Bài báo khoa học bị rút: đạo đức và tính chuyên nghiệp
Trong thế giới khoa học hiện nay, việc một nhà khoa học có bài báo bị rút thường bị ngầm hiểu gắn liền với các lỗi vi phạm đạo đức như ngụy tạo dữ liệu, đạo văn, quá trình phản biện bị thao túng, gian lận về danh sách tác giả... Điều này nếu đúng thì từ phía nhà khoa học, việc công khai, minh bạch thừa nhận các lỗi của mình với các đơn vị chức năng là điều đương nhiên.
Tuy nhiên, phân loại kể trên lại chưa bao trùm được hết các lý do; bởi trong thực tiễn nghiên cứu, vẫn có những lý do khác nằm ngoài phạm vi đạo đức. Xin kể ra 2 tình huống tiêu biểu:
1. Một nhóm tác giả có bài báo được công bố. Nhưng sau đó khi đọc lại bài, nhóm tác giả nhận thấy trong tính toán, phân tích có một số chỗ nhầm lẫn mà khi phản biện, cả ban biên tập lẫn phản biện cũng không phát hiện ra. Nhóm tác giả quyết định gửi thư cho Ban biên tập đề nghị rút bài.
2. Một nhóm tác giả trong quá trình trả lời phản biện của ban biên tập, có nhờ đến sự hỗ trợ, góp ý của một nhà nghiên cứu khác. Sau đó, khi gửi lại bản thảo bài báo, có đề nghị ban biên tập bổ sung thêm nhà nghiên cứu đã tham gia hỗ trợ, góp ý trả lời phản biện. Ban biên tập đồng ý nhưng quên hướng dẫn nhóm tác giả làm đơn theo quy trình hướng dẫn của nhà xuất bản. Sau đó, trong quá trình hậu kiểm, nhà xuất bản phát hiện ra thiếu sót này và ban biên tập sau đó ra quyết định rút bài. Tất nhiên nhóm tác giả không đồng ý với quyết định này nhưng họ cũng không thể làm gì hơn vì quyết định cuối cùng vẫn thuộc về ban biên tập và nhà xuất bản.
Rõ ràng ở cả 2 trường hợp trên lý do bài bị rút không hoàn toàn liên quan đến lỗi đạo đức. Trường hợp thứ nhất thuần túy là lý do chuyên môn. Còn với trường hợp thứ hai, lỗi (hành chính chứ không phải đạo đức) thực ra nằm ở ban biên tập nhưng cuối cùng nhóm tác giả lại là những người gánh hậu quả.
Trong một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Learned Publishing vào năm 2020, TS Vương Quân Hoàng (Trường Đại học Phenikaa) đã khảo sát 2.046 bài báo khoa học bị rút trên toàn thế giới trong giai đoạn 1975 - 2019 được công bố thông tin trên website Retraction Watch (website chuyên theo dõi các bài báo bị rút) đã phát hiện ra một số thông tin thú vị.
Theo đó, trong 2.046 bài bị rút, có 301 bài xuất phát từ yêu cầu của tác giả, chiếm 15% - tương ứng với trường hợp 1 như đã trình bày ở trên. Bên cạnh đó, có tổng cộng 421 bài, chiếm 21% bị rút theo quyết định đơn phương từ Ban biên tập hoặc Nhà xuất bản. Trong 421 bài này, rất có thể sẽ có những bài rơi vào trường hợp số 2 kể trên, nghĩa là không có sự đồng thuận của nhóm tác giả; và rất có thể có nhiều trường hợp là tác giả bị oan, lỗi có khi lại chính là ban biên tập/nhà xuất bản.
Mặc dù vậy, như đã nói từ đầu bài, trong phần lớn các trường hợp bị rút bài, bản thân cộng đồng học thuật nói riêng cũng như công chúng nói chung thường luôn ngầm cho rằng lỗi đương nhiên thuộc về nhóm tác giả và đương nhiên lỗi là lỗi đạo đức. Thực trạng này đặc biệt đúng ở các nền khoa học đang phát triển như ở Việt Nam - nơi các quy chuẩn, quy định về quản lý khoa học vẫn chưa được đầy đủ, hoàn thiện; nơi một bộ phận công chúng cũng chưa hiểu đầy đủ về bản chất của việc rút bài này.
Nhận thấy đây là một vấn đề không chỉ có tác động với từng trường hợp cụ thể (các cá nhân có bài bị rút), mà còn có khả năng tác động chung đến sự phát triển cả cộng đồng học thuật, trong những năm gần đây, trên thế giới đã xuất hiện khá nhiều cuộc thảo luận về việc làm sao có được một cách nhìn nhận, đánh giá phù hợp nhất, chuyên nghiệp nhất về chủ đề này.
