Tâm điểm
Hoàng Anh Tú

Trượt lớp 10 chứ đừng trượt ngã

Đã có những giọt nước mắt hòa cùng cơn mưa rơi xuống hôm qua, khi các thí sinh rời khỏi phòng thi chuyển cấp, lên lớp 10. Những cô bé, cậu bé thi xong là biết mình trượt. Tôi nghĩ những cô bé, cậu bé đó may mắn hơn những cô bé, cậu bé phải đến tháng 7 mới biết "số phận" của mình.

Sở dĩ tôi nói là may mắn vì các con không phải trải qua những ngày tháng thắc thỏm đợi chờ kết quả nữa. Các con đón nhận thất bại sớm thì các con càng có thời gian để tìm phương án khác, con đường khác. Chúng ta chỉ sốc vì bất ngờ chứ chẳng ai sốc khi đã biết trước kết quả. Nên các con may mắn hơn là thế! Thất bại nào cũng đắng nghét và rất khó nuốt trôi. Nhưng nó vẫn có thể là một may mắn để chúng ta học cách đứng dậy sau thất bại. Nó vẫn là một may mắn để ta rẽ sang một lối đi khác, phù hợp hơn, trở thành một con người tốt hơn chính ta của hôm qua.

Năm nay Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước là địa phương có kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng nhất. Hơn 105.000 đứa trẻ dự thi để chiếm một suất trong 81.000 suất học trường công. Cuộc chiến cam go và căng thẳng hơn ở những nơi như THPT Yên Hòa với tỷ lệ 3,11 thí sinh lấy 1, THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông là 2,9 thí sinh lấy 1.

Để chiếm một suất học trường công xịn, trung bình điểm mỗi môn của thí sinh phải đạt 8 điểm. Như THPT Việt Đức, điểm trung bình môn năm 2021 là 8,04, năm 2022 là 8,35 và năm trước là 8,6. Mỗi năm điểm trung bình môn lại cao hơn năm trước. Có những ngôi trường hot như THPT Chu Văn An thì phải đạt gần 9 điểm (8,9 điểm) mới mong vào được trường. Chọn nguyện vọng 1 sai thì số điểm lẽ ra đã đỗ có khi lại thành trượt ở nguyện vọng 2 vì phải cộng thêm 1 điểm. Nên bao năm qua rất nhiều con đã tan giấc mộng vàng dù học rất giỏi, điểm rất cao.

Trượt lớp 10 chứ đừng trượt ngã - 1

Một nữ sinh ở điểm thi TP Thủ Đức, TPHCM bật khóc sau khi rời phòng thi môn toán (Ảnh: Hoài Nam).

Tôi nói vậy là để chúng ta đừng đổ lỗi cho con mình nếu con thi trượt. Các con đã cố gắng lắm rồi, cha mẹ ơi! Và ngày các con biết tin mình trượt luôn là ngày các con cần cha mẹ hơn bao giờ hết. Nước mắt của các con cần được cha mẹ lau giùm. Nỗi đau của thất bại này nếu không được cha mẹ xoa dịu, những đứa trẻ sẽ côi cút lắm.

Trượt lớp 10 là một nỗi đau quá sức chịu đựng của mỗi đứa trẻ mới 15 tuổi. Nên con cần cha mẹ giúp con tiêu hóa được nỗi đau này. Tôi đã gặp những đứa trẻ côi cút khi phải tự gánh chịu nỗi đau này. Những đứa trẻ tự cho mình là "đồ bỏ đi" khi phải học những ngôi trường mà con gọi là "dành cho kẻ thất bại".

Vốn chẳng có ngôi trường nào có tên như thế cả. Nó bị gọi là như thế bởi thái độ của cha mẹ. Cha mẹ khiến con không yêu nổi ngôi trường "kế hoạch B" này. Vì trượt nên mới phải vào học ở đó. Như một án phạt. Ba năm cấp 3 sau đó sẽ thực sự là một hành trình khổ sở với những đứa trẻ đó. Và nhiều đứa trẻ đã tiếp tục thất bại trong kỳ thi THPT, từ bỏ ước mơ đại học. Một hạt mưa ngày trượt vào 10 thành cơn lũ quét cả cuộc đời sau đó của các con vậy.

