Cái tôi và ứng xử của bác sĩ
Trên mạng vừa rồi tôi có nghe vụ lùm xùm về thái độ của y bác sĩ tại một bệnh viện ở Hà Nội. Chuyện là một bệnh nhân được phát hiện bệnh tại bệnh viện này, nhưng sau đó ra nước ngoài điều trị, nay đến khi cần kiểm tra thì quay lại bệnh viện trong nước, nên bác sĩ có vẻ phật ý.
Câu chuyện còn kèm thêm tình tiết người nhà vào cùng để nghe tư vấn thì bị điều dưỡng quát đuổi ra. Nếu tin vào uy tín của người kể, thì trong câu chuyện này có một phần sự thật, tuy phải nhìn nhận nó từ nhiều chiều.
Vì mới chỉ nghe một chiều nên tôi chưa thể có nhận định thực hư thế nào. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm công tác, tôi thừa nhận chuyện này tồn tại không ít trong ngành y, chuyện cái tôi của bác sĩ.
Bản thân tôi là bác sĩ, nhưng mỗi khi người nhà bệnh nặng cần đi bệnh viện, tôi không dám nói ra nghề nghiệp của mình. Vì sao vậy? Vì sợ chạm tự ái của các bác sĩ khám, rồi cuối cùng là người nhà mình thiệt.
Tuy đã cố hết sức tránh, nhưng rồi cuối cùng tôi cũng vô tình chạm vào cái tự ái của bác sĩ, để lại một kỷ niệm không bao giờ quên.
Chuyện là năm ấy mẹ tôi bị tai biến mạch máu não nặng, hôn mê phải thở máy. Mẹ tôi tỉnh lại sau hai mươi ngày điều trị tích cực, tuy nhiên tình trạng vẫn còn rất nặng, phải thở máy. Các bác sĩ tại phòng hồi sức tích cực bảo gia đình tìm cách chuyển viện cho bà, vì phòng hồi sức đang quá tải, nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao.
Sau khi cân nhắc nhanh, tôi quyết định chuyển mẹ đến khoa hồi sức của một bệnh viện lớn, vốn xưa nay có uy tín về thái độ đối xử tốt.
Mẹ được cho nằm trong phòng bệnh nặng, 6 giường bệnh, sáu cái máy thở phì phò ngày đêm, sáu sinh mệnh chông chênh như chỉ mành treo chuông.
Thân nhân của người bệnh lăn lóc chăm sóc người bệnh ngày đêm nên tự nhiên thân thiết nhau, chia sẻ với nhau mọi chuyện, trông chừng cho nhau một lát khi có gì bận. Một ông cụ giường bên cạnh mẹ tôi bị đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, phải đặt ống nội khí quản và thở máy. Hôm ấy ông đã tỉnh và khó chịu vì cái ống nội khí quản to cắm vào mồm, nên cứ vùng vằng định lấy tay rút ra.
Bác sĩ đã phải lấy dây buộc giữ tay ông cụ vào thành giường. Thế mà trong một lúc không có người trông giữ, ông cụ tự rút phắt được cái ống ra, báo hại khoa phải chạy cấp cứu một hồi.
Một tai nạn trong chăm sóc điều trị bệnh nhân, vẫn có khi xảy ra trong phòng cấp cứu. Chuyện tuy không hay nhưng đã kịp xử trí khắc phục, không để lại hậu quả gì xấu. Đến tối, khi anh con trai ông cụ vào trông thay ca, tôi buột mồm kể lại câu chuyện buổi sáng, với hàm ý nhắc anh cần trông nom ông cụ sát hơn.
Nào ngờ anh con trai này là người đáo để, ngay lập tức gặp lãnh đạo bệnh viện để phê bình về cách chăm sóc bệnh nhân. Bệnh viện liền truy xem ai là người nói ra chuyện "tối mật" này. Mấy người nhà trong phòng bệnh sợ liên đới đều đồng thanh chỉ tôi là người "hớt lẻo".
Ngay sáng hôm sau mẹ tôi bị cho ra viện, mặc dù đang thở máy, rời cái máy thở ra là chết ngay. Nhưng mặc kệ, xuất viện. Người nhà muốn đưa đi đâu thì đi.
Đứng cạnh giường bệnh, nhìn người mẹ đang nửa tỉnh nửa mê, thở hoàn toàn qua máy thở, tôi muốn phát khóc. Tại sao những con người đang khoác áo blouse trắng, mang danh là bác sĩ mà lại có cái quyết định ác độc đến như vậy. Họ giận tôi vì tội "hớt lẻo" nên họ trừng phạt tôi bằng tính mạng của mẹ tôi.
Con người ta ai cũng có lòng tự trọng, tự tôn, hay nói cách khác là cũng có cái tôi của mình. Nó làm thành bản sắc của mỗi cá nhân. Người có cái tôi lớn là người kiên định, tin vào bản thân, vượt khó, thường có tố chất lãnh đạo. Tuy nhiên cái tôi lớn quá thì thành kiêu ngạo. Người kiêu ngạo luôn coi mình là nhất, mình luôn đúng, ai nói anh ta sai là xúc phạm anh ta.
