DNews

Tắt sóng 2G, điện thoại "cục gạch" sẽ mất kết nối từ thời điểm nào?

T.Thủy

(Dân trí) - Sự ra đời và phổ biến của các công nghệ mạng di động thế hệ mới đã khiến mạng 2G trở nên lỗi thời và dần được thay thế.

Tắt sóng 2G, điện thoại "cục gạch" sẽ mất kết nối từ thời điểm nào?

Việt Nam sẽ tắt sóng 2G vào lúc nào?

Mạng 2G là công nghệ mạng di động viễn thông thế hệ thứ 2. Đây là thế hệ mạng di động đầu tiên sử dụng kỹ thuật số để truyền dữ liệu. Mạng 2G được thương mại hóa lần đầu tiên ở Phần Lan vào năm 1991 bởi nhà mạng Radiolinja và nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Mạng 2G dần được thay thế bởi mạng 3G (công nghệ mạng di động viễn thông thế hệ thứ 3) từ khoảng năm 2002. Tại Việt Nam, mạng 3G được triển khai lần đầu tiên vào năm 2009 và nhanh chóng được phủ sóng trên các tỉnh thành khắp cả nước.

Sự ra đời và phổ biến của các công nghệ mạng di động thế hệ mới đã khiến mạng 2G trở nên lỗi thời và dần được thay thế.

Tắt sóng 2G, điện thoại cục gạch sẽ mất kết nối từ thời điểm nào? - 1

Mạng 2G đã trở nên lỗi thời và được thay thế bởi những công nghệ mạng hiện đại hơn (Ảnh: RGBWebtech).

Tính đến năm 2023, nhiều quốc gia trên thế giới đã ngừng cung cấp dịch vụ và hoàn toàn tắt sóng 2G, chẳng hạn Mỹ (bắt đầu tắt sóng 2G từ năm 2017), Nhật Bản (tắt sóng 2G từ năm 2010), Hàn Quốc (tắt sóng 2G từ năm 2011), Singapore (tắt sóng 2G từ năm 2017), Thái Lan (tắt sóng 2G từ năm 2019)…

Tại Việt Nam, theo kế hoạch của Bộ TT&TT, đến tháng 9/2024 sẽ không còn thiết bị di động sử dụng mạng 2G và sẽ tắt sóng 2G hoàn toàn vào tháng 9/2026.

Như vậy tới tháng 9/2024, điện thoại sử dụng công nghệ 2G only sẽ mất kết nối hoàn toàn.

Đây được xem là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.

Tắt sóng 2G sẽ giúp tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn. Tắt sóng 2G cũng giúp giảm ô nhiễm điện từ, do mạng 2G sử dụng công nghệ cũ và tiêu tốn nhiều năng lượng để phát sóng.

Việc tắt sóng 2G là một xu hướng tất yếu trong sự phát triển của công nghệ di động. Mạng 2G đã quá lạc hậu và không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng về tốc độ truyền dữ liệu và khả năng truy cập internet. Tắt sóng 2G cũng sẽ giúp các nhà mạng tập trung nguồn lực để phát triển các công nghệ mạng 4G và 5G mới hơn.

Điện thoại "cục gạch" hỗ trợ 4G sẽ được thay thế

Như trên đã đề cập, đến tháng 9 tới đây, tại Việt Nam sẽ không còn thiết bị di động nào sử dụng mạng 2G hoạt động. Điều này khiến nhiều người lo lắng rằng tất cả các mẫu điện thoại cơ bản (feature phone) sẽ không thể tiếp tục sử dụng.

Điện thoại "cục gạch" là tên gọi quen thuộc của các mẫu điện thoại với thiết kế đơn giản, sử dụng bàn phím vật lý và chỉ bao gồm chức năng chính là nghe, gọi điện, nhắn tin.

Tắt sóng 2G, điện thoại cục gạch sẽ mất kết nối từ thời điểm nào? - 2

Loại máy này nổi bật với ưu điểm đơn giản, dễ sử dụng và đặc biệt có thời lượng pin sử dụng rất lâu, do vậy phù hợp với những người cao tuổi không đòi hỏi quá cao, cũng như những người thường xuyên sử dụng điện thoại để liên lạc hơn là một thiết bị giải trí hoặc để kết nối internet.

Khi nhà mạng ngừng sóng 2G, chỉ những điện thoại "cục gạch" hỗ trợ mạng 2G mới không thể tiếp tục sử dụng, còn hiện nay, nhiều chiếc điện thoại cơ bản được ra đời đã hỗ trợ mạng 4G thế hệ mới và những sản phẩm này vẫn có thể tiếp tục sử dụng bình thường.

Trong trường hợp bạn vẫn muốn tiếp tục sử dụng điện thoại "cục gạch" sau khi sóng 2G đã bị tắt, dưới đây là những sản phẩm đáng cân nhắc để lựa chọn. Đây là những mẫu điện thoại cơ bản thế hệ mới, đã được nâng cấp hỗ trợ mạng 4G, cho phép người dùng tiếp tục sử dụng ngay cả khi sóng 2G đã bị tắt.

Nokia 105 - Giá tham khảo 610.000 đồng

Nhắc đến điện thoại "cục gạch", nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những sản phẩm của Nokia.

