Chúc Tết lành mạnh
Tôi vẫn còn nhớ như in những năm đầu đi làm, cứ mỗi dịp Tết đến thì trong số các việc cần làm đều phải có mục đến nhà thủ trưởng, phó thủ trưởng để chúc Tết.
Chúc Tết lãnh đạo đơn vị như một thông lệ xã hội, nếu không đi sẽ áy náy bởi bạn bè ở nhiều cơ quan khác nhau đều làm thế cả, mà đi thì lại loay hoay vì chả nhẽ đến nhà sếp chúc Tết lại không có món quà gì.
"Mua quà biếu Tết gì đây", "đến vào lúc nào cho phù hợp", những câu hỏi mà cánh viên chức trẻ như tôi hồi ấy nhiều khi loay hoay mãi. Thực ra với thu nhập khiêm tốn và suy nghĩ đơn giản, thời đó chúng tôi thường chỉ đi chúc Tết sếp chai rượu cùng hộp bánh, rồi tự an ủi rằng chắc sếp cũng thông cảm cho hoàn cảnh của mình hoặc là không để ý chuyện quà cáp.
Chúc Tết là một phong tục lâu đời của người Việt. Điều thú vị là phong tục này chỉ khuyến khích thực hiện với những người đã sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ mình, thể hiện qua câu nói: "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy".
Chúc Tết với tư cách là hành vi văn hóa hoàn toàn không có chỗ cho "chúc Tết quan" (ngày xưa) hay "chúc Tết thủ trưởng" (ngày nay). Sau một năm làm lụng vất vả, Tết là dịp đoàn viên, mọi người dành thời gian cho các hoạt động hướng về gia đình, quê hương, nguồn cội. Bởi vậy, năm 2004, trong một phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã đọc hai câu thơ rất hay, rằng: "Ngày Tết, ngày hội, họ gia / Cấp dưới không phải đến nhà cấp trên".
Ấy vậy nhưng, các phong tục truyền thống dù đẹp, dù hay đến mấy cũng thay đổi và thậm chí là bị biến tướng theo thời gian. "Phú quý sinh lễ nghĩa", khi đời sống khá giả hơn thì người ta không chỉ chăm lo cho cuộc sống của mình và gia đình, mà sẽ chú ý hơn đến chất lượng của các mối quan hệ xã hội. Vì thế, các hình thức thăm hỏi, chúc tụng, lễ lạt, đi kèm quà biếu mỗi dịp Tết đến Xuân về ngày càng nở rộ. Nhìn từ hướng tốt đẹp, việc chăm lo cho các quan hệ xã hội (gia đình, dòng họ, bạn bè, cơ quan, đối tác…) đem đến cảm hứng tích cực, giúp cuộc sống và công việc vui vẻ hơn, thân thiện hơn, thuận lợi hơn.
Nhưng thực tế chuyện quà cáp ngày Tết cũng dẫn đến những biến tướng gây hệ lụy tiêu cực, trở thành một dịp, một cái cớ để người ta biếu xén, nịnh bợ, chạy chọt… Đối tác thì rình rang đến chúc Tết lẫn nhau như hình thức "trả nợ" đầy mệt mỏi; cá nhân và tổ chức lại có thể thông qua chúc Tết để hối lộ tinh vi với các quan chức chính quyền; nhân viên mượn cớ chúc Tết để lấy lòng thủ trưởng nhằm đổi lại sự ưu ái cá nhân.
Tất cả những biến tướng chúc tụng mỗi dịp Tết đến nhằm vụ lợi cá nhân hay nhóm lợi ích đều gây hệ lụy không tốt cho đơn vị, tổ chức và rộng ra là cả xã hội, cho nên thường bị dư luận xã hội phê phán.
Rõ ràng, để hướng tới một xã hội văn minh thì chúc Tết cần được thực hiện như là một nét đẹp văn hóa truyền thống, một khuôn mẫu hành vi thể hiện tính nhân bản trong quan hệ giữa con người với con người. Có nghĩa là chúng ta phải loại bỏ mọi ý đồ vụ lợi, đổi chác mà các chủ thể cá nhân, tổ chức thực hiện dưới danh nghĩa chúc Tết.
Những năm gần đây, Ban Bí thư thường ban hành chỉ thị các cấp, các ngành chuẩn bị tốt nhất điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới và vui xuân, đón Tết Nguyên đán; trong đó luôn yêu cầu "không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp". Trong chỉ thị số 19 về việc tổ chức đón Tết Quý Mão năm 2023, Ban Bí thư tiếp tục nêu rõ yêu cầu này, đồng thời "nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức".
Chỉ thị của Ban Bí thư được thực hiện nghiêm túc, không chỉ xác lập nét văn hóa lành mạnh trong ngày Tết mà còn tránh được các hoạt động hình thức, rình rang, tốn kém thời gian, gây ùn tắc giao thông dịp Tết. Và để Chỉ thị được thực hiện nghiêm túc thì cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải thật sự nêu gương trong việc thực hiện vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Chúc Tết, với tư cách là một phong tục văn hóa, vẫn là hoạt động sẽ diễn ra tại mỗi cơ quan, đơn vị. Những buổi gặp gỡ cuối năm và gặp mặt đầu năm, cùng những lời hỏi thăm lẫn nhau và những lời chúc tốt đẹp sẽ vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Khi đây đã thực sự trở thành một sinh hoạt văn hóa, cấp dưới có thể yên tâm chúc Tết cấp trên ngay tại công sở mà không cần phải lo lắng đến nhà hay quà cáp tốn kém.
Hơn nữa, sẽ là một nét đẹp văn hóa của các đơn vị khu vực công nếu tại các buổi gặp mặt đầu năm có thêm tiết mục từng nhân viên gửi lời chúc đến thủ trưởng. Đó có thể là một mối quan tâm cụ thể nào đó mà nhân viên muốn gửi tới thủ trưởng, cùng kỳ vọng thủ trưởng sẽ nỗ lực cùng tập thể giải quyết, tạo ra thành tích và sự thay đổi tích cực cho đơn vị.
Không ai đánh giá việc thực hiện lời chúc Tết thủ trưởng vào mỗi dịp tổng kết cuối năm. Thế nhưng, nếu thực hiện chúc Tết thủ trưởng cùng gửi gắm mong đợi cụ thể sẽ thể hiện lòng tin của nhân viên, khẳng định sự đồng hành và hợp tác với thủ trưởng. Khi đó, chúc Tết cấp trên sẽ không chỉ tạo không khí tích cực cho đơn vị mà còn góp phần vun đắp quan hệ tốt đẹp giữa thủ trưởng và nhân viên.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!