Người kiêu ngạo thường bảo thủ, khó tiếp thu cái mới, khó hòa đồng. Trong nhiều trường hợp, nhất là trong ngành y, sự kiêu ngạo dễ làm người ta mắc sai lầm, thậm chí là sai lầm lớn.
Người trong ngành y dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Trước hết vì xuất phát điểm của ngành y đã có chọn lựa khắt khe, nên dễ sinh tư tưởng là hơn người. Tiếp đến lĩnh vực người bác sĩ học khá đặc thù và chuyên sâu, người ngoài khó hiểu hết. Thứ nữa là lĩnh vực ngành y phụ trách là sinh mạng con người nên không ít thì nhiều dễ nảy sinh tư tưởng cứu nhân độ thế. Vì thế quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân thường diễn theo một chiều, bác sĩ nói, bệnh nhân nghe, bác sĩ quyết định, bệnh nhân tuân thủ. Khi bệnh nhân có thắc mắc thì thường bị coi là không tin bác sĩ và dễ dẫn đến những hậu quả không tốt đẹp gì.
Ở chiều ngược lại, đúng là bệnh nhân bây giờ không còn tin bác sĩ thật. Không biết từ bao giờ bệnh nhân và thầy thuốc đã thành "hai chiến tuyến". Hai bên thường xuyên thủ thế trước nhau, không còn tin vào nhau, sợ lộ ra điểm yếu thì bị bên kia tấn công.
Bạn cứ thử đi trong hành lang bệnh viện mà nghe, thì sẽ hiểu. Trong vai người nhà đi thăm bệnh nhân tôi toàn nghe thấy người nhà bệnh nhân xung quanh gọi bác sĩ bằng "thằng", "chúng nó", "chúng nó bảo đóng thêm tiền", "chúng nó bảo chưa được về"…
Còn trong vai thầy thuốc thì tôi thường xuyên gặp cảnh người nhà bệnh nhân hô hoán lên: "con tôi đang bình thường, bác sĩ truyền cái gì làm nó sốt lên", "mẹ tôi lúc vào còn nói được, bây giờ bác sĩ làm gì mà mê đi rồi"…
Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn này đã được nhiều người phân tích. Tựu trung thì tiên trách kỷ, hậu trách nhân, ngành y chưa thực hiện được tốt vai trò của mình. Còn tại làm sao ngành y lại thành ra như thế thì cũng không hẳn tại các y bác sĩ, mà còn nhiều yếu tố khác chi phối. Nếu ta đơn giản quy tất cả lỗi lầm của ngành y là do ý thức của nhân viên thì không khéo ta lại dẫm chân vào vết xe đổ duy ý chí của quá khứ, là chỉ cần học thuộc "Mười hai điều y đức" thì ngành y tự khắc tốt lên.
Muốn cho ngành y tốt lên thì cần đáp ứng đồng bộ các điều kiện vật chất để bệnh viện vận hành tốt, từ đầu tư máy móc, phòng ốc, thuốc men đến lương bổng của nhân viên. Khi người thầy thuốc được làm việc trong môi trường thuận tiện, tôn trọng thì tự nhiên cái tâm của người thầy thuốc được bình an, tập trung vào chuyên môn.
Nhưng phải thừa nhận thực tế là hành xử của một bộ phận y bác sĩ hiện nay chưa đúng mực, làm tăng thêm khoảng cách giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Điều này cần phải được nhìn nhận và khắc phục nghiêm túc ở phía y bác sĩ. Bản thân tôi cũng phải luôn luôn tự nhắc mình, tránh để một lúc nào đó gây ra hiểu lầm, vì bác sĩ cũng là con người, cũng có vui buồn nóng giận.
Tốt nhất là nên có các bộ quy tắc ứng xử để nhân viên y tế ít nhất cũng có thái độ chuyên nghiệp. Thân thiện với bệnh nhân là cái tốt, nhưng tránh thân quá hóa suồng sã, mất đi ranh giới nghề nghiệp. Tóm lại trước hết cứ phải là chuyên nghiệp.
Trở lại câu chuyện của mẹ tôi, khi bị đẩy ra khỏi bệnh viện, tôi phải gạt bỏ tự ái để cầu cứu bạn bè. Sau này các bạn trách tôi vì tôi khái tính, không chịu nhờ vả ai, chứ còn các bạn rất sẵn lòng giúp đỡ. Mẹ tôi sau đó được chuyển đến khoa hồi sức của Bệnh viện Bạch Mai và được chăm sóc rất chu đáo. Mấy ngày sau mẹ tôi đã cai được máy thở và ra viện.
Sau năm ấy mẹ còn ở với chúng tôi được hơn một năm nữa rồi mới đi xa. Câu chuyện này tôi chưa kể cho ai biết, mà là một kỷ niệm vui buồn lẫn lộn trong lòng. Đấy, tôi là một bác sĩ lâu năm mà có lúc còn bị đối xử như vậy thì những người dân thường sẽ còn ra sao. Ngành y còn rất nhiều việc phải làm.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!