(Dân trí) - Campuchia hoàn toàn mở cửa, du khách tiêm vaccine chỉ test nhanh trước nhập cảnh. Philippines cũng dỡ rào cản. Các nước trong khu vực đều tăng khả năng cạnh tranh thu hút khách-đại diện Vietravel nói.
Vì sao mở cửa du lịch nhưng "trói chân" du khách quốc tế?
(Dân trí) - Campuchia hoàn toàn mở cửa, khách du lịch tiêm vaccine chỉ cần test nhanh trước nhập cảnh. Philippines cũng dỡ bỏ rào cản nhập cảnh… Các nước trong khu vực đều gấp rút tăng khả năng cạnh tranh thu hút khách - đại diện Vietravel cho biết.
Ngày 15/3 là mốc thời gian Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Đề xuất đã được Chính phủ phê duyệt, mở ra cơ hội lớn để phục hồi ngành du lịch Việt Nam sau thời gian dài căng mình chống dịch. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang phía trước.
"Vắt chân lên cổ" chạy theo quy định rồi… bỏ
"Khách nước ngoài liên tục hỏi khi nào Việt Nam mở cửa, và chính sách khi mở cửa cho họ như thế nào? Nhưng đến giờ phút này, chúng tôi vẫn chưa có công văn chính thức để trả lời" - ông Trương Gia Khánh, Phó Giám đốc điều hành Công ty du lịch Việt An (Vian Travel) nói với Dân trí.
Theo ông Khánh, chưa có gì chắc hoạt động du lịch sẽ "bình thường hóa" từ ngày 15/3. Quy định chưa rõ ràng khiến khách du lịch có tâm lý dè chừng.
Đại diện Vian Travel lý giải, quy định mà các Sở, Ban ngành, cơ quan chức năng TPHCM và các địa phương khác đưa ra thường xuyên thay đổi làm cho doanh nghiệp rất thấp thỏm. Đơn cử như vấn đề thời gian cách ly, ban đầu khách nhập cảnh được yêu cầu phải cách ly 3 ngày, sau đó xuống còn 24 tiếng rồi lại tăng lên 72 giờ…
Đến thời điểm tháng 2, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại đề xuất quy định khách du lịch nước ngoài phải mua bảo hiểm y tế chi trả cho điều trị Covid-19, mức tối thiểu 50.000 USD. Vì không công ty bảo hiểm nào có sẵn dịch vụ này, Vian Travel phải "vắt chân lên cổ" đặt hàng gói bảo hiểm như trên. Nhưng khi thực hiện xong, quy định này lại bị bãi bỏ, khiến công sức của doanh nghiệp đổ sông đổ bể.
"Trước đây Việt Nam có rất nhiều công ty du lịch đón khách từ nước ngoài đến Việt Nam, nhưng sau dịch đã đóng cửa hoặc chuyển đổi rất nhiều, khiến khách quốc tế không còn đầu mối để làm việc. Bây giờ, họ dù có quay lại nhưng lòng tin cũng bị lung lay. Họ đặt vấn đề: Việt Nam có còn là địa điểm tốt để đến hay không?
Chúng ta áp dụng mở cửa thế nào, theo cơ chế "bong bóng du lịch" của Trung Quốc, hay là "hộp cát" của Thái Lan? Thông tin chưa rõ ràng là khúc mắc rất lớn" - ông Khánh thẳng thắn chia sẻ.
Một vấn đề khác khiến các công ty du lịch "đau đầu" trong việc nhận khách quốc tế là thiếu chuyến bay. Công ty của ông Khánh chuyên đón khách từ khu vực Bắc Âu (Anh, Pháp), nhưng đến giờ phút này, các chuyến bay thương mại hai chiều đến khu vực trên rất ít. Như Vietnam Airlines mỗi tuần chỉ có vỏn vẹn 1-2 chuyến, Bamboo Airway gần đây có mở bay thẳng từ Việt Nam đi London (Anh) - nhưng lắt nhắt, nhỏ giọt. Trong khi các hãng bay khác chưa thể khai thác chặng bay này.
Còn ở đường thủy, nhiều cảng của Việt Nam vẫn chưa mở đón các tàu du lịch xuyên quốc gia. Không như chuyến bay có thể linh động thời gian, du lịch đường thủy luôn cần những kế hoạch dài hạn vì lượng khách rất lớn (mỗi chuyến lên đến 5.000-7.000 khách). Khi thấy Việt Nam chưa thực sự mở cửa, các tàu du lịch sẽ lập tức lựa chọn những nơi khác như Singapore hoặc Malaysia, HongKong để thả khách.
Ông Trương Gia Khánh mong muốn, cơ quan chức năng Việt Nam cần áp dụng chính sách chống dịch hòa nhập với thế giới. Muốn sống chung với dịch như thông điệp của WHO, nhưng còn yêu cầu giữ khoảng cách, không tụ tập... sẽ rất khó với các đoàn khách du lịch.
Cần có quy định thoáng hơn, chấp nhận các mẫu khai báo y tế, "hộ chiếu vaccine" để không tạo ra rào cản và tạo sự thoải mái cho khách khi nhập cảnh. "Ngay cả người Việt Nam dù đã tiêm đủ 3 mũi nhưng vẫn có các trường hợp chưa thể hiện lên app PC Covid, hoặc có địa phương yêu cầu dùng "Bluezone" mới cho vào. Hoặc đã test Covid-19 khi nhập cảnh, đến điểm du lịch lại bắt ngoáy mũi test nhanh nữa thì rất khó chịu. Điều này ngoài làm phát sinh chi phí, còn tạo ra hình ảnh xấu với khách nước ngoài" - ông Khánh nhận định.
