Ám ảnh mất điện
Nhiều quận trung tâm Hà Nội, TP Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc vừa "nếm trải" việc mất điện đột ngột, điện áp tăng vọt vào đầu giờ chiều 4/7. Thời gian mất điện chỉ trong khoảng 30 phút, nhưng diễn ra giữa lúc nắng nóng cao điểm đã không khỏi khiến nhiều người toát mồ hôi, cả vì thời tiết lẫn vì lo lắng việc mất điện tái diễn.
Với một hệ thống điện quy mô lớn và lâu nay vận hành khá ổn định như ở Việt Nam thì việc mất điện diện rộng không bao giờ chỉ có một nguyên nhân. Nó là tổng hòa của nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất là tiết trời nắng nóng cao điểm ở miền Bắc, mọi người tăng cường sử dụng điện. Khi chúng ta cùng bật điều hòa thì điện tiêu dùng sẽ tăng vọt chứ không phải tăng từ từ, dẫn đến áp lực lớn đột ngột với hệ thống.
Thứ hai, vấn đề căn cơ hơn là việc phát triển nguồn điện của chúng ta bị chậm. Trong khoảng 5 - 10 năm trở lại đây, một số nguồn điện mới bị chậm tiến độ so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhất là những nhà máy công suất trên 1.000 MW. Ví dụ như nhiệt điện Thái Bình 2; Long Phú 1 chậm; Vũng Áng 3; Vĩnh Tân 3 bỏ hẳn… Chúng ta đã phát triển được một số nguồn điện nhanh để bù lại, như điện mặt trời, điện gió. Nhưng hai nguồn điện này phụ thuộc vào thời tiết nên có thể dẫn đến tình huống khi cần không huy động được.
Thứ ba, năm nay tình hình thế giới khiến giá dầu mỏ và than tăng cao. Nếu than tăng giá kéo dài, áp lực tăng giá điện sẽ rất lớn, hoặc không đủ tiền nhập than gây thiếu hụt nhiên liệu.
Thứ tư, như EVN đã thông tin, do thời tiết nắng nóng làm tiêu thụ điện tăng cao và "một số tổ máy phát điện bị sự cố gây dao động điện áp, gây gián đoạn cung cấp điện". Trời nắng nóng sẽ làm cho một số tổ máy phát điện giảm công suất vì nước làm mát bị nóng lên. Ngay cả với điện mặt trời, tưởng như nắng nóng là tốt nhưng nhiệt độ không khí cao quá sẽ ảnh hưởng đến công suất của trạm điện.
Thứ năm là vận hành, thông thường các đơn vị liên quan đến hệ thống điện sẽ cố gắng vận hành đến mức tối đa để phục vụ khách hàng, khi có sự cố thì xử lý không kịp. Ví dụ, ngành điện thường sẽ có sự phối hợp, trao đổi trước với các cơ sở sản xuất kinh doanh, chung cư lớn… về việc chuẩn bị máy phát điện dự phòng chạy diesel, lúc cao điểm bật máy diesel chạy trong 1-2 giờ để qua đỉnh phụ tải. Nhưng có thể xảy ra trường hợp tổ máy, trạm biến áp bị rớt bất ngờ dẫn đến điều hành không kịp.
Thực ra các vấn đề trong đáp ứng nhu cầu điện toàn quốc giai đoạn 2022 - 2025 đã được nhìn thấy trước. Năm nay, theo kịch bản phụ tải cơ sở của EVN thì nhu cầu điện tăng trưởng gần 9%. Tuy nhiên, kịch bản tăng trưởng phụ tải cao đến 11,5% cũng có thể xảy ra nếu kinh tế phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trước đại dịch Covid-19. Theo số liệu ngành thống kê cung cấp, GDP quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 10 năm 2011-2021; 44/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng trên 6%.
Ngay cả với kịch bản phụ tải cơ sở, tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc của EVN cho thấy: Việc đảm bảo cung ứng điện mùa hè năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng sản lượng điện cả năm không thiếu, nhưng công suất sẽ thiếu hụt tại một số thời điểm, đặc biệt trong đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc - nơi nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Khu vực miền Trung, miền Nam cơ bản sẽ đáp ứng cung ứng điện trong cả giai đoạn 2022 - 2025, nhưng vẫn có thể thiếu điện nếu xảy ra kịch bản cao, hoặc các nguồn điện lớn bị chậm tiến độ.
