Tâm điểm
Bích Diệp

Cắt điện ngày nắng nóng

Vừa bước vào mùa hè, người tiêu dùng đón nhận tin tăng giá điện và sau đó là tình trạng cắt điện luân phiên ở nhiều nơi.

Việc cắt điện trong những ngày nắng nóng đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Quê tôi ở Nghệ An "chảo lửa miền Trung" với "đặc sản" gió Lào (phơn Tây Nam) cực kỳ nóng, rát. Chúng tôi vẫn đùa nhau rằng, vào những ngày nóng đỉnh điểm, gió Lào thổi rạc bờ tre mà kèm theo cúp điện thì chẳng khác nào đang ngồi trong "lò luyện đơn" vậy.

Theo giải thích của Bộ Công Thương, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn cung ứng điện là hiện nhiều hồ thủy điện đã xuống dưới mực nước chết.

Năm ngoái, nhờ điều kiện thuận lợi nên thủy điện làm việc hết công suất, tỷ trọng thủy điện trong cơ cấu sản lượng điện năng toàn hệ thống tăng lên mức 35,4% (so với mức 30,6% của năm 2021); ngược lại, tỷ trọng nhiệt điện than giảm còn 39,1% (so với mức 46% của năm trước).

Thế nhưng sang năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến ngày 11/5 đã có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước về mực nước chết hoặc gần mức nước chết và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của Quy trình vận hành liên hồ chứa.

Cắt điện ngày nắng nóng - 1

Mùa khô năm nay, mực nước ở hồ Trị An (Đồng Nai) xuống thấp kỷ lục, phần lớn diện tích hồ khô nước, trơ đáy (Ảnh: Hoàng Bình)

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện có xu hướng tăng cao, đặc biệt trong tháng 5 và các tháng 6, 7 tới đây. Ghi nhận hệ thống cho thấy, vào ngày 6/5, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần và ngay sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 nhưng nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới, xấp xỉ 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5/2022. Công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ.

Nguồn cung từ thủy điện khó khăn trong khi cầu tăng, lẽ đương nhiên, phía doanh nghiệp sẽ phải tăng cường những nguồn có chi phí đắt đỏ hơn. Báo cáo tình hình "nguy cấp" trong cung cấp điện, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, với tình trạng thủy điện thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất điện, các nguồn than, khí cho sản xuất điện chưa được đảm bảo, nhập khẩu điện khó khăn, trong một vài thời điểm, tập đoàn này đã phải huy động nguồn chạy dầu có giá thành rất cao. Nói cách khác, chi phí đầu vào của EVN sẽ tiếp tục bị đội lên.

Tư duy một cách đơn giản là áp lực tăng giá điện vẫn còn đó khi mà năm 2022 EVN đã báo lỗ hơn 26.000 tỷ đồng và việc giá điện bán lẻ tăng thêm 3% vừa qua chưa thể giải quyết được toàn bộ các khoản lỗ cũng như bù đắp chi phí. Trong tình thế khó khăn đó, việc cắt điện luân phiên ở nhiều nơi vẫn diễn ra bởi chúng ta đang thiếu điện.

Một trong những nút thắt ở đây là EVN độc quyền thị trường điện bán lẻ nhưng doanh nghiệp không được tự quyết giá. Trong tình huống thiếu điện, nguồn thủy điện giá rẻ gặp khó, cung ứng than không đủ thì EVN phải mua điện từ các nguồn giá cao và sản lượng điện bán ra càng nhiều doanh nghiệp sẽ càng lỗ lớn. Còn nếu để EVN tự quyết giá trong khi giữ vị thế độc quyền bán lẻ, giá điện khó mà giữ được vai trò kiềm chế lạm phát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô do điện là đầu vào quan trọng của hầu hết ngành nghề và mọi người dân đều dùng điện.

Thế nhưng, điều công chúng băn khoăn là thị trường bán buôn điện đã cạnh tranh và trên thực tế có rất nhiều dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã hoàn thành nhưng phải "nằm chờ", gây lãng phí lớn.

Trong văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng, 36 nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo cho hay, những bất cập trong cơ chế giá phát điện với điện gió, điện mặt trời làm cho 34 nhà máy điện đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN.

34 dự án này bao gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất phát điện 2.090,97 MW, đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy, vượt qua giai đoạn thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện lên lưới, nhưng các nhà đầu tư phải nằm chờ cơ chế giá phát điện - cơ sở để nhà đầu tư các nhà máy và EVN thỏa thuận giá mua bán điện. Có 6 nhà máy điện mặt trời đã nằm chờ cơ chế hơn 26 tháng và 28 nhà máy điện gió phải nằm chờ cơ chế khoảng 16 tháng.

Vậy là, trong khi người tiêu dùng thiếu điện, thậm chí đầu tàu kinh tế TPHCM còn phải đề nghị công chức hạn chế mặc áo vest, đồ trang trọng khi làm việc, dự họp… thì từ phía cung, một lượng điện lớn chưa thể phát lên lưới.

Chưa kể, tổng vốn đầu tư 34 dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không bán được điện lên hệ thống điện quốc gia theo tính toán của các nhà đầu tư lên tới khoảng 85.000 tỷ đồng, trong đó có 58.000 tỷ đồng là vốn vay ngân hàng. Tình thế này khiến các nhà đầu tư phải đối mặt với nguy cơ vỡ phương án tài chính dự án, nợ xấu doanh nghiệp gia tăng, ngân hàng khó thu hồi vốn.

Về lâu dài, nếu cơ chế giá bán điện gió, điện mặt trời không đạt hiệu quả sẽ dẫn đến việc dừng hoặc chậm đầu tư các dự án điện, dẫn tới không bảo đảm an ninh năng lượng, khó thực hiện được các cam kết về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ.

Một sự lãng phí khủng khiếp!

Tin vui là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây đã có chỉ đạo khắc phục tình trạng nêu trên. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương sửa đổi Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022 về phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 quy định về khung giá cho các dự án này.

Bộ Công Thương cũng được giao nghiên cứu thêm phương pháp tính toán giá, thực hiện kiểm toán độc lập, thống nhất mức lợi nhuận có thể chấp nhận, đảm bảo động lực đầu tư cho doanh nghiệp.

Việc lãnh đạo Chính phủ yêu cầu gỡ khó cho dự án điện tái tạo chuyển tiếp, và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được phê duyệt là những chuyển động chính sách đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp sau thời gian dài chờ đợi. Trong đó, tiến hành đàm phán theo giá tạm tính với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng và có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia sẽ tăng thêm nguồn cung ứng, khắc phục phần nào tình trạng thiếu điện trong những ngày nắng nóng như hiện nay. 

Cũng liên quan đến năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Thực tế tại nhiều địa phương thời gian qua cũng đã cho thấy điện mặt trời mái nhà mang lại hiệu ứng tích cực, hy vọng thời gian tới cơ quan quản lý sẽ có những chính sách phù hợp để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên.

Đứng từ góc độ người tiêu dùng, chúng ta hiểu rằng, tiết kiệm điện vẫn là hành động cần sự nhất quán ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi trường hợp - cả khi đã đủ điện huống hồ là lúc còn thiếu như bây giờ.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!