Tâm điểm
Nguyễn Lân Hiếu

Những điều trông thấy từ trạm y tế xã

Tôi vừa được đến thăm một trạm y tế của xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của một tỉnh ở Nam Trung Bộ. Và lại được chứng kiến những bất cập bao năm nay không đổi. Nhân viên y tế vừa thiếu về số lượng và ngày càng yếu về chất lượng. Thuốc điều trị bệnh mạn tính cấp định kỳ có đúng một loại, bình ôxy chưa sử dụng bao giờ, các thủ thuật dù là đơn giản ở trạm cũng không làm được nên đương nhiên bà con dân tộc đẻ ở nhà còn hơn đến trạm y tế xã. 

Ngoài những bất cập về cơ chế chính sách, cung ứng trang thiết bị, thuốc men, theo tôi nguyên nhân chính là nhân viên y tế hoàn toàn thiếu động lực phát triển. Đi học trung cấp chính trị thì phải đi nhưng học để triển khai cái mới thì cứ từ từ đã. Ra trường sách vở rơi rụng theo thời gian, nên cậu bác sĩ 37 tuổi kiến thức chắc không bằng anh sinh viên trường Y, mà kinh nghiệm tích lũy cũng chẳng có bao nhiêu vì bệnh nhân nào cũng "kính chuyển" cả. 

Nếu ai quyết tâm học thì đã lên huyện, tỉnh hoặc mở phòng mạch tư để lại cho hệ thống công một trạm y tế chỉ phục vụ cho y tế dự phòng, chức năng điều trị gần như chỉ chiếm dưới 10%, trong khi đây mới là chức năng có thể mang lại niềm tin cho bà con. 

Hồi còn nhỏ tôi rất mê bộ phim thầy Lang, một bộ phim điện ảnh Ba Lan nói về giáo sư y khoa thất tình bỏ nhà ra đi. Ông sống ở một làng quê với kiến thức uyên bác tuy phương tiện thô sơ nhưng vẫn cứu chữa được rất nhiều bệnh nhân. Cuối cùng ông bị bắt vì ăn trộm bộ dụng cụ phẫu thuật. Ra tòa vì không có giấy phép hành nghề nhưng tất cả đều sáng tỏ khi mọi người nhận ra vị giáo sư đáng kính.

Đây là một phần động lực để tôi theo đuổi ngành Y và năng đến các địa phương khó khăn cả trong và ngoài nước.

Những điều trông thấy từ trạm y tế xã - 1

Bác sĩ đang thăm khám bệnh nhân tại một trung tâm y tế ở tỉnh Đắk Nông. Hiện trên địa bàn tỉnh này cứ 10.000 người dân mới có 7 bác sĩ (Ảnh: Đặng Dương).

Đến bao giờ trạm y tế xã mới thực sự là nơi người dân đến khám chữa bệnh và chúng ta có những bác sĩ đủ năng lực ở ngay làng quê. Câu trả lời là cần phải thay đổi về mặt cơ cấu tổ chức và ứng dụng công nghệ.

Về tổ chức, rất cần biến trạm y tế xã thành một phòng khám của trung tâm y tế huyện - quản lý cả con người và kinh phí. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ có lịch định kỳ xuống trạm để khám bệnh. Bác sĩ của trạm cần theo học một chuyên ngành mà theo tôi khuyến khích là nội tổng hợp và chứng chỉ sơ cứu ngoại khoa. Người dân sẽ biết lịch khám chuyên khoa để đến trạm và nơi đây sẽ tấp nập vào ra nếu những bệnh lý thông thường, mạn tính (tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn) được quản lý tốt…

Về ứng dụng công nghệ cần triển khai đường truyền hội chẩn online cho tất cả các trạm y tế - phòng khám, đặc biệt ở vùng đặc biệt khó khăn. Telehealth nghe rất nghiêm trọng nhưng chỉ một màn hình, camera và một đường truyền Internet là đủ để chữa được bao nhiêu trường hợp mà trước đây không bao giờ tìm đến trạm y tế xã, phường.

Đó là cấp xã, còn cấp huyện thì sao? Cách đây hơn một tuần, tôi cũng có chuyến đi đến 2 huyện miền núi phía Bắc, thăm trung tâm y tế cấp huyện ở đây. Từ cơ sở có thể thấy quá nhiều vấn đề bất cập hiện nay mà ngành y tế đang đối mặt, tuy nhiên vấn đề nổi cộm nhất vẫn là nhân lực. Số người bỏ khỏi y tế công vẫn diễn ra, nhưng tuyển được người đã khó mà có được người đáp ứng được nhu cầu chuyên môn lại càng khó khăn hơn. Như "mò kim đáy biển". 

Chắc chắn những bất cập ấy sẽ không thể xử lý ngày một ngày hai, nhưng có những việc hoàn toàn trong tầm tay chúng ta, chỉ cần những người có trách nhiệm lưu tâm thay đổi.

Hiện nay các tỉnh đều tiến hành tuyển viên chức tập trung do Sở Nội vụ chủ trì. Số lượng viên chức theo vị trí việc làm do các ngành đề xuất. Vậy nên những người trúng tuyển phần nhiều là chưa thử việc, chưa biết mình có phù hợp với vị trí mới hay không. Đơn vị tiếp nhận vô cùng lúng túng khi sắp xếp, hầu hết đào tạo lại từ đầu. Điều này đặc biệt khó khăn đối với những ngành đòi hỏi chuyên môn sâu như Y tế. Chính vì vậy, tôi xin đề xuất cần để các bệnh viện tuyển chọn nhân lực cho chính mình. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ khống chế số lượng theo vị trí việc làm và giám sát kỳ thi tuyển viên chức. 

Có như vậy chất lượng nguồn nhân lực mới được bảo đảm, nhân viên y tế sẽ được làm đúng chuyên môn phù hợp của mình.

Việc cần làm thứ hai là tổ chức lại đào tạo tại các cơ sở y tế, đặc biệt ở địa phương. Bệnh viện tự chủ chi thường xuyên hay kể cả chi đầu tư vẫn cần nguồn lực của nhà nước cho việc đào tạo liên tục. HĐND các tỉnh cần bố trí ngân sách cho đào tạo để bảo đảm chất lượng các bệnh viện địa phương mình, cũng như khuyến khích nâng cao tay nghề của nhân viên y tế. Ngân sách này sẽ được đưa vào quỹ phát triển sự nghiệp và việc giám sát dựa vào số lượng nhân viên y tế được đào tạo hàng năm, các khóa học, hội nghị được mở, các kỹ thuật mới được chuyển giao và chỉ số hài lòng của bệnh nhân ngày càng tăng mà bằng chứng là tỷ lệ chuyển viện tuyến trên giảm xuống.

Ai cũng hiểu cần phải thay đổi nhưng càng đi càng thấy mọi chuyện vẫn chưa nhúc nhích được bao nhiêu.

Thay đổi rất khó nhưng đã đến lúc chắc chắn phải làm. Cứ bắt đầu bằng một xã, một huyện rồi nhân rộng ra cả tỉnh. Một ví dụ tốt sẽ là chìa khóa mở hướng đi mới mà theo tôi chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!