Liêm chính khoa học và "bán" công trình kiếm tiền
Báo chí và mạng xã hội đang ồn ào vụ một PGS.TS "bán" công trình khoa học lấy tiền. Dĩ nhiên có "cầu" thì mới có "cung". Trên thị trường khoa học, phía "cầu" ở đây có thể là một doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu, một nhà trường nào đó thiếu các công trình nghiên cứu do đội ngũ còn yếu nên hồ sơ của trường không nổi trội, khó tuyển sinh. Trường nào chẳng muốn khoe năm qua có bao nhiêu bài báo được đăng ở tạp chí khoa học uy tín.
Theo tên của vị PGS.TS nọ, tôi tìm trên trang https://journals.sagepub.com/ (cơ sở dữ liệu các tạp chí nghiên cứu tổng hợp có chất lượng nội dung cao và tầm ảnh hưởng lớn), gõ tên ông và cho kết quả 11 bài nghiên cứu có tên ông viết bằng tiếng Anh. Như vậy có thể nói ông là nhà nghiên cứu tên tuổi trong làng Toán, không phải như nhiều GS.TSKH khác gõ tên vào cơ sở dữ liệu đó thì không thấy đứng tên công trình nào.
Trong giới nghiên cứu, việc có công trình đăng tạp chí khoa học luôn là một điều quan trọng. Khi tôi làm luận án PTS mấy chục năm trước ở Bulgaria, yêu cầu trước khi bảo vệ là phải có hai bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, một số bài đăng tạp chí trong nước và kỷ yếu hội thảo. Thế là tôi phải ngày đêm ngồi nghiên cứu, vò đầu bứt tai để đáp ứng yêu cầu. Viết được bài báo khoa học đã khó khăn, hành trình gửi đăng còn gian khổ hơn vì khâu biên tập chặt chẽ, gửi đi gửi lại mấy lần mới được.
Khi duyệt luận án, hội đồng còn hỏi tôi bài báo được ai tham khảo (nhận xét) và là bao nhiêu người. Vì thế, tôi rất nể phục những vị viết báo khoa học và viết được nhiều bài, bởi vì mỗi bài báo chính là một công trình nghiên cứu.
Tôi có vài người bạn giảng dạy ở các trường nổi tiếng ở Macao (Trung Quốc), New Mexico (Mỹ), tìm tên họ có cả nghìn công trình, có công trình vài nghìn tham khảo. Họ thực sự giỏi và xứng đáng là Giáo sư, Tiến sĩ.
Chuyện nghiên cứu khoa học và liêm chính trong nghiên cứu khoa học ở các nước phát triển đã có luật lệ rõ ràng, mọi vấn đề đều minh bạch và nhận thức thống nhất. Ở ta thì nhiều thứ còn mơ hồ. Bởi vậy mới có những trường hợp lãnh đạo trường này "hồn nhiên" gọi điện cho giảng viên trường khác để mời "GS ơi, sang đây làm một thời gian đi, hoặc không thì đăng bài mang tên trường cũng được, trường sẽ không để GS thiệt thòi".
Khi luật lệ chưa rõ ràng, nhận thức khác nhau thì chuyện nhà nghiên cứu "tặc lưỡi" nhận làm thêm là điều khó tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh thu nhập của giảng viên đại học còn khiêm tốn như hiện nay.
Liêm chính (integrity) trong nghiên cứu khoa học được hiểu là việc tiến hành nghiên cứu sao cho các phương pháp và kết quả của nghiên cứu được tin tưởng. Liêm chính liên quan đến tính toàn vẹn của khoa học và tính chuyên nghiệp của các nhà nghiên cứu.
Nghiên cứu khoa học mà không có liêm chính thì mất hết ý nghĩa. Thêm nữa, không có đạo đức nghề nghiệp thì còn nguy hiểm gấp bội (biết sai vẫn làm).
Vì thế, các tổ chức xã hội, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, tập đoàn lớn… ở các nước phát triển đều có quy định về liêm chính và đạo đức nghề nghiệp. Danh tiếng của nhiều trường đại học được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu chất lượng cao và được thực hiện bởi cán bộ có liêm chính và đạo đức.
Khi tôi mới vào làm việc ở Ngân hàng Thế giới (World Bank) trụ sở tại Washington DC (Mỹ), ngay lập tức được cử đi học một lớp về liêm chính và đạo đức, đại loại làm gì cũng phải nhớ rằng mình đang làm cho World Bank. Từ chuyện nhỏ như cái bút chì, tờ giấy không nên tơ hào hay lớn như các tài liệu kể cả email khi làm cho World Bank đều thuộc bản quyền của tổ chức vì tính toàn vẹn và liêm chính.
Qua chuyện ồn ào của vị PGS.TS, tôi nghĩ điều đầu tiên các trường đại học cần làm là rà soát và biên soạn quy định về liêm chính, đạo đức nghiên cứu khoa học, các giảng viên cơ hữu của nhà trường được làm gì, không được làm gì. Theo kinh nghiệm của tôi, quy định này cần có bộ quy tắc 5 điểm đơn giản, dễ nhớ, gồm: (1) Trung thực; (2) Nghiêm ngặt; (3) Minh bạch và giao tiếp mở; (4) Sự quan tâm và tôn trọng những người tham gia; và (5) Trách nhiệm.
Tất nhiên, câu chuyện đãi ngộ, môi trường làm việc, giữ chân người tài, sẽ là những yếu tố khác giúp cho các giáo sư không phải gửi công trình sang nơi khác đứng tên để kiếm tiền. Việc của trí thức là sáng tạo và để người khác mua chất xám của họ một cách sòng phẳng bằng sự liêm chính của nhiều bên.
Tác giả: Hiệu Minh là bút danh của TS Giang Công Thế, một chuyên gia IT từng công tác nhiều năm tại Ngân hàng Thế giới (WB). Ông được biết đến là blogger về nhiều lĩnh vực và cộng tác thường xuyên với các báo.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!