Trong một bài viết trên blog Social Science Space tháng 7 năm nay, TS. Tim Kersjes - trưởng bộ phận đạo đức nghiên cứu của Nhà xuất bản Springer Nature đã có một nhận định mà tôi rất đồng ý. Theo đó, TS. Kersjes cho rằng, hệ thống xác định và công khai thông tin về bài báo bị rút cần phải vận hành như một cơ chế giúp khoa học được trở nên hoàn thiện hơn, thay vì được dùng như một bảng danh sách "luận tội" nhà khoa học.
Nói cách khác, về mặt bản chất, bài báo bị rút, trước tiên cần phải được xem như một biểu hiện của tính chuyên nghiệp của thế giới học thuật mà tại đó, cơ chế "đánh giá hậu xuất bản" (post publication review) được thiết lập ra nhằm giúp bài nghiên cứu tốt hơn, hoàn chỉnh hơn. Trong cơ chế này, bài báo được xuất bản không có nghĩa là nó đã kết thúc mà cộng đồng học thuật khi thấy bất kỳ vấn đề gì liên quan đến bài báo thì vẫn tiếp tục cho ý kiến đánh giá, góp ý.
Để điều này được thuận tiện hơn, một số tạp chí hiện nay, ví dụ như tạp chí F1000, thậm chí đã mở thêm mục bình luận (comment) - tương tự như bình luận trên Facebook - để người đọc có thể tiếp tục trao đổi với tác giả về bài báo sau khi bài báo đã được xuất bản. Và tác giả sau quá trình thảo luận với độc giả, nếu tự thấy bài báo của mình còn nhiều điểm chưa hoàn thiện hoặc có vấn đề thì sẽ được khuyến khích trao đổi lại với ban biên tập để chỉnh sửa hoặc thậm chí tự rút bài của mình đã đăng (trường hợp 1 như trình bày ở trên).
Nhưng rất tiếc, cơ chế vận hành hiện tại của việc rút bài, như phân tích của TS Tim Kersjes thì lại đang được vận hành như một bản "luận tội" nhà khoa học. Ai có bài bị rút thường sẽ bị cộng đồng học thuật nói chung và xã hội nói chung nhìn danh sách đó như một hình thức "bêu tên", khiến họ cảm thấy xấu hổ, ê chề, bẽ bàng.
Khi có bài báo bị rút, một nhà khoa học sẽ chịu điều tiếng xì xào của đồng nghiệp, thậm chí có thể dễ dàng bị đưa tên lên báo chí, mạng xã hội để bàn luận công khai. Và từ đó, nhà khoa học hiện nay thường có tâm lý phản kháng, co mình lại, thậm chí không hợp tác trong quá trình trao đổi với các góp ý, bình luận về bài báo của mình; hoặc không muốn giải thích, giải trình rõ ràng khi bài báo đã bị rút.
Nếu được thiết kế tốt hơn thì cơ chế vận hành của việc rút bài này nên chăng được nhìn nhận như một quá trình cải tiến liên tục của thế giới học thuật, và việc một bài báo bị sai phải sửa, phải rút lại nó cũng như việc một sản phẩm lỗi cần được thu hồi của quá trình đảm bảo chất lượng trong công việc. Như việc một cơ quan quản lý ban hành một quyết định nhưng có lỗi, cần phải điều chỉnh, thu hồi, như một bài báo phổ thông của nhà báo bị nhầm và ban biên tập đăng bài đính chính.
Tất nhiên, cần nhấn mạnh trong trường hợp này, nhà khoa học vẫn phải chịu trách nhiệm về kết quả sai trong bài báo của mình, nhưng nó không nên là một "tiền án" dính với họ suốt đời, không có cách nào gột rửa như cách vận hành hiện nay.
Khi viết những dòng này, tôi đang xem lại bộ phim Thủy Hử, đến đoạn Lâm Xung bị đày đi Thương Châu. Trước khi đi, có phân cảnh người cai ngục khắc chữ lên mặt Lâm Xung (mà ngôn ngữ ngày xưa gọi là "thích thanh" - khắc chữ xanh lên mặt). Là nhà nghiên cứu, tôi thực lòng không bao giờ mong muốn vì việc bài báo bị rút, mà đồng nghiệp của mình sẽ như là bị "thích thanh" như các tù nhân ngày xưa.
Tác giả: TS Phạm Hiệp là nhà nghiên cứu giáo dục đại học và chính sách khoa học. Năm 2022, ông nhận giải thưởng thường niên dành cho nhà khoa học xuất sắc của Hiệp hội Giáo dục so sánh và quốc tế - Mạng lưới Du học và Sinh viên Quốc tế (Comparative and International Education Society - The Study Abroad and International Student).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!