Tâm điểm
Ngô Tiến Long

Ba đề xuất phòng cháy, chữa cháy ở đô thị

Chỉ 8 tháng sau vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng ở phường Khương Hạ, Hà Nội (hồi tháng 9/2023), dù nhiều phát biểu và nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm ngăn chặn những vụ việc đau lòng tương tự xảy ra, thì một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng nữa đã lại xảy ra cách đây ít ngày ở phố Trung Kính.

Vụ cháy này đã để lại không chỉ sự tiếc thương mà còn cả sự lo lắng, thất vọng cùng nhiều câu hỏi tưởng như đơn giản mà mãi vẫn chưa có lời giải.

Ba đề xuất phòng cháy, chữa cháy ở đô thị - 1

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại một nhà trọ 3 tầng nằm sâu trong phố Trung Kính rạng sáng 24/5 đã làm 14 người tử vong, 3 người bị thương (Ảnh: Mạnh Quân).

Một điểm đáng chú ý là trong khi các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đi kiểm tra thường xuyên, đồng thời tổ chức các cuộc tập huấn nhằm nâng cao ý thức, kỹ năng cơ bản của người dân về phòng cháy chữa cháy (PCCC), thì các vụ cháy lớn nhỏ từ các nhà xưởng, kho bãi đến khu dân cư dường như vẫn liên tục xảy ra với những thiệt hại về người và của rất lớn.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, Việt Nam ghi nhận trung bình khoảng 2.000 vụ cháy mỗi năm, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng trên 500 tỷ đồng, làm 90 người chết và 120 người bị thương. Câu hỏi đặt ra là chính quyền cũng như người dân có thể và cần phải làm gì hơn nữa để ngăn chặn hiệu quả mối nguy hiểm này, để không chấp nhận vấn nạn này như là một "định mệnh".

Nguyên nhân của tình trạng hỏa hoạn như trên chắc chắn là có nhiều và đan xen chặt chẽ với nhau. Tiền của, nhân lực, công nghệ và cả khung pháp lý có vai trò rất quan trọng để ngăn chặn vấn nạn này, nhưng với tôi, lý do chính ở đây có lẽ là: (i) ý thức của mỗi người dân và (ii) trách nhiệm của các cấp chính quyền cùng các cơ quan chuyên trách.

Chứng kiến những vụ hỏa hoạn xảy ra ở nước ta thời gian gần đây, có người bạn nước ngoài đã nói với tôi rằng "người Việt dường như không sợ hỏa hoạn!?". Đây có thể chỉ là câu nói vui, nhưng đúng là mỗi người trong chúng ta cần thật sự biết yêu quý, coi trọng mạng sống của chính mình để cẩn thận hơn nữa. Hãy nhớ lời dặn của cha ông chúng ta rằng "nhất thủy nhì hỏa".

Về phía các cơ quan có trách nhiệm, qua mỗi vụ cháy lại "kiểm tra, rà soát, xử lý, tăng cường…", nhưng dường như là vẫn loay hoay, chưa tìm ra được những giải pháp triệt để nhằm ngăn ngừa các tình huống đáng tiếc xảy ra.

Khi hai yếu tố trên còn tồn tại thì rất nhiều vấn đề liên quan đến PCCC nhẽ ra không thể xảy ra, hoặc có thể dễ dàng khắc phục sẽ tiếp diễn, mà hệ quả cuối cùng là những vụ hỏa hoạn với những cái chết oan uổng, thương tâm của bao người vô tội.

Từ góc nhìn của một người dân, tôi cho rằng chúng ta cần nhanh chóng triển khai những biện pháp sau đây để ngăn ngừa các vụ cháy tương tự trong tương lai.

Thứ nhất, để khắc phục khó khăn khi hỏa hoạn xảy ra ở những ngõ nhỏ chật hẹp mà xe chữa cháy không vào được, chúng ta cần triển khai đại trà việc trang bị bình chữa cháy tại mỗi hộ gia đình. Đây là giải pháp đơn giản, chi phí thấp nhưng lại rất hiệu quả trong việc dập tắt đám cháy ngay từ khi mới bắt đầu. Chính quyền cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân mua sắm và thường xuyên bảo hành, bảo dưỡng bình chữa cháy, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn sử dụng cho mọi người.   

Thứ hai, nên cân nhắc việc lắp đặt hệ thống đường ống chữa cháy ngầm cho các khu dân cư. Với đường ống chờ được đặt ngầm sẵn như thế, khi hỏa hoạn xảy ra, xe cứu hỏa đến sẽ dễ dàng nối ngay vòi ra của téc nước vào điểm chờ ở đầu đường ống nằm ở ngoài phố, còn các chiến sỹ cứu hỏa chỉ mang ống vòi mềm vào thẳng nơi đang xảy ra hỏa hoạn, nối với cút của đường ống chờ sẵn ngay khu vực đó là sẽ có vòi phun đầy nước được bơm từ xe cứu hỏa đang tập kết ở ngoài phố để dập lửa.

Hệ thống này có thể cho phép xe cứu hỏa dễ dàng cung cấp nước từ bên ngoài vào sâu bên trong các ngõ ngách chật hẹp, giúp công tác chữa cháy diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn rất nhiều. Chi phí lắp đặt ban đầu có thể hơi cao nhưng sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Chính quyền nên nghiên cứu áp dụng giải pháp này, có thể triển khai thí điểm ở một số khu vực trọng điểm trước khi nhân rộng ra diện rộng.

Cuối cùng, để chủ động phòng ngừa và ứng phó kịp thời với các vụ hỏa hoạn, chúng ta cần đầu tư xây dựng bản đồ các đô thị với đầy đủ thông tin về những khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Dựa trên bản đồ này, các cơ quan chức năng sẽ có thể xây dựng kế hoạch chiến lược ứng phó hiệu quả cho từng "điểm nóng" tiềm ẩn nguy cơ.

Cụ thể, bản đồ cần chỉ rõ vị trí, đặc điểm của các khu dân cư đông đúc, nhà cũ xuống cấp, hẻm nhỏ khó tiếp cận, hay các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao như xưởng sửa chữa xe, kho hóa chất, nhà xưởng... Từng khu vực cần được khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng về mức độ nguy hiểm cũng như các khó khăn trong công tác cứu hộ cứu nạn khi có sự cố. Trên cơ sở đó, lực lượng PCCC và chính quyền địa phương sẽ phối hợp lên các kịch bản, phương án cụ thể cho các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra ở mỗi khu vực, đồng thời bố trí sẵn nhân lực, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng ứng phó. Các cuộc diễn tập thực tế cũng cần được tổ chức thường xuyên ở những địa điểm có "rủi ro cao" để nâng cao khả năng xử lý tình huống của lực lượng chức năng và sự phối hợp của người dân.

Ở các đô thị chật chội hiện nay, hỏa hoạn là một loại "giặc" nguy hiểm đe dọa sự an nguy của mỗi người dân, đòi hỏi sự chung tay của toàn thể người dân và chính quyền để ứng phó. Tôi tin rằng nếu thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp thiết thực trên, chúng ta sẽ giảm đáng kể nguy cơ xảy ra những vụ hỏa hoạn thảm khốc, bảo vệ tốt hơn tính mạng và tài sản của người dân.

Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!