Thanh Hóa: Kích cầu du lịch sau thời gian "chạm đáy"

Bình Minh

(Dân trí) - Sau thời gian dài ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành du lịch Thanh Hóa đang phấn đấu phục hồi, quyết tâm đón trên 10 triệu lượt khách trong năm 2022.

"Oằn mình" trong dịch

Dịch Covid-19 xảy ra, ngành du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều thời điểm, hoạt động du lịch "đóng băng". Tại Thanh Hóa, trong 2 năm 2020 và 2021, lượng khách trong các cơ sở lưu trú giảm 39%, doanh thu giảm 38,7%, công suất sử dụng phòng chỉ đạt 25 - 30%/năm.

Ước thiệt hại về doanh thu phòng nghỉ khoảng 4.700 tỷ đồng, doanh thu ăn uống du lịch khoảng 6.350 tỷ đồng và doanh thu từ mua sắm, vui chơi, giải trí khoảng hơn 3.200 tỷ đồng.

Thanh Hóa: Kích cầu du lịch sau thời gian chạm đáy - 1

Dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến trong một thời gian dài thành phố Sầm Sơn vắng khách (Ảnh: TT).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành cũng chịu áp lực rất lớn trong việc bồi hoàn tiền đặt dịch vụ cho khách, giải quyết hủy tour, lùi tour. Theo đó, trong hai năm 2020 và 2021, có khoảng 610 đoàn với hơn 29.000 khách hủy chương trình du lịch đã ký kết, ước thiệt hại tiền đặt cọc dịch vụ hơn 95 tỷ đồng; số lượng các đoàn khách đăng ký tại các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giảm hơn 95% so với những năm chưa có dịch bệnh.

Đứng trước không ít khó khăn, nhiều doanh nghiệp du lịch buộc phải cho nhân viên tạm thời nghỉ không lương, nghỉ phép hoặc luân phiên nhau trực để giảm giờ làm.

Cụ thể, các khách sạn 2 - 5 sao cắt giảm 72 - 75% lao động; các khách sạn, nhà nghỉ có quy mô nhỏ lẻ cắt giảm hơn 92% lao động, chỉ sử dụng lao động tại chỗ; các doanh nghiệp lữ hành cũng thực hiện cắt giảm khoảng 90% lao động.

Tính chung trong 2 năm dịch bệnh hoành hành, có khoảng 15.000 lao động du lịch tạm thời nghỉ không lương, giảm giờ làm, hoặc thay phiên nhau trực và 25.000 lao động bị mất việc làm.

Để ứng phó với dịch bệnh, nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch buộc phải giảm tần suất, quy mô hoặc tạm dừng và dừng tổ chức; nhiều thời điểm, các khu, điểm du lịch phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng... Điều này dẫn đến lượng khách du lịch giảm sâu, khách quốc tế hầu như không có.

Theo thống kê của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2021, toàn tỉnh ước đón 3,4 triệu lượt khách, giảm 53,7% so với năm 2020 và đạt 28,6% kế hoạch năm; tổng thu du lịch ước đạt 4.840 tỷ đồng, giảm 53,4% so với năm 2020 và đạt 21,2% kế hoạch.

Hàng loạt giải pháp kích cầu du lịch

Sau thời gian "chạm đáy", năm 2022, tỉnh Thanh Hóa xác định phục hồi du lịch nhanh, bền vững, quyết tâm đón trên 10 triệu lượt khách, trong đó hơn 440 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu du lịch phấn đấu đạt gần 18 nghìn tỷ đồng. 

Thanh Hóa: Kích cầu du lịch sau thời gian chạm đáy - 2

Thanh Hóa đang đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm thúc đẩy ngành du lịch trong năm 2022 (Ảnh: CTV).

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết, để phục hồi ngành du lịch trên địa bàn, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch…thì kích cầu du lịch nội địa được xem là giải pháp cơ bản nhằm khôi phục và duy trì hoạt động của ngành du lịch Thanh Hóa trong trạng thái bình thường mới. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành đặt ra với kỳ vọng thu hút khách nội địa đến với Thanh Hóa nhiều hơn trong thời gian tới. 

Theo đó, để thích ứng với trạng thái bình thường mới, vừa ổn định hoạt động kinh doanh, vừa phòng, chống dịch, ngành du lịch Thanh Hóa phối hợp với các cấp, ngành, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh huy động và tập trung các nguồn lực đầu tư các dự án giao thông kết nối các trọng điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; các dự án phục hồi, tôn tạo di tích văn hóa lịch sử nhằm bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa; các dự án đầu tư kinh doanh du lịch… tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch.

Chuẩn bị sẵn sàng nội dung, kịch bản và điều kiện cần thiết tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ khách du lịch khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Bên cạnh đó, ngành cũng đang khẩn trương hoàn thiện dự án cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông tin trên thiết bị di động tại tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong đăng ký điểm đến, dịch vụ an toàn trên bản đồ ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn"; chào và bán dịch vụ online, thanh toán trực tuyến...

Cũng theo ông Hồng, để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch đối với cả thị trường trong nước và quốc tế, hiện nay, ngành du lịch Thanh Hóa đang tập trung tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch qua các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch qua các kênh thông tin đại chúng và trên nền tảng số; tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật với chủ đề "Về miền Di sản xứ Thanh", nhằm lựa chọn các tác phẩm đẹp về danh lam thắng cảnh, văn hóa, con người xứ Thanh đến với du khách trong và ngoài nước.

Song song với việc thu hút khách bằng các sản phẩm đặc trưng, ngành du lịch Thanh Hóa cũng đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa với thông điệp "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa", đẩy mạnh truyền thông bộ nhận diện thông qua ấn phẩm, vật phẩm phong phú, đa dạng, hữu dụng, như khẩu trang, ô dù, sách, kẹp tài liệu, phong bì thư, túi đựng quà, băng rôn, khẩu hiệu…