Làn sóng nhân viên y tế thôi việc
Người Pháp có câu nói rất hay: "Hôn nhân giống như một pháo đài đang bị bao vây; những người bên ngoài muốn xông vào, còn những người bên trong thì tuyệt vọng thoát ra".
Câu này có thể áp dụng tương tự cho rất nhiều y bác sĩ Việt Nam.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, kể từ đầu năm 2021 đến hết tháng sáu năm 2022, gần 10.000 nhân viên y tế thôi việc được các địa phương báo cáo. Chưa bao giờ làn sóng bỏ việc của những người hành nghề y lại diễn ra trầm trọng đến như vậy. Đó là một dấu hiệu cảnh báo cuộc khủng hoảng danh tính nghề nghiệp. Theo quan sát của tôi, y bác sĩ "bỏ trốn" khỏi bệnh viện công với tốc độ ngày càng nhanh, nhiều người trong số họ là bác sĩ xương sống của những bệnh viện hàng đầu. Ở lại hệ thống hay ra ngoài bệnh viện tư? Đối mặt với những khác biệt về an ninh nghề nghiệp, tình trạng hành nghề, điều kiện học tập và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là mức lương, các y bác sĩ hôm nay đang rất băn khoăn với sự lựa chọn đi hay ở.
Những người đi được thì đã đi rồi!
Trong những năm gần đây, y tế tư nhân nhờ có sự ra đời của một loạt chính sách nhằm khuyến khích dịch vụ y tế xã hội, được thúc đẩy bởi cổ phần hóa và quy luật cung cầu của thị trường, đã tạo ra sự đối lập với y tế công.
Cụ thể, những y bác sĩ bệnh viện công chúng tôi, ai cũng phải làm việc ít nhất 8 - 10 giờ mỗi ngày, trực 24 tiếng vào các ngày thứ sáu, thứ bảy và ngày lễ đều không nghỉ bù theo quy định của pháp luật, nhưng cũng không được tính công làm thêm giờ, chẳng ai nghỉ phép nếu gia đình không có việc hệ trọng. Bệnh viện hạng một, tiền trực của bác sĩ là 115.000 đồng. Hầu hết nhân viên y tế chỉ có lương cơ bản. Cơ sở hạ tầng xập xệ, cả khoa sinh hoạt chung tại buồng hành chính bé tí, phòng vệ sinh cũng phải dùng chung với bệnh nhân rất bẩn thỉu. Trang thiết bị máy móc luôn cũ kĩ, lạc hậu, thậm chí kém chất lượng đến mức rất khó khăn để làm chẩn đoán và thực hiện các thủ thuật can thiệp.
Ở bệnh viện tư ngược lại.
Phòng ốc bệnh viên tư luôn rộng rãi và sáng choang, mỗi khoa có một phòng giao ban chung, mỗi bác sĩ có phòng riêng và phòng làm việc bố trí ngăn nắp tiện nghi, chưa kể nhiều phòng tập thể dục, phòng đọc sách, quán cà phê, phòng ăn sạch sẽ và sang trọng.
Ở bệnh viện tư, nhân viên y tế không phải tiếp xúc với quá nhiều bệnh nhân mỗi ngày, thường có lịch hẹn khám trước, có nhiều thời gian trao đổi với bệnh nhân nên không có nguy cơ xảy ra xung đột. Các trang thiết bị máy móc được đầu tư đảm bảo chất lượng tốt nhất, máy phục vụ chẩn đoán đúng nghĩa là con mắt thần, giúp bác sĩ nhìn xuyên thấu những căn bệnh.
Một đồng nghiệp của tôi khi làm ở bệnh viện trung ương, cô tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày, triền miên mất ngủ và stress, cô đang tính phải dùng thuốc điều trị. Khi cô quyết định ra bệnh viện tư, thu nhập tăng hơn mười lần, nhưng điều quan trọng nhất là nửa năm sau căn bệnh mất ngủ và stress đã tự biến mất, không cần dùng đến viên thuốc nào.
