Cái gì đến sẽ đến, đừng chỉ vì "nước trong không có cá"

Bích Diệp

(Dân trí) - Đã là quy luật, đã là sự vận động tất yếu của tiến trình phát triển, dù muốn hay không, sớm hay muộn cũng sẽ tiến đến chuyển đổi số, ai không thích nghi nổi sẽ bị gạt ra khỏi guồng máy mà thôi!

Cái gì đến sẽ đến, đừng chỉ vì nước trong không có cá - 1

Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử...

Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số là một sự kiện đáng chú ý diễn ra cuối tuần qua. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ quan điểm về vai trò của chuyển đổi số, định hướng của Chính phủ để tăng tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam. Ông khẳng định, chuyển đổi số là một yêu cầu khách quan, là xu hướng toàn cầu, không riêng Việt Nam. 

Có lẽ nhiều độc giả bắt đầu cảm thấy nội dung bài viết này của tôi tương đối khô khan và phần nào… khó đọc, khó vào. Nhưng phải sớm nói, chính những khái niệm tưởng "ở đẩu ở đâu" này sẽ giải phóng chúng ta khỏi rất nhiều vấn đề quẩn quanh của hiện tại: những tiêu cực trong thủ tục hành chính cho đến những va chạm cuộc sống, ảnh hưởng tới cách ta làm việc, quyết định "bát cơm" của chúng ta sau này (mà có thể là một tương lai gần, rất gần, ngay trước mắt).

"Chuyển đổi số" thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud computing)…

Và vượt ra ngoài phạm vi doanh nghiệp, chuyển đổi số cũng làm thay đổi một cách sâu sắc phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa tại những tổ chức, cơ quan khác trong xã hội như quản lý nhà nước, truyền thông đại chúng, y học, khoa học...

Tôi còn nhớ cách đây gần 5 năm, khi tới văn phòng làm việc của một vị lãnh đạo cao cấp, ông hồ hởi giới thiệu với tôi về hệ thống quản lý, theo dõi công việc mà ông vừa áp dụng nơi cơ quan ông đang phụ trách. Phòng làm việc gần như không có giấy tờ, chỉ có một màn hình lớn treo tường, một máy tính, một bộ chuột, bàn phím điều khiển, trên màn hình hiển thị tiến độ giải quyết công văn đến, công văn đi… của tất cả nhân sự ở các phòng, ban.

Đến khoảng một năm trước, anh bạn tôi là giám đốc một trung tâm quản lý đất, bình thường rất bận rộn bỗng lại chủ động hẹn gặp ăn trưa. Hóa ra, bạn khoe với tôi rằng đã có thể quản lý nhân sự và xử lý được công việc từ xa, chỉ bằng một cái điện thoại thông minh.

"Ai làm việc, ai không chịu làm hoặc không có năng lực làm việc, tất cả đều thể hiện qua hiệu suất trên này, không chối, không lẫn, không quên đầu việc đi đâu được cả" - vị giám đốc 30 tuổi cho tôi biết.

Có thể những ý tưởng này không mới, nhưng để áp dụng cho một tổ chức, một doanh nghiệp, đặc biệt cho một cơ quan Nhà nước thì đó là cả một đột phá, một cuộc cách mạng.

Trong điều kiện bình thường, thật khó để người ta có động lực thay đổi, vì đã là thay đổi thì sẽ tác động đến hệ thống, đến rất nhiều cá nhân, và sẽ có va chạm. Thế nhưng, khi Covid-19 bùng lên, chấp hành giãn cách, các tổ chức chính trị - xã hội, các thành phần kinh tế buộc phải chuyển đổi số dần dần để thích nghi và tồn tại, chứ không để giãn cách thì công việc cũng tê liệt.

Cuộc sống vẫn trôi, dịch giã vẫn đó, con người vẫn phải sống, mọi công việc vẫn phải vận hành. Người dân vẫn có thể mở tài khoản ngân hàng, chứng khoán online, giao dịch mua sắm trực tuyến, làm việc tại nhà qua internet thay vì đến công sở. Mỗi cú nhấp chuột, mỗi thao tác đặt lệnh đều lưu vết lại trong hệ thống. Có những thời điểm, ở một số ngành nghề, lĩnh vực, người ta lại thấy việc giãn cách còn đẩy hiệu suất công việc lên, bớt được thời gian kẹt xe trên đường hay buôn chuyện nơi công sở…

Từ năm 2017, nghiên cứu của Microsoft đã cho thấy, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%; đến năm 2020, con số này là 21%.

Riêng với bộ máy hành chính nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Lợi đủ đường nhưng vì sao quá trình chuyển đổi số không phải lúc nào cũng thuận lợi? Không hẳn do kỹ thuật, hạ tầng, kinh phí mà có lẽ ở đâu đó một phần do ý chí. Đổ lỗi cho ngại thay đổi, ngại học hỏi hay lý do năng lực chỉ một phần thôi, đơn giản là "đục nước" mới "béo cò", "nước trong không có… cá".

Vẫn còn một bộ phận cán bộ trong Nhà nước và các doanh nghiệp không ưa thích sự đổi mới và minh bạch, rõ ràng, họ ưa thích cái cũ, đúng hơn là ưa thích môi trường mập mờ.

Dẫu vậy, đã là quy luật, đã là sự vận động tất yếu của tiến trình phát triển, dù muốn hay không, sớm hay muộn cũng sẽ tiến đến chuyển đổi số, ai không thích nghi nổi sẽ bị gạt ra khỏi guồng máy mà thôi!