Bình đẳng giới không phải là "đàn ông xuống bếp"
Những năm qua tôi đã tham gia vào rất nhiều cuộc trò chuyện về phụ nữ, với phụ nữ. Đây là các cuộc trò chuyện của những tổ chức - cơ quan bảo vệ phụ nữ cũng như hoạt động liên quan đến bình đẳng giới. Tại đó, tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt của phụ nữ, em nhỏ bị bạo hành và lắng nghe các tâm sự, chia sẻ mà chắc chắn là bất cứ ai trong chúng ta nếu nghe được đều phẫn nộ về hành vi bạo lực của những người chồng, người bố liên quan.
Những số liệu điều tra cho thấy các hành vi bạo lực gia đình nói riêng, vi phạm quy định pháp luật về bình đẳng giới nói chung có một tỷ lệ đáng kể trong xã hội. Đơn cử kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy cứ 4 phụ nữ thì có 1 phụ nữ (26%) từng bị chồng bạo hành thể xác. Thực tế này cho thấy chúng ta sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trong gia đình.
Nhưng có một vấn đề nhìn từ phía chị em mà tôi ít thấy mọi người đề cập đến. Đó là mọi phụ nữ đều cần được nhận sự tôn trọng không chỉ từ nam giới mà cả ở chính phụ nữ với nhau. Đó là để thực hiện bình đẳng giới thì trước hết chị em phải hiểu đúng, đây không phải là "trọng nam" hơn hay "trọng nữ" hơn mà là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Trong gia đình, bình đẳng giới không phải là đàn ông xuống bếp và phụ nữ từ bỏ bếp núc, mà cùng nhau san sẻ việc nhà. Chúng ta ghi nhận những công việc không được trả lương một cách bình đẳng thay vì những cái bĩu môi, phán xét của chính phụ nữ với những người đàn ông lui về hậu phương, nội trợ. Đừng đo đếm nữ quyền bằng việc phụ nữ phải kiếm ra nhiều tiền mới là người nắm quyền làm chủ. Mọi sự "vùng lên" bằng việc đạp người khác xuống đều là bất bình đẳng.
Không có bình đẳng giới nào ở việc hạ thấp phe kia xuống cả. Đừng tôn vinh những phụ nữ coi rẻ đàn ông, không cần đàn ông mới là phụ nữ mạnh mẽ. Đừng "chiến đấu" bằng những cuộc đánh ghen, hạ nhục đàn ông để rồi những bé gái học theo mẹ với các vụ bạo lực học đường giữa các bé gái với nhau. Phụ nữ không cần phải mạnh mẽ kiểu nắm đấm như thế!
Tôi vẫn luôn nghĩ về hai chữ "Tôn trọng". Là chúng ta, những phụ nữ Việt, học cách tôn trọng bình đẳng cả ở hai giới, thậm chí, cả với những người trong cộng đồng LGBT+ (cộng đồng những người có xu hướng tính dục khác biệt). Dù là ai cũng có quyền được bình đẳng và được tôn trọng.
Bếp núc không mang giới tính, không quyết định giới tính và càng không phải là minh chứng soái ca, chồng xuống bếp mới là đàn ông đích thực. Điều quan trọng hơn là chúng ta học được cách tôn trọng và được quyền đòi hỏi mọi người tôn trọng mình.
Tôi đã chứng kiến nhiều phụ nữ đã và đang nghĩ sai về bình đẳng giới, cho rằng "kẻ thù" của phụ nữ là nam giới nên mới có những phong trào "vùng lên", những thông điệp từ bỏ bếp núc hay kể cả những câu chua xót: Chỉ phụ nữ mới mang hạnh phúc đến cho nhau.
Có những chị em vạch lằn ranh giới tính và nghĩ rằng đó là bình đẳng giới. Thậm chí, xúc phạm chính những phụ nữ chọn chồng con, bếp núc là thứ phụ nữ xó bếp, yếu thế; gọi đàn ông với những câu ngoa ngoắt; lan truyền những câu chuyện vợ đánh chồng vì chồng nhậu xỉn như một chiến công bình quyền. Bình đẳng giới không phải và không thể giành được bằng bạo lực. Nó chỉ có thể đạt được bằng sự tôn trọng. Bao gồm tôn trọng quyền con người, tôn trọng pháp luật.
Phụ nữ là phái đẹp. Cái đẹp của phụ nữ nào đâu chỉ là câu chuyện nhan sắc. Mà còn là cách hành xử và càng không phải đối trọng của nó là phái xấu, đàn ông. Có bình đẳng nào mà ở đó có người được quyền hơn người khác? Có bình đẳng nào được thiết lập trên nền tảng kéo bên kia xuống, vùng lên đạp đổ đối phương để bình đẳng kia chứ? Bình đẳng xin được bắt đầu bằng tôn trọng. Để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn thay vì chỉ mình tốt đẹp hơn người khác. Được như vậy, mỗi ngày đều sẽ là ngày 8/3.
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!