Biến đổi khí hậu: Chuyện trên trời, chuyện dưới đất
Tôi sinh ra trong một gia đình có cả bố và mẹ làm trong ngành khí tượng thủy văn. Năm lớp 4, để tôi có hứng thú với môn Tiếng Việt, bố giao cho tôi nhiệm vụ sửa một bài báo mà ông viết, đăng trên báo Nhân dân bản giấy, rút gọn sao cho vừa khung báo. Nội dung bài viết chỉ đơn giản nói lên cảnh báo của các nhà khoa học rằng thủ phạm của một loạt vụ cháy rừng lớn trên thế giới có thể là El Nino - hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu.
Bài báo đấy là hạt giống đầu tiên thúc đẩy tôi trở thành một người hoạt động vì môi trường khi lớn lên, với nhận thức rằng, những thảm họa thiên nhiên sẽ có thể ngày càng trở nên trầm trọng.
Chuyện trên trời
Tháng 6 năm nay, El Nino quay trở lại. Việt Nam dự kiến phải đối mặt với những trận hạn hán khắc nghiệt. Trong quá khứ, chính El Nino là thủ phạm đã gây ra các đợt hạn mặn kỷ lục vào năm 2015 và 2019, thiệt hại hàng trăm nghìn hecta cây trồng, vật nuôi của nông dân Nam Bộ. Năm nay, El Nino được gọi là siêu El Nino, dự kiến tác động còn khốc liệt hơn.
Nhưng, El Nino dù sao vẫn chỉ là một hiện tượng thiên nhiên, dù khó dự đoán, nhưng vẫn có chu kỳ tăng giảm. Tại Việt Nam, dù cho El Nino chưa diễn ra, chúng ta đã phải đối mặt với những đợt nắng nóng bất thường đến mức khô cạn các hồ thủy điện, gây thiếu điện toàn miền Bắc từ tháng 4.
Thực tế, từ nhiều năm trở lại đây, bất kể có El Nino hay không, nhiệt độ toàn cầu vẫn luôn tăng. Trung bình nhiệt độ bề mặt trái đất năm 2020 ấm hơn 0,98 ⁰ C so với mức trung bình của thế kỷ 20 và 1,19 ⁰ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1880-1900). 10 năm nóng kỷ lục đều diễn ra sau năm 2005.
Nóng lên toàn cầu đã trở thành một hiện tượng tự diễn biến. Băng ở các cực tan ra làm giảm lượng nhiệt phản xạ lại vũ trụ, trái đất nóng lên và lại tiếp tục làm tan băng.
Không một quốc gia nào có thể duy trì phát triển trong bối cảnh những khó khăn trên trở nên ngày càng thường xuyên và trầm trọng. Khoa học đã chỉ ra rằng để có thể duy trì một hành tinh đáng sống và ngăn chặn các hậu quả không thể đảo ngược, chúng ta cần giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5⁰C so với mức tiền công nghiệp, và 2⁰C là hạn mức cuối cùng cho nhân loại. Hiện tại, Trái Đất đã ấm lên khoảng 1,1⁰C so với thế kỷ 19 và lượng khí thải vẫn tiếp tục gia tăng.
Năm 2015 là một năm đánh dấu bước tiến quan trọng của nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu khi tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 (COP21), các quốc gia đã thông qua một thỏa thuận đồng ý rằng phải giới hạn mức nhiệt ở 1,5⁰C, điều này đồng nghĩa với việc phát thải khí nhà kính toàn cầu phải giảm xuống 45% vào năm 2030 và đạt mức trung hòa vào năm 2050. Một hành trình kéo dài 21 năm chỉ để có một mục tiêu thống nhất.
Chuyện dưới đất
Nóng lên toàn cầu như một khoản thuế ngày càng nặng đè lên vai mỗi người dân, và các hiện tượng như El Nino chỉ là một trận ốm bất thường vài năm lại phải tốn phí mua thuốc một lần. Biến đổi khí hậu không chừa một ai, dù rằng, có những người phải chịu ảnh hưởng lớn hơn những người khác.
