Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Lợi ích chung và riêng, nhìn từ vụ cháy khiến 14 người chết

Thời gian gần đây, một số vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở các đô thị lớn, như vụ hỏa hoạn khiến 14 người chết ở Hà Nội hôm 24/5, cho thấy hai vấn đề: Thứ nhất, ngôi nhà bị cháy vừa là nơi ở của gia chủ, vừa là nơi họ hoạt động kinh doanh. Thứ hai, nhiều nạn nhân bị mắc kẹt trong đám cháy, thậm chí không thể kêu cứu.

Trước đó, ngày 8/7/2023, vụ cháy nhà dân và cũng là cửa hàng kinh doanh tại phố Khâm Thiên đã khiến 3 người thiệt mạng. Một yếu tố chính khiến đám cháy bùng phát nhanh, lan rộng, và các nạn nhân không thể thoát ra ngoài là bởi tầng 1 của ngôi nhà được sử dụng để chứa nhiều sản phẩm, hóa chất, đồ dùng kinh doanh dịch vụ liên quan đến móng tay, móng chân.

Còn vụ cháy hôm 24/5, hiện trường là nhà dân kết hợp nhà trọ và cũng là nơi kinh doanh dịch vụ về xe máy điện tại phố Trung Kính, Hà Nội. Ngọn lửa bùng phát và lan nhanh từ tầng 1 đã bịt kín lối ra vào duy nhất có thể là nguyên nhân chính khiến số nạn nhân nhiều người bị thương và tử vong, chiếm đa số người dân đang sinh sống tại khu nhà này.

Lợi ích chung và riêng, nhìn từ vụ cháy khiến 14 người chết - 1

Ngôi nhà bị cháy nằm ở ngõ 119 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngõ nhỏ sâu nên xe chữa cháy không thể tiếp cận (Ảnh: Tiến Đạt).

Khi nơi ở cũng được sử dụng để làm nơi sản xuất, kinh doanh thì sẽ xuất hiện hai loại lợi ích, mà việc cùng theo đuổi các lợi ích đó có thể xung đột lẫn nhau. Thứ nhất, lợi ích chung là những nhu cầu chính đáng, cùng được chia sẻ bởi những thành viên cư trú trong ngôi nhà và cả những nhà xung quanh. Thứ hai, các lợi ích riêng là những nhu cầu đa dạng, khác nhau giữa các cá nhân.

Ở hai địa điểm nêu trên, trước khi xảy ra cháy thì lợi ích chung của các cư dân có thể là không gian sống phù hợp với thu nhập, gần nơi học tập, mưu sinh… Trong khi đó, lợi ích riêng là nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận, thông qua hoạt động kinh doanh dịch vụ làm móng và sửa chữa, buôn bán xe máy điện. Khi cá nhân sinh sống tại địa điểm phục vụ cả hai loại lợi ích thì họ thường cũng phải chấp nhận điều kiện sống có thể không được như ý muốn.

Nói cách khác, rất khó để bảo đảm cả hai loại lợi ích trong cùng một địa điểm, khi xã hội ngày càng trở nên đa dạng về các hoạt động kinh tế. Vì thế, nếu mỗi cá nhân có thể tự đáp ứng lợi ích riêng thì việc bảo đảm lợi ích chung luôn cần đến sự can thiệp của chính quyền.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh nước ta hiện nay, sự can thiệp của chính quyền lại đối diện với một mâu thuẫn. Nếu chính quyền tuyệt đối hóa việc bảo vệ lợi ích chung thì có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế. Còn nếu để người dân tự do, thậm chí tùy tiện theo đuổi lợi ích riêng thì cộng đồng lại có thể phải đối diện với các nguy cơ tiềm ẩn.

Nhà ở cũng đồng thời là nơi sản xuất, kinh doanh là một đặc điểm của các xã hội đang phát triển, khi khả năng đáp ứng nhu cầu của cả xã hội vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khu vực kinh tế phi chính thức, trong đó có các hộ gia đình với tư cách là một thiết chế kinh tế.

