Tâm điểm
Bích Diệp

"Ác mẫu" mầm non

Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi) - 2 người trông giữ trẻ - vừa bị Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) triệu tập để điều tra nguyên nhân gây ra cái chết của một bé trai 17 tháng tuổi. Cháu bé tử vong sau khi đến lớp mầm non do An và Lành đứng lớp.

Tại trụ sở công an, trước khi khai nhận hành vi đánh đập dã man với cháu bé, An và Lành vẫn quanh co chối tội, khai man, không thành khẩn. Cho đến khi những tình tiết bạo hành được khai nhận, bất cứ ai cũng không khỏi rùng mình ớn lạnh.

Cụ thể, lời khai của các đối tượng thể hiện, sáng 23/2, bé Đ. được mẹ đưa đến lớp của An và Lành. Đến khoảng 9h, 2 đối tượng đưa các cháu vào buồng ngủ thì Đ. khóc, chạy ra ngoài. Thấy vậy, Lành bực tức, dùng 2 tay bế Đ. lên rồi ném, làm đầu bé trai đập xuống nền nhà, tiếp đó, đối tượng dùng tay tát nạn nhân. Trong khi đó, An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và dẫm vào đầu cháu bé.

Trong các ngày 24, 25 và 26/2, bé trai tiếp tục được đưa đến lớp của An. Vào sáng 26/2, An dùng chân đạp vào bụng Đ. khi thấy bé trai khóc. Cú đạp khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau đó, An và Lành gọi gia đình cháu bé và cùng đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Tôi tự hỏi vì sao những người phụ nữ này lại có thể ra tay tàn ác với một đứa trẻ 17 tháng như vậy? Ở độ tuổi 30, không biết họ đã có con chưa? Làm nghề trông giữ trẻ mà lại không hề có tình cảm với trẻ, không có tình yêu thương và lòng trắc ẩn - thật đáng sợ biết bao!

Ác mẫu mầm non - 1

Đằng sau cánh cửa của cơ sở mầm non này, một bé trai 17 tháng tuổi đã bị bạo hành đến mức tử vong (Ảnh: Hải Nam).

Những đứa trẻ có thể sẽ có những lúc bướng bỉnh, không nghe lời hoặc có những hành động khiến người lớn bực bội, nhưng có đến mức khiến 2 người phụ nữ cùng lúc đánh đập như vậy hay không? Ở độ tuổi ấy, cháu bé còn chưa thể nói rõ ràng, huống hồ càng không có sức chống cự, chưa thể tự bảo vệ bản thân. Họ đánh một đứa trẻ đơn thuần chỉ để xả giận, để hả dạ, đã cơn nư?

Tôi cũng là một người mẹ từng trải qua thời gian cảm thấy khó khăn trong việc xử lý với những lúc con biếng ăn, nghịch phá, không nghe lời. Sau mỗi lần cáu giận con, tôi lại hối hận vì vốn dĩ, con trẻ chưa hoàn thiện các kỹ năng để giao tiếp với bố mẹ, để nói ra những điều con muốn. Một người bạn của tôi từng chia sẻ rằng, chỉ vì lỡ đánh con khi con làm vỡ bình hoa mà suốt cả đêm day dứt không ngủ nổi.

Tuy nhiên, tôi và nhiều bậc phụ huynh đều đặt kỳ vọng rằng, khi gửi con cho nhà trường, giáo viên mầm non với kỹ năng sư phạm sẽ có những phương pháp để chỉ dạy, nâng đỡ con những bước đi đầu đời. Đáng tiếc, rất nhiều gia đình lại không may gửi gắm con cho "ác mẫu" mà không hề hay biết. Cơ sở trông trẻ không đủ điều kiện về vật chất, người trông giữ trẻ không có nghiệp vụ sư phạm, không được đào tạo, không có kỹ năng chăm sóc trẻ, thậm chí rất nhiều trường hợp có vấn đề về nhân cách, thiếu đạo đức, vô nhân tính.

Như trường hợp ở cháu Đ., theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín, nơi cháu theo học là một cơ sở mầm non không được cấp phép hoạt động, từng bị chính quyền xã lập biên bản xử lý vì hoạt động chui. Hiện, cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ cơ sở này để phục vụ công tác điều tra.

Đáng nói, đây không phải là trường hợp thương tâm đầu tiên trẻ mầm non tử vong do bị bạo hành trên lớp. Tháng 11/2022 (tức chỉ mới ít tháng trước), một bé gái 17 tháng tuổi ở phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM cũng đã không thể qua khỏi do bị người giữ trẻ bạo hành, gây chấn thương sọ não đến mức tử vong. "Ác mẫu" này cho biết nhiều lần dùng tay, cán chổi bằng nhựa đánh vào mặt, tay chân của bé gái do "bé hay quấy khóc" và "cha bé không trả tiền giữ bé đúng hạn".

Cũng trong năm 2022, tại TPHCM, bé gái T.K. chỉ mới 1 tuổi chết tức tưởi dưới tay người chăm sóc Hứa Thị Kim Trang trong tình trạng đa chấn thương vùng bụng, dập gan, dập phổi… Hay trường hợp tại Lâm Đồng, cháu bé 2 tuổi con chị C.T.T.H. bị hai bảo mẫu là Huỳnh Thị Thanh Hằng (26 tuổi) và Vương Ngọc Thảo Vy (27 tuổi) đánh đập dã man đến mức chấn thương sọ não, tụ máu não và dập phổi...

Điểm chung của các trường hợp trẻ bị bạo hành phần lớn là diễn ra tại các cơ sở mầm non không được cấp phép, hoặc được gửi gắm cho những nơi trông trẻ tự phát. Theo đó, nhiều gia đình với điều kiện tài chính eo hẹp, khó khăn không thể gửi con tại những cơ sở tư nhân với chi phí lớn. Nhiều trường hợp cơ sở mầm non hoạt động chui, bản thân phụ huynh cũng không thể nào xác định. Còn với trường công lập, do không giữ trẻ vào thứ 7 nên sẽ khó khăn về mặt thời gian với những phụ huynh làm nghề tự do hoặc làm công nhân.

Đành rằng, việc quản lý hoạt động của những địa điểm trông giữ trẻ tự phát không dễ dàng, tuy nhiên vai trò của địa phương là rất quan trọng. Chỉ cần một sự tắc trách là đã có thể dẫn đến kết cục thương tâm của những đứa trẻ. Với các bậc phụ huynh, cho đến khi con là nạn nhân của những vụ bạo hành, trẻ gánh chịu tổn thương lớn lao, còn nỗi đau trong lòng người cha, người mẹ vẫn còn dai dẳng, đeo bám rất lâu về sau.

Chúng ta có Luật Trẻ em 2016 với 17 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở các cấp độ khác nhau, vậy nhưng tình trạng trẻ bị bạo hành vẫn nhức nhối. Theo đó, bên cạnh việc phòng, chống bạo hành từ gia đình đến nhà trường và ngoài xã hội thì các hình phạt với hành vi bạo hành trẻ phải đủ sức răn đe. Xã hội phải đặt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của trẻ em lên hàng đầu và bất cứ sự xâm phạm nào tới trẻ đều phải bị xử lý nghiêm minh. Riêng với những trường hợp cố tình bạo hành với hành vi bạo lực nguy hiểm lặp lại nhiều lần, gây tử vong cho trẻ, không gì khác cần phải xem xét tội giết người.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!