Phó giáo sư bán bài nghiên cứu và chuyện liêm chính học thuật
Khi theo học chương trình đào tạo Tiến sỹ tại trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State (Mỹ), các học viên như tôi được yêu cầu đọc, trình bày, và thảo luận nội dung cuốn sách On being a scientist (tạm dịch: Về việc trở thành một nhà khoa học).
Cuốn sách, vốn là sản phẩm của Hiệp hội quốc gia về các khoa học ở Mỹ, đã giới thiệu những quan niệm phổ biến và những kiến thức căn bản về đạo đức học thuật mà mỗi nhà nghiên cứu hiện nay phải tôn trọng và thực hiện. Ngay lời nói đầu của cuốn sách đã nêu:
"Lòng tin là cơ sở nền tảng cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Xã hội tin rằng các kết quả nghiên cứu khoa học phản ánh chính xác và trung thực công việc của các nhà nghiên cứu… Khi lòng tin này bị đặt sai chỗ và các chuẩn mực khoa học bị vi phạm thì không chỉ cá nhân nhà nghiên cứu bị lăng nhục - tức là họ cảm thấy sự nghiệp của họ bị coi nhẹ, mà điều này còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa khoa học và xã hội".
Chúng tôi đã thảo luận sôi nổi về các quy tắc đạo đức học thuật. Trong đó, tinh thần liêm chính học thuật luôn được nhấn mạnh, thể hiện qua yêu cầu tôn trọng các giá trị, như: Trung thực, khách quan, công bằng, đáng tin cậy, cởi mở, và tôn trọng người khác.
Với hoạt động nghiên cứu khoa học, để khẳng định thái độ đề cao liêm chính học thuật, mỗi nhà nghiên cứu cần phải tuân thủ tối thiểu 3 chuẩn mực. Thứ nhất, không ngụy tạo dữ liệu hay kết quả nghiên cứu. Thứ hai, không truyền bá những dữ liệu hay kết quả nghiên cứu không phản ánh chính xác công trình nghiên cứu. Thứ ba, không đạo văn, tức là không sử dụng ý tưởng, dữ liệu, hay ngôn từ của nhà nghiên cứu khác mà không trích dẫn nguồn gốc cụ thể.
Từ ba chuẩn mực trên đây, tôi suy nghĩ về trường hợp một vị PGS.TS là thành viên Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) vừa xin rút khỏi hội đồng này sau khi có phản ánh về những biểu hiện được cho là vi phạm liêm chính khoa học.
Theo thông tin đến nay thì vị PGS.TS này không "đạo văn". Ông chỉ có thể đã vi phạm một nguyên tắc là đang làm việc ở đại học này song lại ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với hai đại học khác, và công bố nghiên cứu với tên ngôi trường không phải nơi mình đang làm việc.
Ở đây, theo tôi cần tách bạch hai phía, phía nhà nghiên cứu và phía trường đại học. Với nhà nghiên cứu, việc ông ký hợp đồng hay nói nôm na là "bán" công trình nghiên cứu cho nhà trường không phải nơi làm việc, dù muốn hay không đã tạo ra nguy cơ xung đột lợi ích giữa hai cơ quan. Với nhà trường "mua" sản phẩm nghiên cứu, thành tích khoa học có thể tăng lên nhưng lại không phản ánh thực chất năng lực đội ngũ, cho nên khó được giới chuyên môn chấp nhận.
Những biểu hiện nêu trên là điều nhìn chung không được khuyến khích trên thế giới, hoặc nếu được phép thì nhà trường cũng quy định rất rõ ràng. Chẳng hạn một số người từng có thời gian dài làm việc tại các đại học ở Mỹ đã chỉ ra các nhà trường ở đây thường yêu cầu các giảng viên trong thời gian làm việc toàn thời gian thì tất cả kết quả nghiên cứu hay bài viết là tài sản trí tuệ của trường.
Tuy nhiên trường đại học ở Mỹ chỉ trả lương 9 tháng/năm cho việc giảng dạy, do đó các giảng viên được phép đi "làm thêm" với điều kiện tổng thời gian không quá 3 tháng và trên công trình nghiên cứu phải để tên nhà trường nơi họ đang làm việc trước tên đơn vị nơi đến "làm thêm".
Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế, các nhà khoa học đến từ nhiều Đại học hay Viện nghiên cứu, từ nhiều nước khác nhau vẫn hợp tác nghiên cứu, cùng công bố công trình, và trở thành đồng tác giả. Tuy nhiên, phần giới thiệu tác giả luôn ghi rõ nơi làm việc chính thức chứ không có chuyện đang là giảng viên, nhà nghiên cứu ở nơi này nhưng lại ghi nơi khác.
Vị PGS.TS nêu trên đã giải thích rằng nhà trường nơi ông làm việc trước đây không quy định giảng viên cơ hữu không được ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với trường khác. Vì thế, ông chỉ làm thêm bên ngoài sau khi đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, thậm chí còn vượt trội. "Vì điều kiện kinh tế gia đình nên tôi rất cần công việc làm thêm để tăng thu nhập"! Như ông chia sẻ rất thẳng thắn trên báo chí.
