Viện Y dược học dân tộc TPHCM đòi lại thu nhập tăng thêm có đúng luật?
(Dân trí) - Luật sư cho rằng, việc Viện Y dược học dân tộc TPHCM yêu cầu hoàn trả thu nhập tăng thêm của người lao động là chưa đúng luật, cần làm rõ.
Như đã thông tin, thời gian qua Báo Dân trí nhận được phản ánh của nhiều nhân viên y tế về các vấn đề tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM, như bị "treo" đơn xin nghỉ việc kéo dài, thu phí xác nhận thực hành dù là nhân viên cống hiến cho đơn vị nhiều năm… Bên cạnh đó, nhiều người lao động còn bức xúc việc bị yêu cầu trả lại nhiều khoản được gọi là "tạm ứng thu nhập tăng thêm" mới được giải quyết cho nghỉ việc.
Liên quan đến các phản ánh bất cập tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, sau khi ghi nhận thông tin từ Báo Dân trí, Thanh tra Sở Y tế và Phòng Tổ chức cán bộ của Sở Y tế đang tiến hành làm việc với Viện Y dược học dân tộc TPHCM.
Ngày 2/10, ông Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã ký giấy mời chị L.U.N.B. (nhân vật trong bài viết "Sống lao đao vì bị Viện Y dược học dân tộc TPHCM treo đơn xin nghỉ" mà báo Dân trí đăng tải) đến làm việc để giải quyết cho thôi việc. Buổi làm việc diễn ra ngày 8/10.
Báo Dân trí tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc nêu trên.
Nhận tiền dịp lễ, ngày làm đầu năm, khi thu hồi bị tính trung bình cả năm
Anh Minh (tên nhân vật đã thay đổi) có 7 năm làm việc ở Viện Y dược học dân tộc TPHCM. Đến giữa năm nay, anh Minh xin nghỉ việc từ đầu tháng 6 vì thu nhập thời điểm ấy chỉ còn hơn 8 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống.
Khi nộp đơn xin nghỉ, anh Minh nhận được thông báo phải trả lại nhiều khoản tiền cho Viện Y dược học dân tộc TPHCM, bao gồm tiền tạm ứng thu nhập tăng thêm đối với các tháng không làm việc trong năm 2024 và chi phí đào tạo.
Cụ thể, anh Minh được xác định có thời gian làm việc trong năm 2024 là 5 tháng, nên bị thu hồi 7 tháng tạm ứng thu nhập tăng thêm dịp Tết Dương lịch và Tết Giáp Thìn 2024.
Ngoài ra, khoản tiền khác đã được nhận như đi làm ngày đầu năm, làm ngày cuối năm, dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), Giỗ Y tổ Hải Thượng Lãn Ông (rằm tháng Giêng), Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Lễ 30/4, Quốc tế lao động (1/5) cũng bị thu hồi.
Đáng chú ý, những dịp này là thời gian trước khi nam nhân viên y tế nêu trên xin nghỉ việc, và dù chi lẻ từng ngày lễ, Viện Y dược học dân tộc TPHCM lại chia trung bình cả năm, rồi trừ thời gian chưa làm việc trong năm để yêu cầu nhân viên trả lại. Tổng cộng, anh Minh bị thu hồi hơn 13,1 triệu đồng thu nhập tăng thêm.
Tương tự, khi nộp đơn xin nghỉ việc, chị C.L.N. bị Viện Y dược học dân tộc TPHCM yêu cầu trả lại các khoản tạm ứng thu nhập tăng thêm với những tháng không làm việc còn lại trong năm (3 tháng), như: Tiền nhận được dịp Tết Nguyên đán, ngày làm đầu năm, Giỗ Y tổ Hải Thượng Lãn Ông, Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ 30/4...
Đáng chú ý, số tiền bị thu hồi là "khoản tạm ứng kinh phí thu nhập tăng thêm cho 12 tháng", nên được tính trung bình theo 3 tháng chị N. chưa làm việc để người lao động trả lại số tiền tương ứng.
Dù đồng ý trả lại tiền, chị N. đề nghị Viện Y dược học dân tộc TPHCM ra quyết định thu hồi các khoản tiền để có căn cứ quyết toán thuế thu nhập cá nhân sau khi nghỉ việc. Tuy nhiên, Viện Y dược học dân tộc TPHCM không chấp nhận, với lý do quy trình giải quyết đơn xin nghỉ việc đối với viên chức, người lao động của đơn vị ban hành không đề cập việc này.
"Theo cách giải thích của Viện Y dược học dân tộc TPHCM, các khoản tiền nhân viên, viên chức được nhận dịp Lễ, Tết và cả thu nhập tăng thêm hàng tháng của tôi là tiền tạm ứng của 12 tháng trong năm dương lịch đó, gọi là chi gối đầu", chị N. nói.
