DNews

Toàn cảnh chiến dịch tiêm 1.134.200 liều vaccine chặn sởi

Minh Nhật

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định, nếu không có biện pháp kiểm soát, dịch sởi có thể bùng phát mạnh vào thời điểm học sinh quay trở lại trường trong tháng 9.

Toàn cảnh chiến dịch tiêm 1.134.200 liều vaccine chặn sởi

Dịch bệnh được báo trước từ "khoảng trống vaccine"

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc sởi. Dịch sởi đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Theo thống kê, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, TPHCM đã ghi nhận hơn 600 ca mắc bệnh sởi, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Toàn cảnh chiến dịch tiêm 1.134.200 liều vaccine chặn sởi - 1

Sởi gia tăng mạnh tại TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.

Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...

Ngày 19/8, Bộ Y tế cũng đã có công văn chỉ đạo khẩn TPHCM tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Toàn cảnh chiến dịch tiêm 1.134.200 liều vaccine chặn sởi - 2

Một bệnh nhi mắc sởi với triệu chứng dễ nhận biết là mẩn đỏ nổi khắp người, được cách ly và điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: Hải Long).

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện tình hình bệnh sởi trên địa bàn thành phố đang có diễn biến phức tạp.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu TPHCM sẵn sàng kế hoạch dự phòng và ứng phó với bệnh dịch theo các mức độ, quy mô của dịch; ban hành các hướng dẫn, quy trình ứng phó khi có ca bệnh nhiễm, nghi nhiễm sởi đến khám tại đơn vị, bao gồm quy trình phân luồng, khám sàng lọc, cách ly, đưa người nhiễm vào khu điều trị.

Trên thực tế, sự bùng phát của sởi hay một số dịch bệnh khác là vấn đề đã được nhận ra từ trước. Thủ phạm chính được chỉ ra là "khoảng trống vaccine".

Theo WHO, tại Việt Nam việc đại dịch Covid-19 hoành hành đã gây gián đoạn nguồn cung ứng vaccine, cũng như công tác tiêm chủng vaccine. Điều này tạo ra khoảng trống vaccine ở nhiều trẻ em.

Toàn cảnh chiến dịch tiêm 1.134.200 liều vaccine chặn sởi - 3
Toàn cảnh chiến dịch tiêm 1.134.200 liều vaccine chặn sởi - 4

"Tại Việt Nam, hàng trăm nghìn trẻ em đã không được tiêm chủng từ năm 2021 tạo nên sự suy giảm trong tiêm chủng chưa từng thấy.

Kết quả là số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine đang gia tăng như: bạch hầu, ho gà đặc biệt là sởi đang lây nhiễm rất mạnh mẽ hiện nay", bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhận định.

Theo TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ cuối năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới đã có cảnh báo về dịch sởi.

Toàn cảnh chiến dịch tiêm 1.134.200 liều vaccine chặn sởi - 5

TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Ảnh: Bộ Y tế).

"Theo cảnh báo của WHO, sau đại dịch Covid-19, rất nhiều nước trên thế giới sẽ có số ca mắc sởi tăng. WHO cũng đã trao đổi với phía Việt Nam về vấn đề này", ông Đức cho hay.

Theo bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, dịch sởi có thể bùng phát mạnh vào thời điểm học sinh quay trở lại trường trong tháng 9.

Triển khai đại chiến dịch chặn sởi bằng 1.134.200 liều vaccine như thế nào?

Đối với sởi, tiêm chủng vaccine được đánh giá là "vũ khí" hiệu quả nhất để kiểm soát dịch.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành công trong việc tăng cường tỷ lệ tiêm chủng và kiểm soát các dịch bệnh, nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức mới.

Sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm mới, những thông tin sai lệch về tiêm chủng và sự giảm sút tỷ lệ tiêm chủng ở một số khu vực đang đe dọa đến thành quả mà Việt Nam đã dày công xây dựng.

Toàn cảnh chiến dịch tiêm 1.134.200 liều vaccine chặn sởi - 6

Đối với sởi, tiêm chủng vaccine được đánh giá là "vũ khí" hiệu quả nhất để kiểm soát dịch (Ảnh minh họa: Getty).

Kết quả khảo sát miễn dịch cộng đồng bệnh sởi do các đơn vị y tế trên địa bàn TPHCM cho thấy, tỉ lệ có kháng thể phòng bệnh sởi ở trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi chỉ đạt 86%. Trong khi để có thể bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi thì tỉ lệ phải trên 95%. Do vậy nguy cơ bùng phát dịch sởi là rất lớn.

Theo các chuyên gia y tế, bất kỳ người nào không có miễn dịch (không được tiêm chủng hoặc đã được tiêm chủng nhưng không phát triển miễn dịch) đều có thể bị nhiễm bệnh.