Nhưng bệnh viện tư cũng có nhiều vấn đề.
Một đồng nghiệp khác của tôi tâm sự, anh đi làm trong bệnh viện công 7 năm, sau đó nghỉ việc ra làm ở một bệnh viện tư cao cấp. Lúc mới vào làm, thu nhập cao, bệnh nhân không nhiều, nên cảm giác của anh rất dễ chịu. Một lần anh thốt lên với tôi: "Lần đầu tiên nhận thấy bác sĩ có giá trị và được tôn trọng!" Nhưng theo thời gian, anh phát hiện ra bệnh viên tư hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp, công ty theo đuổi lợi nhuận nên áp chỉ tiêu doanh thu. Y tế, nhất là ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, không phải cứ dựng đứng thang giá trị là đúng, mà phải vận hành bộ máy hướng tới số đông người bệnh không phải là giàu có. Còn một điều khó chịu nữa, làm ở bệnh viện tư, anh không thể thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cập nhật kiến thức. Bệnh viện tư không có nhiều ca bệnh khó, cũng không có đào tạo tại chỗ hay cập nhật chuyên sâu qua những ca lâm sàng, mà quy luật bán hủy kiến thức là 5 năm; có nghĩa là sau 5 năm từ kĩ năng cho đến kiến thức của anh bị giảm đi một nửa, cơ hội nâng cao tay nghề rất khó.
Về cập nhật kiến thức, tôi thấy dường như có sự lãng quên với những bác sĩ bên ngoài bệnh viện công. Nhiều người than thở rằng, họ không được mời tham dự các hội nghị khoa học, các sinh hoạt chuyên môn lại càng không, thậm chí không biết cả thông tin diễn ra sự kiện, các khóa đào tạo liên tục thực sự khó tiếp cận. Chưa kể, các bệnh viện công hạng 1 trở lên thường gắn với trường y, là cơ sở đào tạo uy tín để cung cấp bác sĩ có tay nghề giỏi. Trong khi đó, bệnh viện tư hay gặp hai thái cực, là bác sĩ rất trẻ chưa vững tay nghề và bác sĩ rất già khả năng cập nhật kiến thức chậm, bệnh nhân lại ít và thường không có ca lâm sàng quá khó, công việc mỗi người mang tính độc lập tương đối, nên không thể thực hiện đào tạo tại chỗ.
Tôi vẫn khuyên các bác sĩ trẻ mới ra trường, cách tốt nhất vẫn phải đến bệnh viện công trau dồi tay nghề và kiến thức ít nhất 5 năm, chỉ như vậy mới có thể vững vàng khám chữa cho bệnh nhân. Bản thân tôi khi mới ra trường, sáng đến viện từ 6 giờ đi buồng một mình xem tất cả các bệnh nhân trong khoa, 7 giờ tiếp tục đi buồng cùng trưởng phó khoa và các bác sĩ, lúc này tranh thủ báo cáo diễn biến tất cả các ca bệnh và đó là cách học rất tốt, giao ban xong lại đi khám các bệnh nhân, viết nhận xét và ra y lệnh thuốc điều trị. Xong việc mới đi mổ. Tôi không ra khỏi viện trước 9 - 10 giờ đêm mỗi ngày, rảnh rỗi lúc nào là đọc sách đối chiếu các ca bệnh lúc đó, đi làm mới chính thức là học chuyên sâu.
Có thể nói, mỗi y bác sĩ dù ở bệnh viện công thực sự là quá khổ, nhưng khi ra bệnh viện tư cũng không hẳn thuận buồm xuôi gió. Rời khỏi hệ thống y tế công lập, nhiều đồng nghiệp của tôi tâm sự, họ có được nhiều niềm vui nhưng cũng gặp một số nỗi buồn.
Chỉ khi uống nước mới biết cốc nước lạnh hay nóng.
