“Cơn sốt tìm lại ký ức” và quyền được lãng quên
Những ngày gần đây, nhiều người Việt sử dụng Google Maps và “tìm lại ký ức” thông qua tính năng xem đường phố Street View - một tính năng cho phép người dùng xem hình ảnh 360 độ, mô phỏng như đang trực tiếp đứng trên đường phố tại các địa điểm được ghi lại và lưu trữ theo khoảng thời gian khác nhau, có thể cách đây nhiều năm.
Thực ra đây không phải một tính năng mới. Tôi từng bắt gặp nhiều câu chuyện cảm động trên báo chí nước ngoài nhờ tính năng này: Một cô gái tình cờ xem lại hình ảnh ngôi nhà cũ trên Street View và thấy người cha quá cố cách đây vài năm; vài người khác nhìn lại căn nhà cũ thời thơ ấu vẫn còn đó dù đã chuyển nhà xa hàng trăm cây số…

Nhiều bạn trẻ đã gặp được người thân đã khuất của mình thông qua tính năng mới trên Google Maps (Ảnh chụp màn hình).
Những câu chuyện tương tự cũng được nhiều người dùng Việt Nam chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua. Với nhiều người, đây thực sự là một tính năng hữu ích và thú vị. Tuy nhiên, đi cùng với đó cũng là quan ngại của một số người dùng khi tình cờ nhìn thấy hình ảnh nhạy cảm của mình trên Google Maps hoặc những kỷ niệm họ không muốn nhớ.
Trong thời đại công nghệ hiện nay, “digital footprints - dấu chân số, một thuật ngữ chỉ toàn bộ các dữ liệu mà bạn để lại khi sử dụng Internet hoặc thiết bị kỹ thuật số” của chúng ta xuất hiện khắp mọi nơi, kể cả thông tin hay hình ảnh nhạy cảm cũng có thể vô tình bị chia sẻ, phát tán trên không gian mạng. Tính năng Street View cho chúng ta một công cụ để nhớ về quá khứ, nhưng còn “quyền được lãng quên” thì sao? Liệu các công dân số trong kỷ nguyên công nghệ có quyền được lãng quên?
Trên thực tế, đây không phải một khái niệm xa lạ hay quá viển vông. Quyền được lãng quên là một khái niệm có thật. Vào năm 2007, chủ một tiệm cà phê tại thủ đô Paris, Pháp bị cáo buộc quấy rối tình dục. Trong khi chờ đợi phán quyết chính thức từ toà án, câu chuyện của anh đã xuất hiện dày đặc trên báo chí và thông tin về vụ việc có thể dễ dàng tiếp cận trên Google. Dù được tòa tuyên án vô tội, anh này vẫn phải chịu rất nhiều sự đàm tiếu hay hiểu nhầm từ công chúng khi các thông tin về anh vẫn tràn ngập Google Search. Anh đã yêu cầu Google gỡ bỏ những đường dẫn đó nhưng bị từ chối. Đến năm 2010, một vụ việc tương tự xảy ra với một người Tây Ban Nha. Vụ kiện giữa anh này và Google mở đường cho Tòa án Công lý châu Âu yêu cầu Google phải xóa bỏ những đường dẫn hay thông tin được cho là không chính xác, không đầy đủ, không liên quan… với người dùng. Vào năm 2014, Google đã đồng ý tuân thủ theo quy định của Liên minh châu Âu: thực thi quyền được lãng quên tại châu Âu, đảm bảo sự cân bằng giữa quyền tiếp cận thông tin và quyền riêng tư của công dân.
Tuy việc thực thi quyền được lãng quên có nhiều điểm chưa rõ ràng (ví dụ định nghĩa như thế nào là không chính xác/không đầy đủ hay đâu là lằn ranh giữa thông tin được phép công khai hay không được phép công khai) cùng với số lượng yêu cầu khổng lồ, đây vẫn là một bước tiến quan trọng để bảo vệ quyền riêng tư và an toàn thông tin trên không gian mạng.
Quyền được lãng quên là một cách để giải quyết vấn đề thông tin cá nhân bị phát tán khi không có sự cho phép của chủ thông tin. Trong số hàng trăm nghìn yêu cầu Google nhận được chỉ một thời gian ngắn sau phán quyết của châu Âu, không ít yêu cầu đến từ nạn nhân của những vấn đề tấn công mạng như phim khiêu dâm trả thù, hình ảnh liên quan đến bạo hành trong quá khứ, các bài báo với cáo buộc sai…. Việc có thể xoá bỏ những hình ảnh như vậy trên các công cụ tìm kiếm có ý nghĩa với họ, không chỉ trong việc bảo vệ thông tin cá nhân mà còn là bảo vệ danh dự và nhân phẩm.
Trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội với lượng nội dung đăng tải khổng lồ, quyền được lãng quên có giá trị trong nhiều trường hợp. Khi độ tuổi sử dụng Internet ngày càng nhỏ, nhiều em không ý thức được việc các nội dung mình đăng tải trên mạng có thể nguy hiểm tới bản thân như thế nào. Nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến Internet xảy ra khi có những thông tin được chia sẻ nhưng không thể nào gỡ bỏ được. Có những người trải qua đau thương trong quá khứ nhưng khó lòng quên đi và sống tiếp với thực tại khi họ vẫn hàng ngày nhìn thấy hình ảnh cũ trên Internet.
Nhiều cha mẹ đăng tải ảnh con cái lên mạng xã hội nhưng không có sự đồng thuận của các em (vốn còn rất nhỏ), dẫn đến việc khi các em lớn lên sẽ thấy nhiều hình ảnh hồi nhỏ của mình đầy rẫy trên mạng. Được phép “lãng quên” những thông tin như vậy trên không gian mạng, không chỉ giúp bảo vệ dữ liệu hay thông tin cá nhân mà còn mở ra cơ hội có một cuộc sống bình thường cho nhiều người.
Đáng tiếc, “quyền được lãng quên” với Google chỉ áp dụng ở một số khu vực trên thế giới với những điều kiện cụ thể.
Việc quên đi một điều gì đó có ý nghĩa về mặt tâm lý học. Như người ta vẫn nói, thời gian sẽ hàn gắn nỗi đau cho con người và giúp ta quên đi những điều không hay trong quá khứ. Song, trong một thế giới công nghệ số – nơi mà mọi điều chúng ta làm mỗi ngày sẽ được lưu giữ trên mạng theo một cách thức nào đó, quên đi một điều gì đó không hề dễ dàng. Được quên là được sống tiếp. “Quyền được lãng quên” nếu được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới chắc chắn sẽ mang lại một không gian Internet yên bình và an toàn hơn cho nhiều người.
Tác giả: Bùi Minh Đức tốt nghiệp Thạc sĩ Truyền thông từ đại học Clark, Mỹ; hiện đang là quản lý truyền thông cho một công ty công nghệ đồng thời là giảng viên đại học. Anh cũng là tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách xuất bản tại Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!