Với xu thế biến đổi khí hậu những năm gần đây, thời tiết năm sau luôn nóng hơn năm trước. Vì vậy, mùa hè năm nay và ba năm tới sẽ tiếp tục căng thẳng về cung cấp điện. Đây là điều đáng lo ngại khi nhiều năm nay chúng ta vận hành hệ thống có công suất đặt chỉ hơn phụ tải đỉnh vào ngày nóng độ 10-20%, tức là không có dự trữ.
Muốn tìm giải pháp thì phải nhìn vào nguyên nhân. Trước hết là chúng ta cần tập trung phát triển các nguồn điện mới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các nhà máy phát điện lớn. Việc sớm ban hành quy hoạch điện VIII sẽ tạo hành lang pháp lý cho phát triển nguồn điện. Trong quy hoạch này chúng ta cần quan tâm hơn đến các nguồn lớn và chủ động, ví dụ muốn phát triển điện gió và điện mặt trời thì song song phải phát triển điện khí công suất tương đương để hỗ trợ lẫn nhau. Nghĩa là phải tăng công suất điện khí trong Quy hoạch VIII. Tuy nhiên, điện khí đang vướng về giá và có ý kiến cho rằng đây vẫn là nhiên liệu hóa thạch, trong khi đó Việt Nam đang đặt mục tiêu giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hydrogen được cho là nhiên liệu sạch phù hợp với mục tiêu này, nhưng giá rất đắt và có lẽ là nguồn nhiên liệu của tương lai, còn hiện tại thì chưa thể trông mong gì.
Giá điện cũng là một vấn đề. Giá than nhiệt nhập khẩu hiện khoảng 4.000 đồng/kg, một kg than làm được 2 hoặc 2,5 đến 3 kWh. Như vậy rõ ràng giá điện hiện không khuyến khích các nhà máy nhiệt điện tăng cường phát điện vì càng phát càng lỗ. Việc tăng giá điện là vấn đề khó chấp nhận, nhưng lâu dài là bài toán cần có lời giải nếu muốn cải thiện hệ thống và có nguồn điện dự trữ tốt hơn.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần tính tới giải pháp điện hạt nhân. Đầu tư nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi số vốn ban đầu lớn, giá điện cao, song lợi thế đảm bảo an ninh năng lượng là rất rõ ràng. Một lần nhập khẩu nhiên liệu điện hạt nhân có thể dùng 1 đến 2 năm, nếu có dự trữ thì chạy lò được đến mấy năm, không như điện than hay điện khí tuần nào cũng phải lo có tàu cập cảng.
Cung ứng điện ở Việt Nam đã có bước tiến dài trong khoảng 30 - 40 năm trở lại đây. Với người dân ở miền Bắc trong thập niên 1960 - 1970 thì thời gian mất điện là chính, có điện mới đáng nhớ. Đến thập niên 1980, nhà nhà đều có survolteur, điện yếu vặn lên, điện khỏe vặn xuống. Từ khi có thủy điện Sông Đà thì tình hình cung ứng điện thay đổi hẳn.
Thập niên 1990, chuyển sang điện 220V, nhà nhà lắp công tơ riêng, các cục survolteur dần biến mất, người dân chuyển qua dùng ổn áp cho một vài thiết bị cần thiết. Trong khoảng 10 - 20 năm trở lại đây, nguồn ổn định và ít khi bị mất điện, thời gian mất điện/năm quá ít nên người dân không còn thói quen dùng ổn áp nữa. Nhiều người đã quên bẵng nỗi ám ảnh "mất điện" trước đây. Nhưng tình trạng mất điện diện rộng ở miền Bắc chiều 4/7 là lời nhắc nhở rằng, nếu không "nhanh chân" thì chúng ta lại có thể đối diện với tình trạng căng thẳng cung cấp điện không chỉ trong mùa hè năm nay.
Tác giả: Kỹ sư Đào Nhật Đình là chuyên gia về năng lượng và môi trường. Ông từng học về môi trường tại Viện Công nghệ châu Á và kỹ thuật hóa dầu tại Đại học Công nghiệp Dầu khí Quốc gia Azerbaijan. Hiện ông là thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!