Để kiểm soát dịch sởi, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO, UNICEF xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi năm 2024 với 1.134.200 liều vaccine do Chính phủ Úc tài trợ thông qua WHO.

Chiến dịch được triển khai tại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế tại các quận, huyện có nguy cơ và đang có các ca sởi/dịch sởi. Vaccine được cung cấp miễn phí cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.

Toàn cảnh chiến dịch tiêm 1.134.200 liều vaccine chặn sởi - 7

Đối tượng tiêm vaccine sởi trong chiến dịch là trẻ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Theo TS Đức, chiến dịch tiêm chủng sởi khác với kế hoạch tiêm bù, tiêm vét đã được thực hiện là đối tượng tiêm chủng được mở rộng. Trước đây chỉ tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Trong chiến dịch này đối tượng tiêm chủng là trẻ 1-10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Đáng chú ý, Bộ Y tế sẽ tiến hành tiêm vaccine sởi - rubella miễn phí cho các đối tượng này. 

Theo lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng, cơ quan này đánh giá nguy cơ của 63 tỉnh, thành và thấy rằng, dựa trên bộ công cụ do Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp, hiện tại có 18 tỉnh, thành nằm trong nhóm nguy cơ.

"Chúng tôi đánh giá nguy cơ đến tận tuyến huyện và có hơn 100 huyện sẽ nằm trong chiến dịch đợt một này, để tổ chức tiêm chủng", TS Đức thông tin.

TS Đức chia sẻ, tiêm vaccine sởi là biện pháp an toàn và hiệu quả nhằm phòng tránh bệnh sởi cũng như hạn chế nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm. Tất cả những người chưa có miễn dịch đối với virus sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, do đó cần tiêm vaccine sởi để tạo miễn dịch chủ động, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao.

WHO Việt Nam cho biết, sẽ đồng hành cùng Bộ Y tế trong nỗ lực ứng phó với tình hình hiện tại theo mọi cách có thể, cũng như củng cố hệ thống để tránh các đợt bùng phát trong tương lai, bao gồm giải quyết tình trạng thiếu hụt vaccine ứng phó với dịch bệnh và tăng cường năng lực chuẩn bị sẵn sàng nói chung.

Dốc toàn lực trước ngày tựu trường

Sởi lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần với người bệnh, khi bệnh nhân ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người bệnh.

Sởi là căn bệnh lây lan rất nhanh với hệ số lên đến 12-18 (tức một cá nhân mắc bệnh sởi có thể truyền virus cho 12-18 người không có miễn dịch ở xung quanh).

Toàn cảnh chiến dịch tiêm 1.134.200 liều vaccine chặn sởi - 8

Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine sởi trước ngày tựu trường (Ảnh minh họa: N.D).

"Trong phòng học chỉ cần có một trẻ mắc sởi, hầu hết các trẻ còn lại nếu chưa tiêm chủng đều có thể bị mắc bệnh. Do đó, ngay trước mùa tựu trường, Bộ Y tế đã triển khai tuần lễ tiêm chủng", TS Đức nhấn mạnh.

Trong công văn gửi Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Y tế nêu rõ cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học.

Điều này đồng nghĩa cần nhanh chóng tận dụng nhanh nhất, tối đa "những ngày vàng" còn lại trước khi sự lây nhiễm khó kiểm soát hơn.

"Chúng ta cần triển khai kịp thời các biện pháp để kiểm soát dịch sởi, đặc biệt là tiêm chủng vaccine. Chúng tôi khuyến khích tất cả các tỉnh thành coi chiến dịch tiêm chủng này là ưu tiên hàng đầu.

Trẻ em sắp quay lại trường học vào tháng 9 và có thể khiến dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn", bà Silvia Danailov phân tích.

Kiểm soát sởi: Cần sự chung tay

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, để chiến dịch tiêm chủng được triển khai thành công, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và người dân.

"Các bậc cha mẹ, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vì sức khỏe của con em mình trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng.

Toàn cảnh chiến dịch tiêm 1.134.200 liều vaccine chặn sởi - 9

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (Ảnh: Quốc Chính).

Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn trách nhiệm đối với cộng đồng", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Theo Bộ Y tế, để triển khai thành công chiến dịch này, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo sở, ban ngành xây dựng, ban hành kế hoạch tại địa phương.

Địa phương cần bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng, bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Các địa phương cần tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của chiến dịch tiêm vaccine Sởi - Rubella cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia tiêm vaccine.

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường phối hợp với Bộ Y tế trong việc rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tổ chức quốc tế như: WHO, UNICEF, Liên minh toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI)… tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho công tác tiêm chủng mở rộng Việt Nam.