Để tránh những hậu quả từ nguy cơ xung đột giữa hai loại lợi ích tại cùng một địa điểm, các nước phát triển chủ yếu là ở châu Âu hay Mỹ thường đưa ra quy định rõ ràng để phân biệt nơi ở và nơi diễn ra các hoạt động kinh tế.

Việt Nam hiện vẫn là quốc gia đang phát triển. Xét đến trình độ xã hội, năng lực kinh tế và thói quen sống, cùng nhiều yếu tố khác, việc nhiều người dân theo đuổi cả hai lợi ích "Chung và Riêng" trong cùng một không gian cư trú sẽ là thực tế chưa thể xóa bỏ ngay. Cũng có nghĩa, các chính quyền địa phương chưa thể áp dụng biện pháp cấm người dân kết hợp cả sản xuất, kinh doanh tại nơi ở.

Nói cách khác, tại các địa bàn đô thị ở nước ta hiện nay, kinh tế hộ gia đình vẫn là một chủ thể hữu ích để đáp ứng các nhu cầu đa dạng, đặc biệt là nhu cầu của các nhóm xã hội với khả năng tài chính hạn chế. Việc tích hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh vào nơi ở của hộ gia đình có thể dẫn đến những bất cập, nhưng cũng là một cách người dân thích ứng trong điều kiện hạn chế về năng lực và nguồn lực kinh tế.

Vì thế, nếu việc đáp ứng, thỏa mãn hai loại lợi ích "Chung và Riêng" trong cùng một địa điểm mà không được quản lý hợp lý, thì có thể dẫn đến những hậu quả lớn. Đơn giản nhất có thể là sự căng thẳng trong quan hệ xã hội, còn nghiêm trọng hơn là triệt tiêu các điều kiện cho việc đáp ứng cả hai loại lợi ích, như chúng ta đã thấy trong hai vụ cháy nêu trên.

Tôi hoàn toàn đồng ý rằng trước mắt các cơ quan chức năng phải làm rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy ngày 24/5 tại phố Trung Kính, Hà Nội, nghiêm túc xem xét trách nhiệm của các bên liên quan. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần khẩn trương siết chặt các biện pháp quản lý, đặc biệt cần tăng cường các phương án và phương tiện PCCC tại những địa điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Tuy nhiên, về lâu dài, nguy cơ hỏa hoạn tại những địa điểm cư trú kết hợp sản xuất, kinh doanh ở nước ta vẫn luôn tiềm ẩn. Từ cách tiếp cận này, tôi cho rằng, các chính quyền đô thị cần từng bước áp dụng biện pháp phù hợp để tách bạch giữa nơi ở và nơi sản xuất, kinh doanh, qua đó giảm thiểu nguy cơ với các lợi ích chung trong khi không xâm phạm thô bạo các lợi ích riêng của người dân.

Thứ nhất, chính quyền các địa phương cần rà soát, thống kê các hộ gia đình kết hợp nơi ở với các hoạt động kinh tế. Trên cơ sở đó, chính quyền sẽ nắm bắt được tình hình chung, đặc biệt là những địa điểm có thể tiềm ẩn các nguy cơ với lợi ích chung của cư dân để có biện pháp quản lý phù hợp.

Thứ hai, với những hộ gia đình sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ có thể thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, ô nhiễm môi trường… tức là đe dọa lợi ích chung thì cần quản lý chặt chẽ, thậm chí không cho phép hoạt động tại địa bàn có mật độ dân số đông đúc.

Thứ ba, về lâu dài, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, ban hành các quy định về địa điểm, không gian cần thiết cho các nhu cầu cư trú và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguyên tắc chung, cần tuân thủ tuyệt đối là việc theo đuổi các lợi ích riêng không được đe dọa các lợi ích chung, qua đó từng bước tách bạch giữa nơi ở và nơi diễn ra hoạt động kinh tế.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!