Trên báo Dân trí, vị PGS tâm sự rõ hơn: "Nhiệm vụ mình đã hoàn thành tốt. Công sức đổ ra nhiều như vậy, tôi nói thật, tôi cũng mong muốn có thù lao, có thêm thu nhập…Tôi dùng chất xám của mình để kiếm thêm thu nhập, tạo dựng cuộc sống… Tôi viết nhiều, tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tại trường nếu không muốn nói là... thừa rất nhiều".
Hành vi bị tố là "bán bài" của vị PGS.TS đúng hay sai, có vi phạm liêm chính học thuật hay không thì phải căn cứ vào các quy định cụ thể và do cơ quan có thẩm quyền kết luận. Tuy nhiên, từ phía xã hội thì hành vi đó dễ bị coi là lệch chuẩn bởi nó trái với suy nghĩ, mong đợi của nhiều người cho nên bị họ phản ứng, thậm chí lên án.
Hệ lụy trước mắt của vụ việc là vị PGS.TS phải rút tên khỏi danh sách Hội đồng ngành toán của Quỹ Nafosted và chịu nhiều điều tiếng. Vụ việc cũng sẽ củng cố thêm định kiến xã hội bấy lâu nay về hiện tượng mua bán công trình, nhiều cá nhân và tổ chức dùng sức mạnh tài chính để khỏa lấp yếu kém về năng lực chuyên môn, chạy theo thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học ở nước ta.
Điểm nổi bật mà chúng ta thấy từ vụ việc là kết quả công việc vượt trội, cả về số lượng và chất lượng, chưa thể giúp vị PGS.TS yên tâm với cuộc sống, như ông giãi bày: "Tôi là người miền núi, đời cha mẹ rất khổ, đời mình cũng lớn lên từ củ khoai, củ sắn. Mình được như thế này, tôi cũng mong muốn đời con mình sẽ được cải thiện hơn… Nhiệm vụ mình đã hoàn thành tốt. Công sức đổ ra nhiều như vậy, tôi nói thật, tôi cũng mong muốn có thù lao, có thêm thu nhập."
Vì thế, bài học thứ nhất từ vụ việc là chế độ đãi ngộ có mối liên hệ rất rõ với khả năng giữ gìn phẩm chất liêm chính, cả cho bản thân nhà nghiên cứu và cộng đồng khoa học. Khi không có sự khác biệt đáng kể về đãi ngộ tài chính giữa người làm việc xuất sắc và người lao động bình thường trong một cơ quan thì cá nhân ưu trội tất yếu sẽ phải tìm kiếm thêm các cơ hội bên ngoài cơ quan, đơn vị. Khi đó, phẩm chất liêm chính đối diện với nhiều thách thức.
Bài học thứ hai là mỗi nhà khoa học phải có trách nhiệm duy trì, bảo vệ, và truyền bá những chuẩn mực nghiêm khắc trong nghiên cứu khoa học. Họ phải trở thành những tấm gương cho sinh viên và các đồng nghiệp trong việc tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực nghề nghiệp như: trung thực, chính xác, nhất quán cả trong phát ngôn và hành động, qua đó góp phần kiến tạo môi trường khoa học tích cực. Chỉ có như vậy thì khoa học mới có thể phát triển và từng bước gia tăng lòng tin trong xã hội.
Lướt qua các trang mạng xã hội của các đồng nghiệp cùng trong giới nghiên cứu khoa học, tôi thấy nhiều người bày tỏ sự bất ngờ nhưng cũng rất đồng cảm, chia sẻ với vị PGS.TS. Họ không "bênh" nhưng cũng không trách cứ thái quá vì họ hiểu nội tình câu chuyện. Đó là sự giằng xé tâm can mà nhiều nhà khoa học ở nước ta đang phải đối diện: áp lực cuộc sống và liêm chính học thuật.
Thật khó yêu cầu các đại học công lập ở nước ta hiện nay phá vỡ những giới hạn về chế độ đãi ngộ tài chính để giữ các nhà khoa học giỏi toàn tâm, toàn ý với nơi mình đang làm việc. Đặt trong bối cảnh đó, điều chỉnh về cách thức sử dụng người lao động sẽ giúp đa dạng hóa các hình thức đãi ngộ, nhờ đó có thể giảm bớt áp lực phải vươn ra bên ngoài để làm thêm của các nhà khoa học.
Thứ nhất, nhà trường cần xác định những nhà khoa học giỏi, thể hiện qua kết quả công việc vượt trội hàng năm, là lực lượng lao động chủ lực, tinh anh của cơ quan. Trong khả năng tốt nhất có thể, nhà trường cần bảo đảm về tài chính để họ yên tâm, toàn tâm toàn ý làm việc cho đơn vị.
Thứ hai, giao những nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm, trọng yếu của cơ quan cho lực lượng lao động ưu trội nêu trên. Nhờ đó, họ được ghi nhận về vị thế và có cơ hội gia tăng thêm các nguồn thu nhập chính đáng từ chính cơ quan của mình, yên tâm cống hiến toàn bộ thời gian cho nơi mình đang làm việc.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!