Chúc mừng năm mới Việt Nam
Tôi rất vui mừng đón Xuân mới trên đất nước Việt Nam thân thiện. Đây cũng là cái Tết thứ 21 của tôi ở Việt Nam kể từ lần đầu tiên tôi đến đây 42 năm trước. Từ cái thủa ban đầu lưu luyến ấy cho đến hôm nay, tôi vẫn luôn mong ngóng và háo hức hòa mình cùng với người dân Việt Nam chào Xuân, đón Tết với một niềm hi vọng mới, với một sự lạc quan mới.
Như người Việt thường nói "Nhập gia tùy tục", ngày ông Táo chầu trời, tôi cũng thả cá và trang hoàng nhà cửa, mua sắm những thứ cần thiết để đón tiếp bạn bè Việt Nam đến chúc Tết; đồng thời cũng gửi lời chúc Tết qua thư, tin nhắn hoặc email tới các cơ quan của Việt Nam và cả những người bạn nước ngoài khác.
Tết năm nào ở Việt Nam, tôi cũng thức đón Giao thừa, sau Giao thừa là xông đất bạn bè Việt Nam. Nhiều người quý mến và cho rằng tôi có thể mang lại may mắn thì họ thường mời tôi đến xông đất. Khi đến xông đất, tôi mừng tuổi cho người cao tuổi và trẻ em, sau đó sẽ có bữa ăn tân niên đầu xuân trước khi trở về nhà mình để đón khách đến chơi.
Đối với tôi, Tết Nguyên đán của Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa linh thiêng. Vào những ngày Tết từ khi bắt đầu đón xuân mới cho đến 15 tháng Giêng thì người Việt và các cơ quan đoàn thể ở Việt Nam sống trong một bầu không khí tràn đầy sự gắn kết, yêu thương. Như vậy, Tết là sự kiện có ý nghĩa rất đặc biệt giúp người ta gần nhau hơn, có thể giải quyết những vấn đề đã phát sinh trong năm cũ để đón năm mới với hi vọng mới, với tinh thần lạc quan, với lòng vị tha.
Tết đến là dịp "tống cựu nghinh tân", để chúng ta quên đi những điều không may trong năm cũ và khởi đầu năm mới tràn đầy lạc quan, hi vọng.
Nhiều người nước ngoài sang Việt Nam công tác, họ tò mò muốn tìm hiểu về phong tục, tập quán của Việt Nam, nên tôi còn đóng vai trò là người chia sẻ, hướng dẫn, giới thiệu với họ về cách đón Tết ở Việt Nam như thế nào. Những lúc như vậy, tôi như thấy mình trở thành "đại sứ văn hóa" của Việt Nam với cảm xúc rất đặc biệt; thậm chí với sự am hiểu và tình cảm dành cho đất nước, con người Việt Nam, tôi có cảm giác mình như là một người sinh ra, lớn lên ở đây vậy.
Tôi đến Việt Nam năm 1980 và lần đầu đón Tết Nguyên đán vào năm 1981, đó là thời kỳ bao cấp, hình thức tổ chức Tết có khác biệt so với bây giờ. Trong điều kiện kinh tế còn thiếu thốn và khó khăn, mỗi gia đình người Việt đều cố gắng để có một bầu không khí vui vẻ trong những ngày Tết. Dù vất vả tới đâu, thì ngày Tết cũng là những ngày vui nhất để đoàn tụ gia đình, gặp gỡ bố mẹ, ông bà.
Khác với bây giờ, vì lý do an toàn, an sinh xã hội, việc đốt pháo được giao cho chính quyền các địa phương và là đốt pháo hoa, còn hồi đó, theo tục lệ, người dân vẫn còn đốt pháo, tiếng pháo trong đêm giao thừa của những năm 1980 thường bắt đầu từ 11h30 đêm đến gần 6h sáng. Quan niệm của người Việt, đốt pháo là để trừ tà, trừ yêu, nhằm đón một năm mới với bầu không khí an lành.
Trước đây, đa số gia đình người Việt luộc bánh chưng bằng củi, mùi khói lan tỏa khắp thành phố nên cứ đến những ngày cuối năm thì đi đâu cũng ngửi thấy mùi khói củi nấu bánh chưng, rất đặc biệt và không thể quên được. Lúc đó, nhà nhà đều gói bánh và nấu bánh chưng đón Tết. Đây là tục lệ mà tôi thấy rất thú vị, bởi bên cạnh sự sum vầy thì còn là dịp để các thế hệ trẻ hiểu thêm về phong tục, tập quán cha ông để lại, qua đó giữ được hồn cốt dân tộc.