Nhiều người nói với tôi rằng, y tế công lập đang bị sai cả hệ thống, người bỏ đi được thì đã đi rồi, chỉ những người không có khả năng hay quá lười thay đổi mới bám trụ ở lại. Tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Mọi thứ trên đời này đều có điểm mạnh và điểm yếu, bác sĩ trong hệ thống y tế công cũng vậy, ưu điểm là nghề nghiệp ổn định, bệnh viện là nơi đào tạo tay nghề để trưởng thành, là nơi tốt để học hỏi nâng cao năng lực chuyên môn. Chưa kể, những người theo sự nghiệp y khoa là họ yêu bệnh nhân, muốn làm những điều gì đó tốt đẹp cho cuộc sống để xoa dịu nỗi đau, nên chừng nào họ còn xoay xở được thì vẫn cố gắng ở lại, họ chỉ "bỏ chạy" khi những đòi hỏi về cơm áo gạo tiền quá bức bách.
Bệnh viện công với uy tín lâu năm, sẽ chẳng bao giờ lo thiếu bệnh nhân. Nhưng bệnh viện tư thì khác. Tôi quan sát thấy nhiều bác sĩ giỏi nổi tiếng, nhưng ra bệnh viện tư một thời gian cũng trở nên bối rối, khi lượng bệnh nhân cứ giảm dần. Nếu như bác sĩ bệnh viện công dành hết tâm sức vào chuyên môn, thì bác sĩ bệnh viện tư phải suy nghĩ nhiều hơn và dành nhiều thời gian hơn cho những việc ngoài chuyên môn.
Để xin vào bệnh viện công có uy tín, thực sự rất khó, ngoài năng lực chuyên môn thì còn phải trông chờ những yếu tố khác, như quen biết chẳng hạn. Thời của tôi, bác sĩ làm không lương chờ đến lượt ký hợp đồng trong bệnh viện công rất lâu, có người đến 8 năm trời miệt mài. Ký hợp đồng xong vào được biên chế lại càng khó. Bây giờ dễ hơn, nhưng cũng không phải dễ đến mức cứ muốn là vào được bệnh viện công, nên hầu hết người bỏ việc sẽ không có cơ hội quay trở lại.
Chỉ số ít bác sĩ có quyền tự quyết, nghĩa là bất cứ khi nào họ nghỉ việc cũng có bệnh viện tư chào đón với mức lương hậu hĩnh, bất cứ khi nào họ muốn trở lại bệnh viện công cũng sẽ được nhận. Điều này tôi thấy ngược lại với các quốc gia khác. Ở những nước phát triển, hệ thống y tế xây dựng cơ chế để bác sĩ dễ dàng chuyển đổi giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, thông thường bác sĩ không làm tại một vị trí quá 5 năm, họ ra bệnh viện tư để kiếm tiền rồi trở lại bệnh viện công để nâng cao tay nghề và kiến thức. Theo tôi, chỉ khi nào làm được như vậy, thì hệ thống y tế cả công lẫn tư mới giải quyết được bài toán nhân lực và chất lượng.
Ở thời điểm hiện tại, bác sĩ từ bỏ bệnh viện công phải là những người mạnh mẽ và can đảm, dám chấp nhận thất bại, bởi lẽ không phải ai cũng thích hợp khi ra ngoài hệ thống y tế tư nhân. Tôi đã thấy những người dũng cảm như thế. Có người từ bỏ nghề y họ yêu thích để trở thành con người xã hội. Câu chuyện của anh Trần Văn Thanh, 38 tuổi, ở TP HCM là một ví dụ, làm điều dưỡng 4 năm tại một bệnh viện đa khoa với tổng thu nhập 5 triệu đồng, anh bỏ việc từ năm 2018 chạy xe ôm mỗi ngày được 400 ngàn đồng. Khi đại dịch Covid-19 ập đến, anh Thanh đến trạm y tế phường Cầu Kho (quận 1) tham gia chống dịch, được hưởng trợ cấp hơn 4 triệu đồng; nay hết dịch anh lại tính trở về làm xe ôm.
Để giữ chân anh Thanh ở lại, có một cách là trả thù lao cho anh bằng với nghề làm xe ôm, nhưng dường như cách này đang rất khó.
Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!