền thông ta đã nghe thấy rất nhiều ý kiến về nguyên nhân gây nên các khó khăn trong ngành y hiện nay. Tựu chung lại là có hai luồng ý kiến. 

Một là do tham nhũng, tiêu cực. Điều đó đúng. Đại án Việt Á, đa khoa Đồng Nai..., những tư liệu điều tra được công bố cho xã hội nhìn thấy thực trạng tham nhũng nhức nhối trong ngành y bao năm qua. Nhưng bình tĩnh mà đánh giá, quy mô tham nhũng trong ngành y chưa chắc đã lớn bằng các lĩnh vực khác. Nên có thể nói tham nhũng, tiêu cực trong ngành y làm trầm trọng thêm các khó khăn của ngành mà thôi, chứ theo tôi đó không phải là nguyên nhân chính.

Hai là các bất cập về cơ chế. Các bất hợp lý như chính sách trả lương cho nhân viên y tế, về quyền tự chủ của bệnh viện, về giá dịch vụ, về cơ chế đấu thầu, về cơ chế đầu tư… đã gây khó khăn cho hoạt động y tế thời gian qua, nhất là các bệnh viện công. Nhưng tôi có cảm giác các khó khăn cơ chế này đang bị nói quá lên, để phần nào biện minh cho các sai phạm hoặc hạn chế do yếu tố chủ quan.

Có những bất cập cần sửa đổi và các cơ quan đang làm việc đó. Nhưng cần lưu ý là y tế công khác với tư ở chỗ cần có những quy định chặt chẽ hơn. Vì sao vậy? Vì có ràng buộc bởi từng ấy cơ chế thì mới là y tế công; nếu dỡ hết từng ấy ràng buộc đi thì thành y tế tư nhân rồi.

Vì thế theo ý kiến cá nhân tôi, hai khó khăn mà mọi người thường nói tới ở trên, đúng nhưng chưa đủ. Tham nhũng, tiêu cực và cơ chế gây khó khăn cho hoạt động của ngành y, nhưng không phải là nguyên nhân chính.

Nguyên nhân chính gây ra các khó khăn cho ngành y nằm ở vấn đề cốt lõi: Tiền đâu? Hay nói cho chuyên nghiệp hơn là nguồn lực xã hội dành cho y tế. Mà tài chính dành cho ngành y phụ thuộc vào quy mô của nền kinh tế. Khi quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, nguồn lực ít ỏi cần ưu tiên cho đầu tư phát triển, thì phần dành cho y tế ít hơn là lẽ đương nhiên. Tiền ít thì không làm gì được, lực bất tòng tâm.

Niên giám y tế Việt Nam năm 2020 cho biết, chi ngân sách nhà nước cho y tế là 124.700 tỷ đồng, chiếm 7,14% tổng chi ngân sách nhà nước. Nguồn thu khác cho y tế (viện phí, bảo hiểm y tế, hoạt động dịch vụ…) ước thực hiện 147.540 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm y tế chiếm khoảng 100.000 tỷ đồng. Tổng chung chi cho y tế Việt Nam năm 2020 là 272.240 tỷ đồng, bằng 11 tỷ USD, khoảng 115 USD/người. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam 2020 là 343,2 tỷ USD. Vậy năm 2020 chi cho y tế của Việt Nam chiếm 3,2% GDP.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng chi tiêu cho y tế bình quân đầu người cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia, dao động từ 1,8% cho đến hơn 10% GDP; các quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế với 38 thành viên, chủ yếu là các nước phát triển) trung bình chi tiêu cho y tế chiếm 9% GDP. Trong số các nước OECD, tổng chi cho y tế của Hoa Kỳ vào năm 2016 là 3.300 tỷ USD, tương đương 10.438 USD/người. GDP Hoa Kỳ 2016 là 18.700 tỷ USD, vậy chi cho y tế của Hoa Kỳ năm 2016 là 17,9% GDP.

Có thể thấy chi tiêu cho y tế của chúng ta tuy đã có nhiều cố gắng song vẫn còn khiêm tốn. Trong khi đó, một sự thật chúng ta nên biết, cho dù thu nhập và giá sinh hoạt ở các nước khác nhau, nhưng trong việc chữa bệnh thì giá thuốc, máy móc trên thế giới ở một mặt bằng tương đương. Trong rất nhiều trường hợp cụ thể, giá ở Việt Nam và ở Mỹ  là như nhau, nếu không muốn nói có khi còn đắt hơn. Chỉ có giá nhân công y tế Việt Nam là rẻ hơn nhiều mà thôi.

