Những câu hỏi trong vụ cháy khiến 14 người chết
Vụ cháy khiến 14 người chết ở Hà Nội hôm qua 24/5 một lần nữa khiến tất cả chúng ta đau buồn và giật mình, lo lắng trước thực trạng cũng như nguy cơ cháy nổ ở khu dân cư.
Câu hỏi nhiều người đặt ra lúc này là làm thế nào để phòng, chống cháy nổ, hoặc nếu không may xảy ra hỏa hoạn thì làm thế nào hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân? Câu trả lời đến từ trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả các bên: hộ gia đình, người thuê nhà và cơ quan có thẩm quyền.
Với hộ gia đình, chúng ta phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật PCCC: Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.
Chủ nhà, với tư cách chủ đầu tư thực hiện thủ tục trình duyệt dự án, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; chỉ được thi công khi thiết kế về an toàn phòng cháy và chữa cháy của công trình đã được duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình trước khi đưa vào sử dụng.
Trong quá trình sử dụng công trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thường xuyên kiểm tra, duy trì các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy (Điều 16 Luật PCCC).
Bản thân tôi là chủ hộ gia đình cung cấp dịch vụ cho thuê văn phòng và đồng thời là chủ doanh nghiệp, nên năm nào tôi cũng phải hoàn thành những điều kiện về thủ tục phòng, chống cháy nổ cho nhà ở, kho tàng, cơ sở kinh doanh.
Trong vụ hỏa hoạn ngày 24/5 là vụ cháy nhà ở gia đình có cho thuê trọ (3 tầng, mỗi tầng 4 phòng, tổng 12 phòng). Ngoài cho thuê phòng trọ, chủ hộ còn mở cửa hàng kinh doanh sửa chữa xe máy và xe đạp điện ở khoảng sân trong nhà. Nếu căn cứ theo Luật PCCC thì cơ sở pháp lý điều chỉnh là khoản 1 Điều 17 (hộ gia đình) và Điều 20 phòng cháy đối với cơ sở kinh doanh.
Điều 7 Nghị định 136/2020 quy định chi tiết điều kiện đối với hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC (có hồ sơ phương án PCCC); mục c, khoản 2 Điều 7 còn nhấn mạnh: hộ gia đình có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
Theo phản ánh của báo chí, thì khu nhà ở, cho thuê trọ và mua, bán, sửa chữa xe máy (gọi tắt là khu nhà) gần như "không có lối thoát ra ngoài". Như vậy, căn cứ quy định pháp luật liên quan thì câu hỏi đặt ra là khu nhà này đã thực hiện đúng phương án PCCC hay chưa, và cơ quan có thẩm quyền đã làm đúng trách nhiệm (tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra…) chưa?
Trách nhiệm PCCC với hộ gia đình có kinh doanh thuộc ủy ban cấp xã/phường quản lý. Như vậy, trước hết đây là câu hỏi về trách nhiệm với việc tuân thủ quy định PCCC theo luật định của chủ hộ kinh doanh và trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phạt vi phạm, đình chỉ (nếu vi phạm) của Ủy ban cấp xã/phường.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi rằng, tại sao hộ gia đình, hộ kinh doanh, khu dân cư chưa đảm bảo điều kiện PCCC mà cơ quan có thẩm quyền chưa hoặc không nhắc nhở, phạt vi phạm, đình chỉ, cấm…?
Vấn đề thứ hai là hộ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ là mua bán, sửa chữa xe gắn máy, nhưng lại hoạt động trong cùng hộ gia đình, khu nhà trọ và trong khu dân cư. Nên chăng, cần có một giải pháp là đưa loại hình kinh doanh, mua bán, sửa chữa xe gắn máy ra khỏi hộ gia đình, khu dân cư để giảm thiểu rủi ro về người?
Thiết nghĩ, việc PCCC ở hộ gia đình, khu dân cư cần nằm trong tổng thể quy hoạch, xây dựng của địa phương. Thực tế cho thấy, nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra ở khu ngõ, đường cụt hoặc chỉ có một ngõ, đường tiếp cận hay diện tích mặt đường, mặt ngõ không đủ lớn để xe cứu hỏa vào. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền phải gấp rút quy hoạch, di dời một số ngành nghề kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ ra khỏi khu dân cư. Để làm được điều này cần sự nhất quán giữa các bộ luật liên quan: Luật PCCC, Luật quy hoạch, Luật xây dựng và Luật doanh nghiệp… và sự thực thi pháp luật nghiêm minh.
Quyền được sống an toàn trong đô thị hiện đại là quyền con người cơ bản. Để đảm bảo tính mạng, sức khỏe và tài sản trước nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn thì mỗi công dân cần có ý thức tuân thủ thực chất về PCCC; việc tuân thủ PCCC là nghĩa vụ phải thực hiện của công dân để đảm bảo quyền sống, quyền được an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản, của chính mình và của người khác.
Với các cơ quan có thẩm quyền về quản lý PCCC, những chủ thể pháp luật này phải thực hiện nghiêm minh, đúng trình tự và thực chất công tác PCCC thì mới góp phần phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản trong những vụ hỏa hoạn.
Tác giả: Ông Trịnh Minh Tuấn là người sáng lập Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Ehomebooks và Trung tâm nghiên cứu xuất bản - giáo dục IPER.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!