Tâm điểm
Tô Ngọc Doanh

Biết trước thưởng Tết

Trước Tết Giáp Thìn hơn một tháng, trong chỉ thị tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định. 

Có thể nói câu chuyện thưởng Tết ra sao, khi nào thì được nhận, tiền mặt hay sản phẩm tính giá trị tương đương luôn là đề tài được quan tâm hàng đầu trong thời gian cận Tết.

Các quy định hiện hành không định nghĩa cụ thể về thưởng Tết, mà chỉ có giải thích thưởng là số tiền, tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Biết trước thưởng Tết - 1

Thưởng Tết bên cạnh giá trị vật chất thì còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn với người lao động (Ảnh minh họa: HN)

Với người lao động, thưởng Tết bên cạnh giá trị vật chất thì còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn, bởi lẽ đây là niềm vui, nguồn động viên sau một năm lao động vất vả. Quan trọng hơn, mức thưởng còn là tín hiệu về "sức khỏe" của đơn vị và trở thành động lực cho năm tiếp theo.

Qua trải nghiệm của tôi ở các đơn vị sự nghiệp công lập cho thấy về cơ bản, hầu hết các cơ quan đều xây dựng thang điểm thưởng Tết với hai yếu tố chính là ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả hoạt động chuyên môn. Thang điểm này thường được bình xét tại cấp phòng, ban quản lý trực tiếp người lao động và có thể được thông qua tại hội nghị toàn cơ quan. Thang điểm thi đua gần như không thay đổi trong thời gian dài, nhưng mức thưởng cho người lao động hàng năm khác nhau do căn cứ vào kết quả kinh doanh của năm dương lịch để định ra hệ số thưởng (tạm gọi là hệ số K).

Với phương thức xây dựng như vậy, nếu trong năm, người lao động không đi muộn về sớm, chấp hành chỉ đạo của cấp trên trong công tác là lọt qua "vòng gửi xe" để tiếp đến xếp hạng chuyên môn. Kết quả bình xét sẽ định ra mức cao nhất sẽ được nhận mức thưởng tương đương K lần tháng thu nhập, sau đó mức thưởng giảm dần đều với những người có thành tích thấp hơn cho tới mức… "miễn thưởng" với những người không hoàn thành nhiệm vụ!

Tại khối doanh nghiệp thì cách thưởng Tết đa dạng hơn, nhưng cơ bản vẫn dựa vào kết quả làm việc. Các chủ doanh nghiệp mà tôi trò chuyện cho biết, ngay sau khi hệ số K được công bố, hầu hết người lao động trong công ty đã biết được thưởng Tết của bản thân, vấn đề đối với họ chỉ là thời điểm được nhận mà thôi.

Nhìn chung mức độ hoàn thành chỉ số đánh giá công việc (KPI) hàng tháng, hàng quý sẽ quyết định tiền thưởng cuối năm. Vì thế, với người lao động tại các doanh nghiệp thì "bắt tay làm việc ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu" không chỉ là khẩu hiệu có tính chất hô hào, mà đó thực sự là mệnh lệnh tự thân nhằm tích lũy thành tích qua từng tháng, từng quý để hái trái ngọt vào dịp Tết!

Tiền thưởng Tết là tấm gương phản chiếu chính xác năng lực làm việc, vậy nên cùng là nhân viên bán hàng (sale) của ngân hàng hay doanh nghiệp bất động sản, nhưng số tiền thưởng của mỗi người có thể chênh nhau hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Ai cũng hiểu rằng, với tính chất công việc như nhau, kết quả cao chính là thể hiện năng lực tốt và năng lực tốt đương nhiên sẽ được hưởng đãi ngộ tương xứng.

Tại những đơn vị có hệ thống KPI chính xác thì như vậy, tuy nhiên, tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, hoặc các cơ quan sự nghiệp có thu thì có một thực tế là, trong khi trung bình thưởng Tết thường thấp hơn khá nhiều so với khối doanh nghiệp nhưng đôi khi việc tính thưởng lại phức tạp hơn.

Ở một số đơn vị mà tôi từng chứng kiến, khi phân định mức thưởng, với những sáng kiến, đóng góp có thể lượng hóa thì tuyệt đối không có tranh luận. Tuy nhiên lại có những thành tích không thể lượng hóa, quy ra để hưởng hệ số thưởng như thế nào không đơn giản và nhiều khi phụ thuộc vào cảm tính.

Vì lẽ đó, có những cơ quan, họp thi đua "luận thưởng Tết" diễn ra suôn sẻ và chóng vánh, trong khi có cơ quan phải chuẩn bị đồ ăn nhẹ chống đói giữa chừng trong cuộc họp kéo dài, ý kiến ngược xuôi, xuất hiện cả bình luận thiếu tính chất xây dựng.

Từ thực tế trên, có thể thấy việc xác định mạch lạc, cụ thể chức năng, nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị không chỉ cần thiết ở cấp độ quản lý, mà còn giúp mô tả vị trí công việc ở cấp độ cá nhân người lao động một cách rõ ràng. Nghĩa là cơ quan, đơn vị sẽ giảm thiểu và dần không còn khái niệm "thành tích không thể lượng hóa" và đây là cơ sở để các buổi họp bình xét thi đua cuối năm trở nên đơn giản, nhẹ nhõm hơn.

Thiết nghĩ, cũng cần nói thêm rằng, khi bàn về thưởng Tết, chúng ta vẫn hay bàn từ "trên xuống", nghĩa là bàn câu chuyện mức thưởng mà cấp quản lý dành cho nhân viên là bao nhiêu. Trong khi đây là còn là câu chuyện từ "dưới lên", phụ thuộc vào mức độ nỗ lực, cống hiến của người lao động. Bởi vậy, một bạn trẻ tốt nghiệp đại học loại xuất sắc từng kể với tôi rằng, rất ngạc nhiên khi ngay buổi đầu phỏng vấn tuyển dụng, giám đốc công ty đã nói với bạn về mức lương hàng tháng, mức thưởng Tết và tổng thu nhập cả năm mà bạn có thể nhận được cũng như mức tăng hàng năm, với điều kiện môi trường vĩ mô ổn định và lĩnh vực công ty hoạt động không có biến động lớn. Sau một vài năm đi làm ngẫm lại, bạn mới biết "chẳng có gì phải ngạc nhiên", bởi thu nhập đó đã được định lượng kèm theo các tiêu chí và yêu cầu công việc rõ ràng.

Thưởng Tết khi đó là mục tiêu phấn đấu của mỗi cá nhân người lao động, chứ không còn là chuyện phải hồi hộp chờ đến cuối năm mới biết.

Tác giả: Ông Tô Ngọc Doanh có gần 30 năm công tác trong lĩnh vực báo chí, hiện là chuyên gia Truyền thông và Thương hiệu ngành ngân hàng.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!