Trong chi phí y tế ở Việt Nam thì chi phí cho tiền thuốc và xét nghiệm chiếm 2/3 tổng chi phí. Vì thế ta hiểu không riêng Việt Nam mà bất cứ nước nào cũng vậy, chi phí dành cho chữa bệnh (nhất là tiền thuốc, thiết bị) dù co kéo cỡ nào vẫn phải theo mặt bằng chung thế giới. 

Người Việt Nam mình có khả năng thích ứng với hoàn cảnh khó khăn cao. Tục ngữ đã đúc kết: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", "buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện"… Nhưng các suy nghĩ tiểu nông này có vẻ như không phù hợp trong chữa bệnh hiện nay. Thuốc chữa bệnh phải dùng theo liều, không thể vì nghèo mà ta chỉ dùng 1/2 liều hay 1/4 liều thôi hoặc cắt ngắn đợt điều trị đi. 

Chỗ này thật ra cũng có giải pháp tạm thời là dùng thuốc và máy móc giá rẻ của nước đang phát triển sản xuất, như thuốc của Ấn Độ, máy móc của Trung Quốc… Nhưng giải pháp này nhiều khi bị xã hội phản đối là nền "y tế giá rẻ" và không cẩn thận còn bị cho làm trái quy định. 

Thật là vô cùng khó cho ngành y khi mà chi phí cho y tế của mình chỉ bằng một phần trăm so với người ta, nhưng lại đòi hỏi phải dùng thuốc và máy móc chính hãng như người ta. Bất khả thi.

Với cái nhìn tổng quát như trên thì chúng ta thấy các khó khăn của ngành y còn kéo dài, khi nào kinh tế khá lên thì y tế sẽ tốt lên. Đó là quy luật. Tất nhiên một bộ phận người dân có thể ra nước ngoài chữa bệnh hoặc sử dụng dịch vụ y tế tư nhân chất lượng cao trong nước. 

Trong hoàn cảnh "nhà nghèo", chúng ta đã dành quan tâm cho y tế và y tế Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể so với các nước có cùng mặt bằng phát triển, nhưng quy luật là quy luật. Hiện tại chúng ta tích cực sửa chữa các quy định bất hợp lý, tích cực chống tham nhũng, tiêu cực sẽ giúp cho các khó khăn của ngành y bớt gay gắt hơn nhưng không thể vượt lên quy luật.

Trong thời gian quá độ đến khi kinh tế phát triển, có một số giải pháp giúp cải thiện tình hình y tế mà không cần dùng đến nguồn lực quá lớn.

Trước hết là phát triển y tế dự phòng. Thông qua tuyên truyền, vận động, chúng ta có thể giảm số người nghiện rượu, hút thuốc lá, dùng thuốc gây nghiện; tăng số người tập thể dục, ăn uống khoa học, giữ vệ sinh môi trường… Qua đó giúp giảm số người mắc bệnh cần điều trị. Một minh chứng rõ rệt là khi Luật phòng, chống tác hại rượu ra đời thì số người bị tai nạn giao thông, phải cấp cứu ở tất cả các bệnh viện trên toàn quốc giảm hẳn, giúp giảm chi phí cho toàn xã hội.

Tiếp theo, cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa y tế tư và y tế công, để giảm gánh nặng cho y tế công, để đầu tư công tập trung cho y tế cơ sở và y tế dự phòng. Hiện nay y tế tư nhân vẫn bị đối xử không bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, đất đai, đặt hàng của nhà nước… Chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là y tế tư nhân sử dụng nguồn vốn và nhân lực có hiệu quả hơn y tế công.

Cuối cùng, cần tăng mức huy động đóng góp của xã hội cho y tế. Hiện nay tỷ lệ chi cho y tế mới chiếm khoảng 3% GDP là quá thấp. Bên cạnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho y tế, chúng ta cũng cần tăng mức đóng bảo hiểm y tế, thể hiện trách nhiệm của người dân với sức khỏe của chính mình. 

Ở các nước đóng bảo hiểm y tế chiếm 20 - 30% thu nhập của mỗi cá nhân, nên y tế mới có tiền để khám chữa bệnh. Còn Việt Nam chỉ đóng 4,5% lương, mà có những đơn vị còn tìm đủ mọi mánh khóe để trốn tránh, nên quỹ bảo hiểm y tế rất ít ỏi. Đóng thì rất ít mà đòi hỏi bảo hiểm y tế chịu trách nhiệm rất cao. Đây là nhận thức không đúng và không ai làm được.

Xin có vài lời nói thẳng như vậy nhân những vấn đề nổi cộm của ngành y đang được xã hội quan tâm bàn luận. Mong nhận được những trao đổi, góp ý giúp ngành y và những người đang làm việc trong ngành như chúng tôi vượt qua khó khăn hiện nay.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!