Bệnh sợ trách nhiệm
Phát biểu tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, khi thảo luận về việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đợt 2 - năm 2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận có tình trạng các bộ ngành "liên tục thay đổi đề xuất", làm chậm tiến độ giải ngân gói hỗ trợ này.
Những kêu ca về tình trạng chậm giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch trong năm 2022 đã được đề cập trên nhiều diễn đàn. Theo quyết định của các cấp có thẩm quyền, số dự án thuộc Chương trình nêu trên được sử dụng vốn đầu tư phát triển, tăng chi từ nguồn ngân sách tối đa là 176.000 tỷ đồng trong 2 năm (năm 2022 và 2023).
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm sử dụng số tiền này hiệu quả, nhanh chóng để vực dậy nền kinh tế đất nước sau 2 năm bị tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, việc giải ngân gói hỗ trợ này được cho là rất chậm so với kỳ vọng, làm giảm đi động lực cho nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội nói chung, hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân nói riêng.
Dù đã quyết liệt đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công, gồm cả vốn Chương trình phục hồi kinh tế, nhưng kết thúc năm 2022, số vốn còn lại chưa phân bổ, chưa giao cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 28.862 tỷ đồng. Trong đó, 25.530 tỷ đồng của 169 dự án đã được Thủ tướng thông báo cho các đơn vị hoàn thiện thủ tục đầu tư; số chưa phân bổ chi tiết, chưa thông báo cho các đơn vị là 3.332 tỷ đồng.
Trong 169 dự án với số vốn 25.530 tỷ đồng nêu trên mới có 129 dự án với khoảng 14.710 tỷ đồng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, các dự án của chương trình phục hồi kinh tế triển khai rất chậm, nguyên nhân là đề xuất của các bộ, ngành, địa phương không sát thực tiễn. Thậm chí là "cứ làm đi, làm lại". Y tế và giáo dục là hai lĩnh vực thay đổi nhiều lần nhất. "Có những dự án của y tế sau này thay đổi gần như toàn bộ. Còn rất nhiều dự án y tế chưa giao, không thể giao được" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Lời giải thích được cho là không mới. Khi trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có giải trình trước Quốc hội về nguyên nhân của sự chậm trễ này. Tuy nhiên, cách nói của lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đã có những điều không bình thường trong việc sử dụng nguồn vốn từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ ở một số Bộ, ngành, địa phương.
Từng có một thời, báo chí phản ánh các ngành, địa phương đều tranh thủ "xin" vốn; thậm chí có nơi "xin" không được thì "chạy"! Giờ thì có tiền và dù cấp trên đã nhắc nhở, đôn đốc nhiều lần thì lại "lúng túng, e ngại trong thực hiện".
Phải chăng lý do là bối cảnh đã khác? Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ dù được cho là mạnh dạn tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách nhưng cũng có những qui định chặt chẽ để vốn hỗ trợ phục hồi thực sự phát huy tác dụng mà không thất thoát.
Có lẽ đó là một trong những lý do khiến các đề án phải "làm đi làm lại nhiều lần". Bởi tiêu tiền thì dễ, nhưng tiêu tiền sao cho đúng, sao cho khỏi phải bị pháp luật "sờ gáy" mới khó.
Thận trọng để tránh sai sót là cần thiết. Nhưng sợ đến mức làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc trong khi nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương đang đói vốn, đang cần tiền để triển khai các chương trình, dự án có thể giúp kinh tế - xã hội phát triển, doanh nghiệp bớt khó khăn hơn, đời sống người dân được cải thiện hơn thì đó lại là một sự "thận trọng có vấn đề"!
Đề án phải làm đi làm lại nhiều lần mà vẫn không đạt yêu cầu để Chính phủ chi tiền, để tiền vẫn ở mãi trong kho, có thể do vướng mắc về thể chế, do năng lực hạn chế hay sự thiếu quyết đáp, thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm... hay nói thẳng ra là tình trạng "sợ trách nhiệm".
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết nhiều công chức không ngần ngại nói với ông: "Em thà chịu phê bình làm chậm còn hơn bị kỷ luật". Nên, dẫu biết để giải ngân đầu tư công chậm trễ là rất đáng trách, nhưng với không ít người, đáng trách vẫn ít rủi ro hơn là bị kỷ luật, bị áp đặt chế tài. Đây mới chính là lý do sâu xa nhất của việc đùn đẩy trách nhiệm, trình bẩm vòng vo; làm cũng được, không làm cũng không sao, cái gì cũng xin ý kiến cấp trên cho an toàn.
Thiếu quyết đáp, thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm và bệnh sợ trách nhiệm gắn liền với nhau. Đã sợ trách nhiệm thì ít ai dám quyết đáp, dám nghĩ, dám làm.
Vốn đầu tư công được kỳ vọng là trụ đỡ giúp nền kinh tế phục hồi. Vì vậy, việc chậm giải ngân, để tiền nằm mãi trong kho là không thể chấp nhận được.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về việc bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chủ trương này được ví như "luồng gió mới" tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, khát vọng, là động lực quan trọng để cán bộ phấn đấu, cống hiến cho đất nước.
Vấn đề còn lại là cần đề cao các chuẩn mực của đạo đức công vụ, khuyến khích tinh thần trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan công quyền. Một khi đã đủ bản lĩnh, làm việc tất cả vì lợi ích chung của dân của nước, thì cán bộ không còn gì phải đắn đo, lo sợ cả.
Tác giả: Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!