Hẳn chẳng cha mẹ nào bớt yêu thương con vì lý do thi trượt lớp 10. Nhưng thái độ của chúng ta có thể khiến con hiểu ra như thế. Là con bắt gặp ánh mắt buồn rười rượi của cha, đau lòng khi thấy tiếng thở dài của mẹ. Những đứa trẻ mới 15 tuổi chưa nhiều trải nghiệm để hiểu rằng cha mẹ buồn là bình thường. Cha mẹ không buồn vì con trượt, mà buồn vì cha mẹ đã không giúp con đỗ được. Là cha mẹ buồn cho chính mình nhiều hơn. Nhưng lũ trẻ chẳng nghĩ sâu được đến thế.

Con trượt vào lớp 10 thì cha mẹ làm gì? Tôi nghĩ rằng cha mẹ hãy cho con thấy cha mẹ chính là chỗ dựa vững chắc nhất của con. Thậm chí ngay những ngày này, khi chưa có kết quả, hãy trò chuyện cùng con, nếu có điều kiện thì đưa con đi du lịch hoặc cùng con về quê, hãy là những ngày thật vui vẻ. Để con nhận ra rằng hôm qua là thứ ta không thể làm lại, cuộc đời là những gì thuộc về hôm nay và ngày mai. Có trượt thì cũng đã trượt, đừng quá buồn nữa, tính con đường mới đi. Là cha mẹ cùng con lên lộ trình, phương án để đi tiếp chặng đường rất dài phía trước. Là chọn những ngôi trường vì con thích (dù thích nhất vẫn là ngôi trường con đã trượt). Chúng ta không có được ngôi trường chúng ta thích thì hãy thích ngôi trường chúng ta có. Là con với phiên bản mới hơn. Hãy cho con quyền quyết định lựa chọn ngôi trường kế tiếp. Bằng cùng con lên danh sách lý do vì sao mình nên học trường này. Bắt đầu từ vì con.

Học nghề thì có sao? Học trường giáo dục thường xuyên cũng có thể trở thành sinh viên đại học mai này mà? Là con muốn mình trở thành ai trong tương lai chứ không phải ngôi trường này biến con thành ai, thất bại này biến con thành ai. Là cha mẹ dù con ra sao thì con vẫn là đứa con cha mẹ yêu thương nhất. Con không phải là "đồ bỏ".

Chúng ta là cha mẹ, chúng ta cũng đã trải qua bao nhiêu thất bại trong đời rồi. Tôi vẫn hay chia sẻ với 3 đứa con mình về những thất bại của chính mình. Bởi tôi biết tuổi của các con luôn chỉ thấy những lát cắt cuộc đời, những trailer (đoạn phim giới thiệu) của người khác đưa lên mạng xã hội, mà tưởng đó là bộ phim của người ấy. Trailer nào chẳng đẹp đẽ, long lanh. Nên tôi muốn con thấy được nhiều hơn nữa thất bại của cha mẹ để các con nhận ra thất bại không hủy hoại cuộc đời mình.

Tuổi 15 đối diện với thất bại đầu đời sẽ rất khó khăn nhưng nếu có cha mẹ đồng hành, tôi tin, mọi đứa trẻ đều có thể vượt qua dễ dàng. Bởi cái tuổi "vui dễ kiếm và nỗi buồn chóng qua" này thì vết thương nào cũng sẽ lành nhanh lắm. Và các con sẽ lại hừng hực thanh xuân thay vì sống với những hẩm hiu số phận.

Cuối cùng, thưa các cha mẹ có con thi vào 10 năm nay, dù con cái chúng ta có trượt vào lớp 10 thì trong chúng ta các con vẫn không bao giờ trượt khỏi trái tim chúng ta mà, đúng không?

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!