Bình đẳng giới trong vai trò lãnh đạo
Chúng ta thường nói với nhau "phụ nữ là một nửa thế giới, một nửa bầu trời". Thế nhưng, theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, tỷ lệ nữ giới ở nước ta hiện nay nhỉnh hơn nam giới với khoảng 48,3 triệu so với 47,8 triệu người.
Nghịch lý là đến nay, nhiều người vẫn suy nghĩ rất định kiến rằng "phụ nữ là phái yếu", cần nam giới sẻ chia và giúp đỡ, trong khi họ chiếm hơn một nửa dân số. Cho nên, khi bàn về thúc đẩy bình đẳng giới, nhiều người vẫn thường chỉ đề cập đến các vấn đề cụ thể, tiểu tiết mà chị em cần hỗ trợ, hoặc giúp chị em cảm thấy vui vẻ. Thực ra, cần nhận thức rằng bình đẳng giới trước hết là không được phân biệt giới trong tư duy và hành động. Cá nhân, dù là Nam hay Nữ, đều cần được đối xử, tạo điều kiện, và trao cơ hội phát huy năng lực bản thân và cùng thụ hưởng thành quả từ sự phát triển của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Xã hội càng tiến đến văn minh thì vị trí, vai trò và sự đóng góp của phụ nữ càng thể hiện rõ hơn và được nhìn nhận đúng đắn hơn. Nhờ đó, chúng ta càng tiến gần hơn đến các mục tiêu của bình đẳng giới, mà trên hết đó là giảm thiểu sự phân biệt giới, hướng đến cân bằng vị thế xã hội giữa Nam và Nữ trên quy mô cộng đồng.
Ngày nay quan sát trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chắc rằng mỗi người đều dễ dàng nhận thấy phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò của mình và không ngừng nâng cao vị thế trong nước cũng như quốc tế. Trong lĩnh vực kinh doanh, chúng ta có thể điểm ra hàng loạt tên tuổi nữ doanh nhân đầy quyền lực. Hay trong hệ thống chính trị, tỉ lệ nữ cán bộ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng.
Theo thống kê chính thức, trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 19 ủy viên Ban Chấp hành là nữ (9,5%), Quốc hội khóa XV đạt tỉ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay; Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 16% thành viên nữ, HĐND cấp tỉnh có 29% đại biểu nữ…
Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam về thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tính đến năm 2022, chúng ta đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý. Chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam xếp thứ 65/162 quốc gia và vùng lãnh thổ; xếp 87/156 về chỉ số thu hẹp khoảng cách giới.
Mặc dù đã có những tiến bộ rõ ràng, việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới nói chung và tiến trình cải thiện tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo ở các nước đang phát triển như Việt Nam nói riêng vẫn còn rất nhiều thách thức. Trước hết, đó là yếu tố truyền thống văn hóa "trọng nam hơn nữ" vẫn còn ảnh hưởng trong bối cảnh xã hội đang chuyển đổi, đặc biệt là tại các khu vực chưa công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Trên phương diện cá nhân, do những bất lợi gắn với giới tính tự nhiên nên một số phụ nữ còn hạn chế về năng lực, thái độ còn thụ động hơn so với nam giới. Mặc dù hệ thống chính sách của Nhà nước luôn chú trọng và ưu tiên phụ nữ, nhưng không ít quy định còn chưa rõ ràng, khó áp dụng và đã trở thành rào cản sự tiến bộ của phụ nữ.
Từ năm 2007, Nghị quyết số 11/NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra thực tế nhiều bất cập: "Phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có tỷ lệ thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ, nguồn cán bộ nữ hẫng hụt, ở một số lĩnh vực, tỷ lệ cán bộ nữ sụt giảm". Cũng bởi thế, Nghị quyết số 11 đã đề ra mục tiêu: "Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ".
Đến năm 2018, Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới đã khẳng định: "Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác cán bộ nữ".
Trên bình diện toàn cầu, một trọng tâm của các phong trào thúc đẩy nữ quyền, giải phóng phụ nữ là phải gia tăng được số lượng phụ nữ tham gia chính trị, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ có thể đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý, cả trong khu vực công và khu vực tư nhân. Ở đây, việc đề ra các chỉ tiêu nữ giới tham gia chính trị, đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo là một nét riêng của chúng ta so với nhiều quốc gia khác, một quyết tâm chính trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất.
Cải thiện được tỷ lệ phụ nữ tham chính, đặc biệt là số lượng phụ nữ trong vị thế nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ chính quyền sẽ không chỉ bảo đảm cho quyền, tiếng nói, và lợi ích của phụ nữ được hiện diện trong các quyết định chính sách, mà còn từng bước thay đổi hình ảnh, vị thế và mức độ ảnh hưởng của phụ nữ trong xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thời gian qua, chúng ta vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều, còn nhiều việc phải làm để thực hiện Nghị quyết số 11, qua đó tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới bình đẳng tham gia đóng góp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thiết nghĩ, cần coi việc đạt được các chỉ tiêu nêu ra trong Nghị quyết số 11 là một cơ sở bắt buộc để đánh giá mức độ thực hiện vai trò lãnh đạo của cá nhân người đứng đầu và tổ chức Đảng các cấp.
Với khu vực tư nhân, mặc dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực thi hành từ năm 2018, đã quy định nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nhưng các mục tiêu và biện pháp hỗ trợ chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Quy trình và thủ tục hỗ trợ phụ nữ cũng còn nhiều chồng chéo, dẫn đến khó thực thi. Trên phạm vi quốc gia, chúng ta cũng chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu phân tách giới để làm cơ sở cho hoạch định chính sách thúc đẩy nữ quyền.
Thể chế hóa chỉ tiêu nữ lãnh đạo chính là "biện pháp mạnh" để có thể đạt được các mục tiêu phát triển bình đẳng giới. Điều chúng ta cần làm trong thời gian tới là gia tăng thêm mức độ quyết liệt thông qua những ràng buộc trách nhiệm chính trị để thúc đẩy hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!