Cột mốc tháng 3 quyết định mùa du lịch quốc tế 2022
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel cho biết, trước mốc thời gian mở cửa đón khách vào ngày 15/3, khối đón khách từ nước ngoài đến Việt Nam của công ty đã tiếp thị trực tiếp đến các đối tác tại nước ngoài, cũng như phối hợp với văn phòng tại Campuchia, Thái Lan, Singapore, Pháp, Mỹ… xây dựng bộ sản phẩm phù hợp với từng thị trường. Nếu chính sách nhập cảnh tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế, công ty có thể đón khách từ cuối tháng 4.
Bà Vân Khanh nhận định, việc thắt chặt quy định nhập cảnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức hút của du lịch Việt Nam, khiến tốc độ phục hồi ngành du lịch chậm lại, bỏ lỡ cơ hội vàng trong quá trình thúc đẩy phục hồi ngành du lịch nói riêng và cả ngành kinh tế. Ở khu vực Đông Nam Á, Campuchia đã hoàn toàn mở cửa (khách du lịch đã tiêm vaccine, chỉ cần test nhanh trước khi nhập cảnh), Philippines cũng hoàn toàn dỡ bỏ các rào cản nhập cảnh… Có thể thấy, các nước trong khu vực đều đang gấp rút mở cửa nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch.
"Chúng tôi kiến nghị chấp nhận hình thức test PCR hoặc test nhanh trước khi nhập cảnh Việt Nam. Nhập cảnh xong, khách sẽ di chuyển về khách sạn hoặc nơi lưu trú và tiếp tục test nhanh, không được rời nơi cư trú trong 24 giờ. Khi có kết quả âm tính thì đi du lịch bình thường" - bà Vân Khanh đề xuất.
Theo đại diện Vietravel, từ dịp Tết đến nay du lịch nội địa đã khởi sắc trở lại, đặc biệt là các khách M.I.C.E. (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện). Chỉ tính riêng tại trụ sở chính Vietravel khu vực TPHCM, trong tháng 2 đã có khoảng 9.000 khách tham gia tour du lịch M.I.C.E tại Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết… và dự kiến sẽ lên đến 11.000 khách trong tháng 3. Với thị trường Outbound (khách từ Việt Nam ra nước ngoài), các tuyến du lịch được khách quan tâm nhiều nhất là: Dubai, Thái Lan, Maldives, Ấn Độ…
"Riêng với thị trường Inbound (đón khách từ nước ngoài đến Việt Nam-PV), do không có sự nhất quán về điều kiện, chính sách đón khách quốc tế vào Việt Nam giữa các bộ, ngành nên hiện nay chúng tôi vẫn chờ thông tin chính thức, để có thể cập nhật đến đối tác quốc tế" - đại diện Vietravel thông tin.
Lạc quan hơn, đại diện Saigontourist cho rằng, Việt Nam hiện được đánh giá là nước có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao trên thế giới. Tháng 3 là thời điểm phù hợp để các hoạt động kinh tế, xã hội quay trở lại trong điều kiện bình thường mới, trong đó có cả du lịch.
Tuy vậy, doanh nghiệp dự định đến khoảng tháng 9-10 năm nay mới ký hợp đồng triển khai sản phẩm bán và đón khách quốc tế đến Việt Nam.
Lý giải về quyết định trên, lãnh đạo công ty cho rằng thời điểm tháng 3 thị trường khách quốc tế chưa phải mùa cao điểm. Song song đó, doanh nghiệp cần tiếp tục kiện toàn bộ máy vận hành, đầu tư phát triển sản phẩm mới. Vì vậy, Saigontourist vẫn chỉ kỳ vọng sẽ khai thác tối đa các thị trường tiềm năng từ 10/2022 đến 4/2023.
Công ty này mong muốn các điều kiện về thủ tục và chính sách miễn visa cho khách quốc tế ở một số quốc gia được trở về bình thường như trước dịch. Bên cạnh đó, các tiêu chí về an toàn dịch bệnh và các quy định áp dụng cần sớm thống nhất toàn diện, nhất quán. Qua đó, các doanh nghiệp Việt sẽ chủ động, tự tin triển khai các quy trình đón, phục vụ khách quốc tế.
"Mốc tháng 3 này sẽ mang tính chất quyết định cho việc khai thác hiệu quả mùa du lịch quốc tế 2022-2023. Nếu chậm trễ hoặc thay đổi việc mở cửa, du khách sẽ có nhiều sự lựa chọn về điểm đến khác cho chuyến đi của bản thân và gia đình hơn, thay vì chọn Việt Nam…" - phía Saigontourist dự báo.
Miễn thị thực cho nhiều thị trường du lịch trọng điểm từ 15/3
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 về việc miễn thị thực 15 ngày cho công dân từ 13 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường nguồn khách quan trọng của ngành du lịch Việt Nam.
Văn bản nêu rõ, miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italy, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước nêu trên được thực hiện trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 15/3/2022 đến hết ngày 14/3/2025 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Nội dung: Hoàng Lê
Ảnh: Hoàng Lê, NVCC