Tâm điểm
Trịnh Minh Tuấn

Vào lớp 10 trường công và câu chuyện hướng nghiệp

Mỗi năm khi kết thúc kỳ thi chuyển cấp, câu chuyện hàng chục nghìn học sinh không thể vào trường THPT công lập ở Hà Nội lại trở thành chủ đề thời sự. Vấn đề này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người học, lãng phí nguồn lực và tác động lâu dài đến cơ cấu, lực lượng lao động trong tương lai. Trước mắt, để góp phần giải quyết bài toán này tôi đề nghị một số giải pháp tình thế như sau.

Để bù đắp nhanh chóng cho việc thiếu trường THPT, chính quyền Hà Nội cần nhanh chóng rà soát lại các thủ tục thành lập trường tư, nhằm đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian hoàn thiện hồ sơ.

Hiện nay, để thành lập một trường tư, thường mất một đến hai năm, thậm chí, có trường mất rất nhiều năm. Có nhiều trường THPT hơn thì áp lực thi cử và việc chọn trường sẽ dễ dàng hơn cho phụ huynh, học sinh. Hạn chế trường hợp học sinh thường trú ở Cầu Giấy mà phải sang tận Đông Anh, Sóc Sơn học.

Vào lớp 10 trường công và câu chuyện hướng nghiệp - 1

Một thí sinh căng thẳng khi chuẩn bị làm bài thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Thực tiễn chỉ ra rằng, nếu quận nào có số lượng trường tư đủ lớn thì áp lực với phụ huynh, học sinh giảm đi nhiều, ví dụ như quận Nam Từ Liêm hiện có hơn 12 trường THPT cho phụ huynh, học sinh lựa chọn.

Một trong những lý do chính mà phụ huynh chọn trường THPT công lập là vì học phí thấp. Vậy chính quyền có thể áp dụng chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh khi chọn học trường ngoài công lập. Cách làm này giúp chính quyền thành phố giải tỏa áp lực, thay vì cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư xây dựng hàng loạt trường THPT thì trước mắt có thể dùng ngân sách hỗ trợ học phí cho học sinh học trường ngoài công lập.

Tuy nhiên, hai giải pháp trên có tính chất ngắn hạn bởi trong tương lai, cùng với xu hướng già hóa dân số và hạn chế nhập cư vào khu vực trung tâm đô thị, nhu cầu về số lượng trường THPT sẽ giảm. Cùng với đó, xu hướng hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục cấp THCS là không thể đảo ngược.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục. Cụ thể, mỗi năm có hơn 100 tiết trải nghiệm và hướng nghiệp; tính trung bình, mỗi tuần có 3 tiết. Số lượng tiết trải nghiệm và hướng nghiệp ở cấp THCS chỉ thấp hơn ba môn Toán, ngữ văn và khoa học tự nhiên; còn lại cao hơn các môn khác. Vậy câu hỏi đặt ra, tại sao số lượng tiết trải nghiệm và hướng nghiệp cao như vậy mà kết quả hướng nghiệp và phân luồng giáo dục lại thấp? Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ có khoảng 8-10% số lượng học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề.

Số lượng học sinh tốt nghiệp THCS học nghề thấp có nhiều nguyên nhân, ở đây tôi chỉ tập trung phân tích về công tác hướng nghiệp.

Dù hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là bắt buộc trong chương trình giáo dục với số lượng tiết học không nhỏ như nêu trên, nhưng điều bất cập là các trường không có giáo viên, không có tổ bộ môn phụ trách hoạt động này. Vì vậy, lẽ đương nhiên, trường khó có thể xây dựng chương trình một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

Ví dụ, rất ít trường có thể triển khai hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho từng học sinh, hướng nghiệp cho nhóm học sinh phù hợp với sở trường, năng lực và thiên hướng; tổ chức các hoạt động làm việc thực tiễn tại doanh nghiệp và những buổi giáo dục hướng nghiệp với các chuyên gia; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường với tư vấn hướng nghiệp trong và ngoài trường (dịch vụ hướng nghiệp), với doanh nghiệp và thị trường lao động ở địa phương, khu vực.

Các vị trí việc làm và thiết chế liên quan đến hướng nghiệp trong trường THCS, thậm chí là THPT, trường nghề và đại học như: cố vấn đào tạo nghề, văn phòng hướng nghiệp, tư vấn học đường, cố vấn trường học toàn thời gian, nhà tâm lý học hướng nghiệp… đều chưa có hoặc có nhưng hoạt động thiếu hiệu quả. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng công tác hướng nghiệp. Thiết nghĩ các bộ ngành liên quan cần phối hợp, sớm xây dựng vị trí việc làm về hướng nghiệp trong nhà trường.

Kế hoạch hướng nghiệp cho học sinh THCS cần thiết đặt trong kế hoạch tổng thể hướng nghiệp, việc làm quốc gia. Kế hoạch tổng thể này phải tăng quyền chủ động hướng nghiệp, việc làm của địa phương. Cụ thể như mục tiêu hướng nghiệp ở bậc tiểu học, mục tiêu hướng nghiệp ở bậc THCS, mục tiêu hướng nghiệp ở bậc THPT, mục tiêu hướng nghiệp ở bậc đại học, việc làm của lao động trung niên, cao tuổi, hướng nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa, tái đào tạo nghề. Nghĩa là, học sinh tốt nghiệp THCS đã hình dung ra được cuộc sống lao động (working life) trong tương lai như thế nào. 

Chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh nếu không có sự đồng hành của phụ huynh. Do đó, câu chuyện này không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà còn là trách nhiệm của phụ huynh trong việc định hướng nghề nghiệp cho con em dựa trên năng lực, thiên hướng và sở trường của con.

Bằng các giải pháp đồng bộ, chúng ta sẽ vừa đảm bảo cơ hội vào trường THPT công lập của học sinh, vừa đảm bảo hài hòa cơ cấu, lực lượng lao động trong tương lai của đất nước.

Tác giả: Ông Trịnh Minh Tuấn là người sáng lập Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Ehomebooks và Trung tâm nghiên cứu xuất bản - giáo dục IPER.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!