Mở cửa du lịch:
Kết nối điểm đơn lẻ, mang đến khám phá trải nghiệm dài ngày cho du khách
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đề nghị, với việc mở lại hoạt động du lịch, quan tâm việc kết nối các điểm tham quan đơn lẻ thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách trong và ngoài nước.
Ngày 18/3, hội nghị triển khai "Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL" năm 2022, đã diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu.
Sụt giảm mạnh lượt khách và doanh thu du lịch vì dịch Covid-19
Theo các địa phương, vừa qua ngành du lịch đã chịu ảnh hưởng trực tiếp và trực diện trước đại dịch Covid-19. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn của cả nước nói chung và đối với TPHCM, vùng ĐBSCL nói riêng. Số lượng khách cũng như doanh thu du lịch đã có sự sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành du lịch năm 2020 cũng giảm sâu.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, tổng khách du lịch đến TPHCM năm 2020 đạt 17,182 triệu lượt khách, giảm đến 66,6%; trong đó khách quốc tế đạt 1,303 triệu lượt, giảm đến 84,8% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch năm 2020 đạt 84.512 tỷ đồng, giảm 39,6% so với cùng kỳ.
Tương tự, ở khu vực ĐBSCL, khách du lịch đạt 27,781 triệu lượt khách, giảm 41,28% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch đạt 21.879 tỷ đồng, giảm 48,26%.
"Chưa có giai đoạn nào sự sụt giảm so với cùng kỳ như lúc này", Giám đốc Sở Du lịch TPHCM thông tin.
Ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó khả năng tự "chống chọi" khi có rủi ro là rất thấp. Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm từ 95% đến 100% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM, TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL với lợi thế thỏa thuận liên kết, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách 2 chiều. Nếu làm bài toán hoán đổi 1/3 của 10 triệu dân TPHCM về du lịch ở ĐBSCL và ngược lại 1/3 của 20 triệu dân ĐBSCL đến du lịch TPHCM, sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, xóa bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân.
Bên cạnh đó, TPHCM xác định là cửa ngõ du lịch, cần có các sản phẩm để "hút" dòng khách từ các tỉnh, thành đến trải nghiệm các chương trình du lịch liên kết từ thành phố về đồng bằng.
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho rằng, hoạt động liên kết phát triển du lịch không chỉ đem lại sự đa dạng hóa sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương.
Do đó, tái khởi động du lịch, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương triển khai đảm bảo điểm đến du lịch được kiểm soát an toàn, hoạt động du lịch được tổ chức chặt chẽ, có lộ trình đồng bộ, khoa học và hiệu quả. Chủ động chuẩn bị các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch.
"Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung khôi phục sản phẩm du lịch đường sông, du lịch gắn với khai thác hoạt động nông nghiệp, sinh thái, du lịch văn hóa miệt vườn, các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí ven sông, nghỉ dưỡng biển đảo…
Phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm tham quan đơn lẻ trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách trong và ngoài nước nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách", Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đề nghị các địa phương quan tâm thêm.
Cần có cơ chế đặc thù phát triển du lịch cho ĐBSCL
Đại diện địa phương trung tâm ĐBSCL, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, vùng có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên đa dạng, đặc sắc hệ sinh thái biển, đảo, sông, núi, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao, vườn quốc gia... Tuy nhiên, việc đầu tư, khai thác tài nguyên du lịch chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng.
"Do đó, để phát triển du lịch hiệu quả, cần có các cơ chế chính sách đặc thù trong đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch chung của các địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về du lịch bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế hiện nay", Phó Chủ tịch TP Cần Thơ đề xuất.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Bạc Liêu, với vị trí địa lý chiến lược quan trọng, có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút du khách trong và ngoài nước.
"Địa bàn này còn nhiều dư địa để liên kết với TPHCM, tạo ra không gian du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch liên vùng nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp, cũng như nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Thiều nhấn mạnh.
Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ VH-TT&DL tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhiều hơn đến du lịch vùng ĐBSCL. Khu vực này tiếp giáp với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TPHCM, nhưng lâu nay vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận thị trường này, cũng như cả nước. Bộ cần ưu tiên quan tâm, hỗ trợ cho các địa phương quảng bá xúc tiến đầu tư và trong phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Trong quá trình lập đề án Quy hoạch du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần chú trọng đưa các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của ĐBSCL vào tổng thể quy hoạch, để có định hướng và dành nguồn lực đầu tư phát triển, như Khu du lịch tổng hợp Nhà Mát - ven biển TP Bạc Liêu.
"Bộ VH-TT&DL tiếp tục hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch, vì thực tế nhiều địa phương trong khu vực hạ tầng dịch vụ còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng, tài nguyên du lịch", ông Phạm Văn Thiều đề xuất.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương cần có chính sách thu hút đầu tư du lịch đặc thù mang tính đột phá, tập trung triển khai vào các địa bàn trọng điểm, có tiềm năng phát triển du lịch. Đẩy mạnh triển khai các dự án cải thiện hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy và đường không) sẽ giúp khu vực ĐBSCL mở rộng khả năng tiếp cận thị trường khách nội địa và quốc tế.
Về đường bay, bên cạnh khai thác nguồn khách từ TPHCM, các tỉnh, thành cần chú trọng khai thác khách đến sân bay quốc tế Cần Thơ bao gồm đường bay nội địa và các đường bay quốc tế, kết nối trực tiếp với Bangkok, Kuala Lumpur, Seoul và Đài Bắc.