Để quên được những "cái chân đau"

Bích Diệp

(Dân trí) - Khi con người bớt đi được nỗi lo cơm áo thường nhật, "cái chân đau" không còn ám ảnh họ, biết đâu họ cũng sẽ sống nhân ái, nhân văn hơn, biết quan tâm hơn đến nỗi đau của người khác…

Để quên được những cái chân đau - 1

Có một số việc mà cá nhân người viết thường thực hiện vào đầu năm mới và mang lại cảm giác rất nhẹ nhõm. Đó là phát tâm đóng góp, ủng hộ cho một hoàn cảnh không may nào đó mà mình được gặp, được biết; đọc những thông tin tích cực về cuộc sống trên báo chí.

Dù vẫn biết rằng, điều đó không thể thay đổi những nghịch cảnh ở trên đời, nhưng sự thay đổi về nhận thức, sự vun đắp cho cảm xúc luôn luôn cần thiết, dù là với bất kỳ ai huống chi là với nhà báo.

Có người bạn tôi làm ăn kinh doanh nhỏ, gần đây công việc không thuận lợi nên có than vãn: "Ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu! Lo cho vợ con, gia đình chưa xong thì từ thiện, quyên góp nỗi gì?!".

Tôi nghe nói vậy không thấy bất ngờ. Dù không mang tính đại diện, nhưng vẫn còn khá nhiều người trong cuộc sống có cái nhìn tương tự.

Xưa, trong tác phẩm Lão Hạc, nhà văn Nam Cao từng mượn nhân vật ông giáo để nêu lên nhận xét thế này: "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất...".

Rất khó để chúng ta đòi hỏi sự vị tha, hào sảng ở những người ở quanh ta khi bản thân họ vẫn đè nặng nhiều áp lực cuộc sống, chật vật cơm áo gạo tiền, đối mặt với những gánh lo với tương lai và gia đình.

Họ không xấu, cũng không đáng chê, đáng trách. Thực tế, chỉ cần mỗi người sống tốt cuộc đời mình, có khả năng kiếm sống và lo lắng cho bản thân, cho gia đình thật tốt, thì xã hội và đất nước cũng sẽ "khỏe mạnh" theo.

Chỉ có điều, bàn tay ngón ngắn ngón dài, cuộc sống cũng vậy, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Có người thành công, cũng có người thất bại; có người giàu sang phú quý, cũng có người không may mà bệnh tật, bị đói nghèo đeo đẳng. Quan trọng là thái độ của con người trước hoàn cảnh, cách con người sử dụng vật chất sẽ quyết định giá trị cuộc đời và chất lượng cuộc sống của họ.

Năm 2020 vừa qua là một năm không may mắn với nhiều người. Nào là diễn biến mang tính cực đoan của thời tiết, nào là tác động do Covid-19 mang lại, rồi khó khăn chung của nền kinh tế… khiến một bộ phận người lao động mất việc làm, giảm thu nhập. Doanh nghiệp cũng lao đao, đứng trước bờ vực phá sản.

Tuy vậy, thật ấm lòng khi năm qua, hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đã được bạn đọc tin tưởng chuyển tới ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn thông qua Chương trình Nhân ái. Để thấy, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách - lá rách ít đùm lá rách nhiều… vẫn luôn hiện hữu.

"Chàng trai đã 3 lần ngừng tim khỏe lại sau khi được bạn đọc giúp đỡ"; "Người phụ nữ mất con, nằm liệt được bạn đọc giúp đỡ hơn 140 triệu đồng"; "Bạn đọc Dân trí giúp đỡ ông bố trẻ mắc ung thư máu gần 200 triệu đồng"… Mừng sao khi đọc được những bài báo này trên Dân trí trong những ngày đầu tiên của năm mới.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo, chăm lo, hỗ trợ người yếu thế trong xã hội là cả một chặng đường dài, không thể ngày một ngày hai mà làm được.

Tôi mong báo chí góp phần khơi dậy lòng tốt, tính thiện trong mỗi người để xã hội trở nên tốt đẹp hơn, nhiều yêu thương hơn, nhưng tôi cũng hi vọng, đất nước sẽ có thêm những chính sách đột phá, đến đúng nơi, đúng đối tượng, để doanh nghiệp được phát triển và người dân được đảm bảo sinh kế, đảm bảo công ăn việc làm - đó mới là cách giúp "thoát nghèo" hiệu quả nhất.

Và khi con người bớt đi được nỗi lo cơm áo thường nhật, "cái chân đau" không còn ám ảnh họ, biết đâu họ cũng sẽ sống nhân ái, nhân văn hơn, biết quan tâm hơn đến nỗi đau của người khác…