Không khó để nhận thấy, khi bão lũ, hạn hán, cháy rừng, mất điện xảy ra, nông dân và người nghèo sẽ là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất. Dù trẻ hay già, bất cứ người trưởng thành nào trong đất nước chúng ta cũng trải nghiệm qua cảm giác khi giá lương thực tăng, giá điện tăng, giá xăng tăng, nắng nóng kéo dài, thiếu nước đi kèm mất điện.
Cách ứng phó chung với các khó khăn quay đi quẩn lại ở hai chữ "phòng" và "chống". Để làm suy yếu đà tăng của nóng lên toàn cầu, mọi hành động đều xoay quanh mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Để đạt được sự giảm lượng khí thải cần thiết, chúng ta cần thực hiện một cuộc chuyển đổi toàn diện trong các lĩnh vực khác nhau.
Lĩnh vực năng lượng, gây ra một phần lớn lượng khí thải, phải nhanh chóng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch. Dự kiến, để đạt mục tiêu giảm phát thải, 80% năng lượng thế giới phải được tạo ra từ năng lượng tái tạo vào năm 2050. Trong khi đó ở Việt Nam, chúng ta vẫn cứ loay hoay mãi chuyện giá cả để rồi cả trăm dự án điện gió, điện mặt trời không thể hòa vào lưới điện.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo hay các dự án trồng rừng không phải là câu chuyện xa vời với mỗi người dân. Thị trường chứng khoán có thể là một nơi mỗi cá nhân thể hiện quan điểm và niềm tin của mình về các xu hướng của xã hội.
Giá trị của các công ty dầu mỏ có thể tăng đột biến trong thời kỳ khan hiếm, nhưng những doanh nghiệp có khả năng sản xuất bền vững và thích nghi tốt sẽ ngày càng trở nên có giá trị về lâu dài. Cổ phiếu ngành thủy điện trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng tốt so với trung bình của thị trường, và vẫn duy trì phong độ kể cả với những biến động lớn trong năm qua. Một ví dụ khác là thị trường xe điện không chỉ trên thế giới mà ở Việt Nam cũng ngày càng sôi động với nhiều nhà sản xuất mới, trong khi các hãng xe công nghệ như Grab, GoJek đều thử nghiệm bổ sung xe điện vào dịch vụ của hãng.
Không chỉ năng lượng, nhiều ngành khác như nông nghiệp, giao thông vận tải… cũng sẽ dần biến đổi để thích nghi, tồn tại trong bối cảnh thách thức và áp lực do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng gia tăng.
Chuyện mỗi người
Biến đổi khí hậu vẫn luôn là đề tài xa vời với mỗi cá nhân, đó là lý do vì sao mà tôi đặt tiêu đề của bài viết là "chuyện trên trời, chuyện dưới đất". Đa phần chúng ta đều cảm thấy mình thật nhỏ bé khi nói đến những vấn đề mang tính toàn cầu như vậy. Dù rằng, nếu mỗi cá nhân đều bớt dùng đồ nhựa một lần, quyên góp trồng chục cái cây mỗi năm, hỗ trợ nhiều hơn cho các nông sản bản địa thay vì nhập khẩu, ưu ái cho giao thông công cộng nhiều hơn, gộp hàng triệu hành động nhỏ của mỗi cá nhân, chắc chắn đó sẽ là một kết quả khổng lồ.
Tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta đều có thể suy nghĩ về điều mình có thể làm. Khi lường trước một tương lai khó khăn đang tới gần, loài người vẫn có hy vọng thoát khỏi kịch bản tồi tệ sẽ xảy ra nếu đoàn kết hành động cho một mục tiêu chung.
Xin trích lời được cho là cách ngôn của người da đỏ Cree thay cho kết bài:
"Chỉ sau khi cái cây cuối cùng bị đốn xuống,
Chỉ sau khi dòng sông cuối cùng bị nhiễm độc,
Chỉ sau khi con cá cuối cùng bị đánh bắt,
Thì chúng ta mới biết được rằng tiền không ăn được."
Tác giả: Hoàng Đức Minh từng là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất năm 2014 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn (Forbes Việt Nam 30 Under 30 năm 2015). Anh hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sáng lập và giữ vị trí giám đốc RAECP - tổ chức nâng cao nhận thức về môi trường và biến đổi khí hậu khi mới 18 tuổi; từng tham gia Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu toàn cầu năm 2009 tại Copenhagen tại Đan Mạch với vai trò đại biểu.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!