Con đường phục hồi du lịch… vẫn còn xa
Huế. Bữa sáng buffet ở khách sạn Alba có 5-6 người nước ngoài. Điều này thật tuyệt, khác hẳn những chuyến công tác vội vã đến Cố đô trong suốt một năm qua, hôm nào tôi cũng chỉ thấy có dăm bảy người Việt với nhau. Khách du lịch bắt đầu trở lại! Quý 1 vừa qua đã có gần 91 ngàn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng 89,1% so với cùng kỳ giai đoạn Covid căng thẳng. Riêng tháng 3, số lượng du khách tăng vọt đến 41,7 ngàn lượt người, tăng 41,4% so với tháng trước.
Thách thức vẫn còn nhiều
Tuy vậy, người lạc quan lắm cũng không dám kỳ vọng một sự đột phá đối với lượng khách du lịch nước ngoài (inbound) vào mùa hè này, cho dù Huế bắt đầu bước vào mùa Festival sôi động. Đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi chúng ta chính thức mở cửa du lịch quốc tế, nhưng con đường phục hồi vẫn còn xa. Vẫn biết chính sách nào cũng có một độ trễ nhất định, nhất là đối với du lịch, các công ty lữ hành cần ít nhất 6 tháng nữa để lên kế hoạch và tổ chức tiếp thị, nhưng thực tế vẫn còn quá nhiều những thách thức lớn.
Những định kiến đã trở thành cũ về Covid-19 khiến chúng ta hành động chậm trễ so với xu hướng chung của quốc tế. Với biến chủng Omicron, dường như những biện pháp ngăn chặn quyết liệt trong giai đoạn trước đã không còn có nhiều ý nghĩa. Trên thực tế, số lượng người dương tính với virus SARS-CoV-2 đã trở nên quá phổ biến, với những triệu chứng nhẹ. Các nước châu Âu và Mỹ không còn bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, thậm chí có hãng hàng không đã bỏ quy định đeo khẩu trang khi lên máy bay. Singapore và Thái Lan không còn xét nghiệm virus đối với khách nhập cảnh. Đó là những thực tế khiến chính sách nhập cảnh của Việt Nam trở nên khó khăn hơn đối với phần còn lại của thế giới.
Trên thực tế, mối quan tâm tới Covid-19 đang nhạt dần. Sự lo lắng về Covid-19 đang dần nhường chỗ cho cuộc sống sôi động bình thường. Điều này đặt ra vấn đề có cần thiết phải phân biệt chính sách đối với du lịch quốc tế và du lịch nội địa hay không? Rất có thể, đã đến lúc chúng ta phải có những chính sách kích cầu mới, mạnh dạn hơn, đối với du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, những bất ổn về chính trị thế giới và chiến tranh Nga-Ukraine đang làm thay đổi cán cân thị trường du lịch. Chính sách zero Covid của Trung Quốc hầu như đã đóng cửa thị trường truyền thống inbound này. Sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới có thể thấy cảnh từng đoàn khách du lịch Trung Quốc đông đảo ở sân bay, nhà hàng hay người Nga nằm dài tắm nắng trên các bãi biển miền Trung. Sự xáo trộn này khiến chúng ta phải suy nghĩ về các giải pháp chuyển hướng sang các thị trường mới. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong số khách du lịch đến Việt Nam tháng 3 vừa qua có những đoàn lớn từ Mông Cổ, Kazakhstan, Mexico…
Đi tìm giải pháp mới
Áp lực cạnh tranh đặt ra yêu cầu chúng ta phải thay đổi toàn diện phương thức marketing và xúc tiến du lịch quốc tế. Du khách sẽ không trở lại nếu Việt Nam không tự tạo ra những lợi điểm bán hàng độc đáo (unique selling point) mới. Giải Marathon ở Huế và ở Côn Đảo do các cơ quan truyền thông tổ chức gần đây đã thu hút từ 3.000 đến gần 5.000 người tham dự…, là những ví dụ gợi ý cho chúng ta tổ chức những hoạt động văn hóa (triển lãm, lễ hội, liên hoan nghệ thuật, giải trí) hay các sự kiện thể thao quốc tế lớn (giải thi đấu quốc tế, world tour, đại hội thể thao). Đây sẽ là một đòn bẩy vừa quảng bá đất nước, vừa trực tiếp tạo ra trải nghiệm mới cho du khách.
Báo cáo của Statista cho thấy dự báo doanh thu toàn cầu từ các sự kiện thể thao năm 2022 có thể đạt tới 27,62 tỷ đôla, tăng vọt từ con số 16,44 tỷ đôla năm 2021.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi lựa chọn loại hình du lịch. Theo một báo cáo của GlobalWebIndex và Worldwide Partner năm 2021, 69% người Trung Quốc lựa chọn du lịch cá nhân hóa. Con số đó ở Mỹ là 57%, ở Anh là 46% và Đức là 43%. Số người thích du lịch theo tour, tuyến chỉ là 31% (Mỹ), 32% (Anh) và 22% (Đức). Xu hướng ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Brazil, Đông Nam Á cũng tương tự. Điều này cho thấy những chính sách quản lý và xúc tiến tập trung vào du lịch tour, tuyến là chưa phù hợp. Đồng thời, sản phẩm du lịch phải được thiết kế theo hướng đáp ứng nhu cầu linh hoạt và cá nhân hóa.
Phương thức quảng bá, marketing cho du lịch cũng sẽ phải thay đổi. Những nội dung chung chung về đất nước, về điểm đến sẽ được thay thế bằng những hình ảnh cụ thể, đánh vào từng nhóm nhu cầu và đặc trưng riêng, phù hợp với tâm lý và trải nghiệm của từng phân khúc khách hàng. Chúng ta sẽ thấy những chiến dịch tập trung vào từng lĩnh vực nhỏ, như chiến dịch quảng bá ẩm thực, chiến dịch quảng bá những sự kiện văn hóa - thể thao quan trọng, hoặc những chiến dịch tập trung vào đặc trưng của một điểm đến, một hành trình.
Du lịch là ngành kinh tế then chốt, động lực cho sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác. Lựa chọn giải pháp cấp bách phục hồi du lịch quốc tế cũng chính là cú hích chung của nền kinh tế.
Tác giả: Ông Lê Quốc Vinh là Chủ tịch WLS Corporation; Phó Chủ tịch CLB Các Giám đốc Sales & Marketing (CSMO). Ông Vinh làm báo từ năm 1990 và sáng lập nhiều sản phẩm báo chí như: Tạp chí Đẹp, Tạp chí Nhà đẹp, Thể thao Văn hóa & Đàn ông, Doanh nhân, FansipanTV… Từ năm 1996, ông trở thành chuyên gia trong lĩnh vực PR, Marketing và truyền thông.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!