Nhìn chung, ngày Tết trong những năm bao cấp có cái hay riêng, cái thú vị riêng. Hiện nay, với sự phát triển của kinh tế xã hội, sau gần 35 năm Đổi mới, sinh hoạt ngày Tết của người Việt đã đổi thay nhưng sự đổi thay đó về mặt hình thức, còn về nội dung vẫn vậy.
Ví dụ ngày xưa thiệp chúc Tết, lịch Tết được bán khắp nơi nhưng bây giờ với sự phát triển của mạng xã hội, người ta ít sử dụng thiệp viết tay nữa mà họ có thể nhắn tin, gọi điện thoại, gửi email.
Thời bao cấp, người Việt thường chỉ ở nhà, trong 3 ngày liên tục chủ yếu là ăn uống và ai cũng mong thời tiết chuyển rét để giúp bảo quản đồ ăn. Nói "3 ngày Tết" là vì thời đó dịp Tết chỉ kéo dài 3 ngày: 30 tháng Chạp, ngày mồng 1 và mồng 2 Tết. Nhiều cơ quan ở Việt Nam sang ngày mồng 3 là đã quay trở lại công sở. Hiện nay, Nhà nước đã tạo điều kiện cho người dân có thêm thời gian chuẩn bị Tết, có thời gian để thư giãn, để đi chơi. Ngày xưa không ai vắng mặt trong đêm Giao thừa nhưng bây giờ một số gia đình đã đi chơi trong đêm Giao thừa.
Cá nhân tôi trước tới nay chỉ ở Hà Nội trong những ngày nghỉ Tết. Khi mà nhiều người thích du lịch thì tôi lại muốn ở lại để trải nghiệm, để tản bộ trên những con phố đẹp của Hà Nội và tận hưởng không khí yên tĩnh rất hiếm có, hồi tưởng và nhớ lại những ngày đầu khi mới bước chân tới đây.
Sự khác biệt giữa Tết xưa và Tết nay còn ở khâu chuẩn bị. Nếu trước đây, mọi người đều phải tự chuẩn bị mọi thứ từ trang hoàng nhà cửa đến gói bánh, nấu bánh chưng, làm dưa món, làm mứt Tết… thì bây giờ mọi người có thể đặt hàng và hầu hết đều có dịch vụ từ A đến Z. Một phần nguyên nhân là điều kiện sống của nhiều gia đình Việt hiện nay ở các khu chung cư. Tôi vẫn thường nói vui rằng: Ở Việt Nam cái gì cũng có được miễn là "alo".
Hiện nay, khi xuất hiện một số ý kiến rằng có nên gộp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch hay bỏ Tết Âm lịch hay không thì quan điểm của tôi là chúng ta cần giữ được nét riêng, nét đặc sắc về văn hóa trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa. Tôi ủng hộ việc khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc và mong muốn Việt Nam vẫn duy trì, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống mà ông cha để lại. Chúng ta đã có một bề dày lịch sử đáng tự hào và việc gìn giữ Tết cổ truyền cũng chính là một trong những cách để người Việt hướng về nguồn cội.
Tất nhiên, trong quá trình phát triển, hiện đại hóa, có những nghi thức nặng nề, tạo ra hệ lụy không tích cực thì có thể bỏ, nhưng chúng ta cần phải gìn giữ, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa truyền thống, còn không, về lâu dài ta sẽ mất đi tinh thần dân tộc.
Dù vậy, theo quan sát của tôi, người Việt đôi khi thích thử nghiệm những cái mới lạ, song sau khi thử thì họ vẫn quay trở lại với những nét riêng vốn có. Chẳng hạn ở Hà Nội, thỉnh thoảng xuất hiện những nhà hàng, quán ăn phục vụ các món mới lạ của người nước ngoài, thực khách có thể xếp hàng để mua, song sau tất cả, họ vẫn quay lại với phở, với bún chả, chả cá, với những món ăn Việt. Đó là tinh thần của truyền thống, tinh thần của văn hóa, tinh thần của lịch sử gắn liền với chiều sâu trong tâm trí, trong tâm hồn mỗi người Việt.
Chúng ta có những giá trị trường tồn để tự hào, khẳng định rằng dân tộc chúng ta sống cạnh những dân tộc khác và sẵn sàng cùng những dân tộc khác phát triển, tạo nên văn hóa chung của nhân loại.
Nhân dịp Tết Quý Mão 2023, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý tới toàn thể Nhân dân Việt Nam! Chúc quan hệ Việt Nam và Palestine ngày càng củng cố và phát triển!
Tác giả: Saadi Salama là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam từ năm 2009 đến nay. Từ năm 2019, ông là Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!