Nokia 105 là chiếc điện thoại cơ bản được ra mắt vào năm 2013 dành cho những quốc gia nghèo và đang phát triển. Đến năm 2021, chiếc điện thoại này được "hồi sinh" và bổ sung thêm nhiều tính năng mới, bao gồm kết nối 4G.

Mở hôp Nokia 105 - Điện thoại "cục gạch" kết nối 4G của Nokia (Video: Twitter).

Nokia 105 có màn hình màu TFT LCD rộng 1,8-inch, hỗ trợ 2 SIM 2 sóng, bộ nhớ lưu trữ 128MB, cho phép lưu danh bạ 2.000 số. Sản phẩm không được tích hợp camera, nhưng có đèn pin để chiếu sáng khi cần.

Nokia 110 4G Pro - Giá tham khảo 720.000 đồng

Nokia 110 được Nokia ra đời lần đầu tiên vào năm 2012 và nhanh chóng trở thành chiếc điện thoại cơ bản được nhiều người yêu thích. Đến tháng 7/2023, Nokia ra mắt phiên bản nâng cấp của sản phẩm, với tên gọi Nokia 110 4G Pro.

Mở hộp điện thoại "cục gạch" Nokia 110 4G Pro (Video: Twitter).

Sản phẩm có màn hình màu 1,77-inch, bộ nhớ lưu trữ 128MB và có thể mở rộng nhờ khe cắm thẻ nhớ ngoài, với dung lượng tối đa 32GB. Mặt sau của điện thoại là camera, nhưng chỉ ở mức QVGA (320x240).

Nokia 110 4G Pro được trang bị thỏi pin dung lượng 1.450mAh, cho phép hoạt động liên tục trong 5 ngày cho mỗi lần sạc. Sản phẩm cũng được trang bị đèn pin phía cạnh trên của máy để sử dụng khi cần.

Mobell Rock 4 - Giá tham khảo: 670.000 đồng

Bên cạnh Nokia, Mobell - hãng điện thoại đến từ Singapore - cũng nổi bật với nhiều mẫu điện thoại "cục gạch" được người dùng Việt Nam yêu thích.

Tắt sóng 2G, điện thoại cục gạch sẽ mất kết nối từ thời điểm nào? - 3

Mobell Rock 4 sở hữu thiết kế "nồi đồng cối đá", phù hợp sử dụng trong nhiều điều kiện khác nhau (Ảnh: Mobell).

Trong trường hợp bạn cần tìm một chiếc điện thoại với các chức năng cơ bản nhưng sở hữu thỏi pin lớn cùng thiết kế "hầm hố", có khả năng hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt… thì Mobell Rock 4 sẽ là sự lựa chọn không thể bỏ qua.

Sản phẩm sở hữu màn hình màu kích thước 2,4-inch, bộ nhớ trong 128MB, hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ ngoài dung lượng 64GB. Điểm nổi bật nhất của chiếc điện thoại này đó là được trang bị pin dung lượng 3.250mAh, đèn pin công suất lớn ở cạnh trên và tích hợp nút tắt/bật đèn pin nhanh chóng ở cạnh bên.

Masstel FAMI 60 - Giá tham khảo 600.000 đồng

Nếu là một người yêu thích nghe nhạc trên điện thoại, bạn có thể lựa chọn FAMI 60 của hãng điện thoại Việt Masstel.

Tắt sóng 2G, điện thoại cục gạch sẽ mất kết nối từ thời điểm nào? - 4

Masstel FAMI 60 được tích hợp nút bấm "SOS" để liên hệ với người thân ngay khi cần (Ảnh: Masstel).

Chiếc điện thoại này nổi bật với loa ngoài công suất lớn tích hợp ở mặt sau, cho phép người dùng nghe nhạc trực tiếp trên sản phẩm. FAMI 60 hỗ trợ gắn thẻ nhớ ngoài dung lượng 32GB, cho phép người dùng lưu trữ file mp3 để nghe nhạc trên thiết bị. Cũng như Mobell Rock 4 ở trên, FAMI 60 cũng được tích hợp đèn pin công suất lớn ở cạnh trên.

Sản phẩm có màn hình màu 2-inch và thỏi pin dung lượng lớn 2.000mAh, cho phép sử dụng liên tục trong nhiều ngày.

Một điểm nổi bật của chiếc điện thoại này đó là được tích hợp nút bấm "SOS", cho phép người dùng có thể dễ dàng liên lạc với người thân khi bấm vào nút này. Tính năng này phù hợp với những người dùng cao tuổi.

Itel It9210 - Giá tham khảo 550.000 đồng

It9210 là mẫu điện thoại của Itel (Trung Quốc), nổi bật với thỏi pin dung lượng 1.900mAh, giúp sản phẩm trở thành một trong những chiếc điện thoại cơ bản có giá rẻ nhưng sở hữu pin lớn nhất thị trường.

Tắt sóng 2G, điện thoại cục gạch sẽ mất kết nối từ thời điểm nào? - 5

Itel It9210 nổi bật với thỏi pin lớn, camera tích hợp cả đèn flash (Ảnh: Itel).

Chiếc điện thoại này có màn hình màu 2,4-inch, kèm theo camera 0,3 megapixel và đèn flash ở mặt sau. Người dùng có thể sử dụng đèn flash này với chức năng đèn pin để soi sáng.

It9210 có bộ nhớ lưu trữ 128MB, hỗ trợ thẻ nhớ ngoài dung lượng tối đa 64GB để lưu trữ nhạc mp3, video định dạng mp4…