Bạo hành trẻ mầm non, bài toán cần lời giải của Bộ trưởng GD&ĐT!
(Dân trí) - Một nền giáo dục lành mạnh, trước khi tìm những hướng đi đột phá về giáo trình, về truyền đạt kiến thức, cần phải là một nền giáo dục đi lên từ tình yêu, tình thương và sự nhân văn.
Một cháu bé đang cố gào khóc, giãy giụa khi bị nhét giẻ vào miệng tại một cơ sở mầm non - video gây phẫn nộ này đang lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều bậc phụ huynh hẳn cũng như tôi, khi nhìn thấy hình ảnh đó đều không khỏi bàng hoàng lẫn xót xa, giận dữ.
Theo phản ánh, cháu bé còn chưa tới 1 tuổi, có lẽ là vẫn chưa biết nói, chưa biết sử dụng ngôn từ để biểu đạt mong muốn của mình.
Do đó, ở độ tuổi này của trẻ, thông thường, các gia đình vẫn chưa gửi trẻ ở trường mầm non, mà thuê giúp việc tại nhà hoặc gửi người thân trông nom trong khi người mẹ đã hết chế độ nghỉ thai sản.
Tôi không rõ hoàn cảnh cụ thể của gia đình cháu bé, song việc cháu được đưa đi gửi trẻ quá sớm, hẳn cũng là "bất đắc dĩ". Cũng là một người mẹ, tôi hiểu người thân của cháu đã phải tự trách bản thân và giận dữ đến nhường nào khi chứng kiến con trai mình bị người trông trẻ nhét giẻ vào miệng như thế.
Hành động đó, ngay với người lớn cũng là phản cảm và khó chấp nhận (có thể bị khép vào tội xâm phạm đến sức khỏe danh dự và nhân phẩm của người khác), huống hồ với một đứa bé còn quá nhỏ, không hề có sức tự vệ, không thể bảo vệ bản thân, cũng không thể nói lại với ai về việc mình bị bạo hành.
Sau khi clip nói trên được đưa lên mạng xã hội, bà Trần Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình cho biết, sáng 29/6, Sở đã nắm được vụ việc có dấu hiệu bạo hành trẻ nhỏ tại lớp mầm non đóng trên địa bàn phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình.
Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình đã có văn bản yêu cầu Phòng GD&ĐT thành phố kiểm tra, xác minh và báo cáo. Trước mắt, UBND thành phố Thái Bình đã có công văn chỉ đạo tạm đình chỉ hoạt động của lớp này để điều tra làm rõ.
Đến sáng 30/6, ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết, người nhét giẻ vào miệng cháu bé 11 tháng tuổi ở Thái Bình được xác định là em gái ruột của chủ lớp trẻ mầm non Sao Việt.
Ông Hiển thông tin thêm, người này hiện là sinh viên, không có hợp đồng lao động với chủ cơ sở giáo dục này. Do sự việc phức tạp nên cơ quan công an đang vào cuộc xác minh, làm rõ động cơ của người quay video, ai là người nhờ sinh viên này trông lớp, có hay không việc dàn dựng…
Trong một động thái mới nhất, Bộ GD&ĐT đã trao đổi nhanh với lãnh đạo Sở GD&ĐT Thái Bình, yêu cầu sở này phối hợp với các đơn vị chức năng khẩn trương xác minh, báo cáo vụ việc về Bộ để có hình thức xử lý nghiêm.
Người viết thấy rằng, với trường hợp này, ngành giáo dục đã có chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời để sớm làm rõ sự việc. Đồng thời, đúng như Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình đã tuyên bố: Cho dù là ai, hành vi nhét giẻ vào miệng cháu bé cũng là vi phạm nghiêm trọng, không thế chấp nhận được. "Nếu cơ quan điều tra xác minh thấy có dấu hiệu hình sự thì phải khởi tố. Cần xử lý nghiêm túc, làm điểm để mang tính răn đe trên địa bàn" - ông Nguyễn Viết Hiển cho biết.
Sự mạnh tay lúc này là cần thiết. Thứ nhất, nếu đúng có việc để người ngoài (là sinh viên, không có nghiệp vụ sư phạm, không có phận sự) vào cơ sở trường học và gây tổn hại đến trẻ, thì chủ trường càng phải bị xử lý nặng tay chứ không chỉ là đình chỉ.
Thứ hai, cần đặt câu hỏi, vì sao xã hội đã lên án rất nhiều lần hành vi bạo hành, xâm hại trẻ mà tình trạng này vẫn xảy ra? Liệu có phải vì chế tài xử phạt vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe?
Và cuối cùng, thật sự mong ngành giáo dục hãy quan tâm hơn nữa đến chất lượng nhân sự trong ngành. Một nền giáo dục lành mạnh, trước khi tìm những hướng đi đột phá về giáo trình, về truyền đạt kiến thức, cần phải là một nền giáo dục đi lên từ tình yêu, tình thương và sự nhân văn. Muốn vậy, trước hết phải bắt đầu từ những người thực tâm yêu trẻ.
Và đây cũng là bài toán cần có lời giải của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.