Băn khoăn "cường quốc điện gió, vẫn phải nhập khẩu điện"
Những ngày đầu hè năm nay thời tiết nắng nóng hơn các năm trước, có những nơi đã thiết lập kỷ lục mới về nhiệt độ ban ngày. Dư luận cũng "nóng" với chuyện tăng giá điện, cắt điện ở một số địa phương. Trên nghị trường, trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi: Điện tái tạo chưa huy động, vì sao tăng mua từ Lào, Trung Quốc?
Thực ra nói điện tái tạo chưa huy động thì không hoàn toàn chính xác, vì thời gian vừa qua, nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư, đưa vào sử dụng. Theo báo cáo của EVN, tính đến năm 2022, tỷ lệ huy động năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đạt 13,15 tỷ kWh, chiếm 15,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo, còn nhiều dự án đã được doanh nghiệp đầu tư nhưng chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Vừa qua trong văn bản gửi tới Thủ tướng mà báo chí đã đưa, các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió cho biết trong những năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có 84 dự án điện tái tạo với công suất khoảng hơn 4.676 MW đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch (các dự án chuyển tiếp).
Trong số các dự án chuyển tiếp này, hiện có 34 dự án (bao gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời), với tổng công suất phát điện hơn 2.000 MW đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy, vượt qua giai đoạn thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện lên lưới, nhưng các nhà đầu tư phải nằm chờ "cơ chế" giá phát điện.
Liên quan đến việc đàm phán giá bán điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng xong chưa được vận hành, mới đây Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có kết luận, yêu cầu các bộ ngành liên quan giải quyết theo đúng quy trình, thủ tục và quy định. Hy vọng vấn đề trên sẽ sớm được giải quyết.
Còn về việc nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc thì 2023 không phải năm đầu tiên mà đã nhập từ nhiều năm nay; trong đó với Trung Quốc, chúng ta bắt đầu nhập khẩu điện từ năm 2004, đến nay mua bán điện giữa hai bên diễn ra qua ba điểm đấu nối ở Lào Cai, Hà Giang và Móng Cái.
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương lúc đó cũng đã trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến việc mua điện từ Trung Quốc, Lào. Cụ thể, quy mô nhập khẩu điện dự kiến đến năm 2025 cũng chỉ chiếm khoảng 3% nhu cầu điện năng và có một số nguyên tắc để đảm bảo an ninh năng lượng.
Cũng theo trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công Thương tại kỳ họp nêu trên, hiện Việt Nam mua điện của Lào và của Trung Quốc đều ở mức giá điện thấp hơn mức giá thành sản xuất nhiệt điện ở Việt Nam, nghĩa là dưới 7 UScents/kWh. Ngoài ra, các dự án nhập khẩu điện phải thuận lợi và đáp ứng được yêu cầu về đấu nối, kết nối với hệ thống hạ tầng, không đòi hỏi phải đầu tư những nguồn lực lớn…
Như vậy, theo các thông tin công khai chúng ta có thể tiếp cận được, việc nhập khẩu điện không phải biện pháp nhất thời mà nằm trong số các giải pháp dài hạn để đảm bảo cung ứng điện, nhất là trong những tháng mùa hè khó khăn về nguồn của hệ thống điện phía Bắc. Việc nhập khẩu điện có lợi thế về giá và không đòi hỏi đầu tư lớn về hạ tầng (kết nối, truyền tải).
Điều này cũng đồng nghĩa rằng để huy động được tối đa nguồn từ các dự án năng lượng tái tạo, qua đó giảm nhập khẩu điện thì chúng ta phải giải quyết rất nhiều vấn đề, trong đó có hai việc trước mắt: một là, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành; hai là, đầu tư mới hoặc nâng cấp hạ tầng để truyền tải điện từ các dự án năng lượng tái tạo ở phía Nam ra các tỉnh miền Bắc.
Sang năm (2024) chúng ta sẽ kỷ niệm tròn 30 năm đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam đi vào hoạt động. Đó là một kỳ tích của ngành điện lực Việt Nam nhờ sự quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cả một bộ máy từ người đứng đầu Chính phủ khi đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đến Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải và toàn ngành điện lực nước nhà một thời.
Đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 được đưa vào vận hành tháng 5/1994, cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu điện của Nam Bộ. Sau khi đóng điện, đã đưa vào vận hành máy biến áp 500 kV tại Đà Nẵng (tháng 9/1994) và Pleiku (tháng 11/1994), tình hình cung cấp điện cho Trung Bộ cũng được giải quyết căn cơ.
Trong những ngày thời tiết nắng nóng và nhiều chuyện "nóng" liên quan đến ngành điện, tôi lại nhớ đến câu chuyện về đường dây 500 kV và tầm nhìn xa trông rộng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nhiều chuyên gia trong đó có nguyên Bộ trưởng Công nghiệp Đặng Vũ Chư nói với tôi rằng nếu như chúng ta không chủ động xây dựng các dự án năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng thì Việt Nam đã thiếu điện nghiêm trọng từ nhiều năm trước chứ không phải duy trì được như hiện nay, chỉ nhập khẩu lượng nhỏ. Vấn đề là ngoài các dự án điện gió, điện mặt trời như chúng ta đã biết thì nguồn điện mới được xây dựng, đưa vào vận hành trong những năm qua rất ít, nghĩa là chúng ta phát triển nguồn điện chưa đáp ứng yêu cầu.
Kinh tế phát triển tất yếu nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng. Muốn không thiếu điện phải có tầm nhìn xa và dám nghĩ, dám làm. Câu chuyện về đường dây 500 kV vẫn còn nguyên tính thời sự.
Tác giả: Ông Nguyễn Quốc Phong từng có thời gian là người lính. Cả trước khi nhập ngũ cũng như trong quân đội và sau khi chuyển ngành, ông đều công tác trong lĩnh vực báo chí. Ông là cựu Phó tổng biên tập báo Thanh Niên.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!