Cựu nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tên N.T., sau khi nộp đơn xin nghỉ việc cũng bị Viện Y dược học dân tộc TPHCM yêu cầu trả lại nhiều khoản tiền đã được nhận như các trường hợp trên, chia trung bình cho 7,5 tháng chưa làm việc trong năm. Tổng cộng, chị phải trả lại hơn 9,3 triệu đồng.
Theo công văn phúc đáp gửi Báo Dân trí, phía Viện Y dược học dân tộc TPHCM cho rằng, cơ sở y tế này không chi tiền thưởng mà chỉ chi tạm ứng thu nhập tăng thêm (như dịp Tết). Khi viên chức, người lao động nghỉ việc phải có trách nhiệm hoàn trả cho Viện Y dược học Dân tộc TPHCM kinh phí đào tạo và các khoản chi tạm ứng thu nhập tăng thêm trong năm.
Cần làm rõ việc thu hồi thu nhập tăng thêm
Trao đổi với phóng viên Dân trí liên quan đến vấn đề trên, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, thu nhập tăng thêm là thu nhập ngoài tiền lương, tiền công mà cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nhận, theo quy chế chi tiêu nội bộ của từng cơ quan, đơn vị.
Căn cứ theo Khoản 8, Điều 3, Thông tư liên tịch 71/2014/TTLT-BTC-BNV, trong phạm vi nguồn tiền tiết kiệm được, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được áp dụng hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá một lần so với tiền lương ngạch, bậc, chức vụ do Nhà nước quy định, để trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức và người lao động.
Việc chi trả này phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người (hoặc từng bộ phận trực thuộc), không chia thu nhập tăng thêm cào bằng bình quân hoặc chia theo hệ số lương.
Cũng theo Thông tư trên, trong năm, đơn vị tự chủ được tạm ứng từ dự toán đã giao thực hiện chế độ tự chủ để chi thu nhập tăng thêm, chi cho các hoạt động phúc lợi. Về mức tạm chi, thủ trưởng cơ quan căn cứ vào kinh phí có thể tiết kiệm được để quyết định tạm chi trước thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức và người lao động theo quý.
Song song đó, trong năm, thủ trưởng cơ quan căn cứ vào số kinh phí có khả năng tiết kiệm được để quyết định tạm chi trước đối với các hoạt động phúc lợi, chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân và hạch toán theo dõi khoản tạm chi.
Khi kết thúc năm, trước ngày 31/1 năm sau, đơn vị phải lập báo cáo kết quả thực hiện chế độ tự chủ gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp. Trên cơ sở báo cáo, đơn vị tự xác định số kinh phí tiết kiệm được của năm trước gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch, để thanh toán thu nhập tăng thêm theo chế độ quy định.
Trên cơ sở văn bản đề nghị của cơ quan, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thanh toán thu nhập tăng thêm cho cơ quan thực hiện chế độ tự chủ, bảo đảm không vượt quá mức tối đa quy định; quyết toán số tạm chi đối với các hoạt động phúc lợi, khen thưởng.
Khi quyết toán được phê duyệt, trường hợp số tiền tiết kiệm nhiều hơn, cơ quan được tiếp tục trả thu nhập tăng thêm hoặc chi các hoạt động phúc lợi, khen thưởng theo chế độ quy định. Ngược lại, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thu hồi bằng cách trừ vào tiền tiết kiệm năm tiếp theo của cơ quan.
Luật sư Hùng cho biết, căn cứ quy định nêu trên, đối với việc Viện Y dược học dân tộc TPHCM thu hồi tiền đã tạm chi cho trường hợp nghỉ việc, cần xem xét thời điểm bắt đầu năm tài chính đến khi nghỉ việc của người lao động, và phải căn cứ vào hiệu suất công việc, thành tích đóng góp thực tế của người lao động.
Trường hợp đơn vị sử dụng lao động yêu cầu nhân viên y tế hoàn trả thu nhập tăng thêm đã tạm chi đối với khoảng thời gian họ đã làm việc (như các ngày lễ, Tết đã qua) là chưa đúng luật. Theo quy định hiện nay, người sử dụng lao động chỉ được yêu cầu người lao động đền bù phí đào tạo, còn thu nhập tăng thêm do đơn vị trả thì không yêu cầu bồi hoàn.
Nếu đơn vị thực hiện sai quy chế hay không tuân thủ các quy định về trả thu nhập tăng thêm, người lao động có thể khiếu nại lên thủ trưởng đơn vị để được giải quyết.