Tâm điểm
Hoàng Hồng

Câu hỏi từ đề thi văn "Dám bị ghét"

Đề thi văn lớp 10 của Hà Nội năm nay gây xôn xao khi đưa ra một vấn đề xã hội thú vị để học sinh bàn luận. 

Dùng đoạn đối thoại giữa chàng trai trẻ và triết gia trích từ cuốn "Dám bị ghét" của Kishimi Ichiro và Koga Fumitake, đề thi đặt ra hai câu hỏi: "Có ích kỷ không nếu "chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác"?" và "Nên ứng xử như thế nào trước mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta?".

Tôi tò mò muốn biết những đứa trẻ tuổi 15 sẽ viết gì và dám viết gì.

Bởi tôi bất giác nhớ đến những bài diễn văn của học sinh tiêu biểu vào mỗi dịp quan trọng như khai giảng, bế giảng, xuất quân thi học giỏi… Trong đó, các con thường kết thúc diễn văn bằng câu đại ý rằng: Chúng em xin hứa sẽ cố gắng hết sức mình để không phụ công dạy dỗ và lòng mong mỏi của thầy cô, cha mẹ.

Câu hỏi từ đề thi văn Dám bị ghét - 1

Học sinh thi lớp 10 tại Hà Nội năm 2024 (Ảnh: Mạnh Quân).

Tại sao các con không cố gắng hết sức mình chỉ vì các con muốn chinh phục mục tiêu, muốn thể hiện bản thân, muốn trải nghiệm cảm giác của người chiến thắng, muốn nhìn thấy thành quả rực rỡ do mình tạo ra? Tại sao lại phải cố gắng chỉ để không phụ lòng thầy cô, cha mẹ? 

Bởi vì, như chàng trai trẻ trong "Dám bị ghét" nói: "Nhu cầu được người mình yêu quý thừa nhận, được những người gần gũi mình chấp nhận là nhu cầu tự nhiên".

Cũng chính vì nhu cầu tự nhiên ấy, mỗi chúng ta khi còn là những đứa trẻ đã được người lớn dẫn dắt mọi hành vi theo hướng "đáp ứng mong đợi của người khác".

Gọi mẹ, gọi bà để nhận về tiếng vỗ tay tán thưởng. Ăn miếng cơm gọn ghẽ để nhận về lời khen ngoan. Học giỏi để được vinh danh. Làm việc tốt để được tuyên dương. Những đứa trẻ sống, học tập theo mong đợi của người lớn hiển nhiên đến mức bài diễn văn nào của chúng cũng phải đi kèm câu văn mẫu nói trên. Như thể "không phụ lòng thầy cô, cha mẹ" là một nhiệm vụ lớn lao. Tôi tin rằng, thực lòng bọn trẻ xem đó là điều tốt đẹp nhất mà chúng có thể làm cho cha mẹ, thầy cô.

"Nghe này, chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác. Cậu không sống để đáp ứng mong đợi của người khác. Tôi không sống để đáp ứng mong đợi của người khác. Chúng ta không cần đáp ứng mong đợi của người khác.", vị triết gia nói.

Và chàng trai đáp: "Không, quan điểm này thì quá vị kỷ. Thầy đang bảo tôi cứ sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình thôi sao?"

Đoạn trích này thú vị ở chỗ, lời khuyên "đừng sống để đáp ứng mong đợi của người khác" đến từ vị triết gia già thông tuệ. Còn người tin rằng sống như thế là ích kỷ lại là một chàng thanh niên.

Lâu nay, chúng ta vẫn thường chê trách thế hệ trẻ sống ích kỷ, chỉ biết đến bản thân mà không nghĩ tới người khác. Nhưng có thực thế không?

Ngày con tôi trải qua giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì, trong cuộc đối thoại khi ấy, tôi đã hỏi con: "Con muốn gì?". Con nói: "Con muốn làm một người bình thường". "Thế là nào một người bình thường?", tôi hỏi. Con đáp: "Con muốn nghỉ học, đi làm thợ xăm".

Tất nhiên, khái niệm "người bình thường" của con tôi khác với khái niệm "người bình thường" của tôi. Cũng tất nhiên, một người mẹ "bình thường" là tôi không cho phép con mình được làm "người bình thường" theo định nghĩa của nó. 

Cuối cùng, con đã làm "người bình thường" theo định nghĩa của mẹ. Tức là đi học, thi vào lớp 10, tốt nghiệp THPT, thi vào đại học, học đại học, rồi ra trường, đi làm, tự nuôi sống bản thân… Nói cách khác, con đã đáp ứng mong đợi của tôi thay vì tự do hành động theo mong muốn của chính nó.

Tôi nghĩ rằng, trong cuộc đua vào lớp 10 công lập này, đại đa số những đứa trẻ tuổi 15 đã và đang cố gắng đáp ứng mong đợi của những người thân yêu. 

Trong số đó, cũng có những đứa trẻ may mắn khi mong đợi của cha mẹ cũng là mong đợi của chính bản thân chúng. 

Còn người lớn chúng ta thì sao? Chúng ta sẽ quy kết bọn trẻ ích kỷ khi chúng từ chối đáp ứng mong đợi của mình.

Và hẳn là rất ít khi người lớn tự vấn rằng: "Có ích kỷ không nếu chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của con cái?" và "Cha mẹ nên ứng xử như thế nào trước mong đợi của những đứa con thân yêu dành cho chúng ta?".

Câu hỏi ấy tôi cũng chỉ mới nghĩ đến khi đọc đề văn thi lớp 10 của Hà Nội. Nếu như đây là đề thi dành cho phụ huynh, chúng ta sẽ viết gì trong 2/3 trang giấy?

Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!