1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hơn 500 ca sởi, TPHCM có đủ điều kiện công bố dịch?

Minh Nhật

(Dân trí) - Bộ Y tế đề nghị TPHCM khẩn trương chuẩn bị các nguồn lực ứng phó với bệnh sởi trước bối cảnh diễn biến phức tạp.

TPHCM đủ điều kiện công bố dịch sởi?

TPHCM hiện đang là địa phương có số ca mắc sởi cao nhất cả nước với hơn 500 trường hợp mắc và 3 ca tử vong.

Trước tình hình số ca bệnh sởi nhập viện tại các cơ sở y tế ở TPHCM không ngừng gia tăng, Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM công bố dịch sởi, nhất là trong bối cảnh năm học mới đang cận kề.

Theo TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), việc công bố dịch trước hết phải dựa theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hơn 500 ca sởi, TPHCM có đủ điều kiện công bố dịch? - 1

TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Ảnh: Bộ Y tế).

Quy định pháp luật nêu rõ, trong trường hợp số ca mắc vượt quá trung bình cùng kỳ của 3 năm được gọi là dịch.

Nếu 2 xã trở lên có dịch có thể công bố dịch ở huyện, nếu 2 huyện trở lên có dịch có thể công bố ở tỉnh và 2 tỉnh trở lên có thể công bố ở cấp quốc gia.

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, việc công bố dịch cần căn cứ theo khả năng đáp ứng và nguồn lực đáp ứng của địa phương.

Việc công bố dịch, theo TS Đức, còn phải tuân thủ theo Luật Phòng thủ dân sự. Theo đó, dịch bệnh được định nghĩa là thảm họa khi vượt ngưỡng.

"Hiện tại, TPHCM có nguy cơ và đã xin ý kiến của các đơn vị về công bố dịch. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của tôi, ngay từ đầu, TPHCM đã xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi, để chuẩn bị ứng phó đợt dịch này.

Tôi nhận thấy mặc dù số ca mắc vượt so với trung bình cùng kỳ của 3 năm trước đó, nhưng TPHCM đã chuẩn bị rất sẵn sàng.

Việc công bố dịch hay không là do địa phương khi cảm thấy năng lực chống dịch cần được huy động nguồn lực hơn nữa, tổ chức biện pháp chặt chẽ hơn nữa. Trong trường hợp này, địa phương có thể quyết định công bố dịch", TS Đức nêu rõ.

Ngoài ra, TS Đức cũng thông tin thêm rằng, theo thông tư Bộ Y tế vừa ban hành, khi công bố dịch, vaccine và tất cả nguồn lực phải do địa phương sử dụng 4 tại chỗ.

"Khi công bố dịch, Trung ương sẽ không hỗ trợ vaccine. Vì vaccine Trung ương chỉ hỗ trợ cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng thường xuyên. Còn khi đã công bố dịch, địa phương phải chủ động trong vấn đề này để chống dịch", TS Đức nói.

Chưa phủ vaccine, một trẻ mắc có thể lây cả lớp học 

Liên quan đến dịch sởi đang diễn biến phức tạp, TS Đức thông tin, từ cuối năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới đã có cảnh báo.

"Theo cảnh báo của WHO, sau đại dịch Covid-19, rất nhiều nước trên thế giới có sẽ có số ca mắc sởi tăng. WHO cũng đã trao đổi với phía Việt Nam về vấn đề này.

Hơn 500 ca sởi, TPHCM có đủ điều kiện công bố dịch? - 2

Sởi đang bùng phát mạnh tại TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Vì thế, ngay từ đầu năm, Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét. Không chỉ riêng bệnh sởi, mà là cả 10 bệnh trong tiêm chủng mở rộng được đưa vào kế hoạch tiêm chủng của cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024", ông Đức cho hay.

Theo ông Đức, Bộ Y tế đã triển khai rất nhanh vấn đề tiêm đầy đủ vaccine cho các trẻ em và bà mẹ. Việc trẻ em quay trở lại trường sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch sởi.

"Trong phòng học chỉ cần có một trẻ mắc sởi, hầu hết các trẻ còn lại nếu chưa tiêm chủng đều có thể bị mắc bệnh. Do đó, ngay trước mùa tựu trường, Bộ Y tế đã triển khai tuần lễ tiêm chủng", TS Đức thông tin.

Theo TS Đức, trong chiến dịch đặc biệt này, chúng ta mở rộng đối tượng tiêm là trẻ từ 1 đến 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine sởi.

"Chúng tôi đánh giá nguy cơ của 63 tỉnh, thành và thấy rằng, dựa trên bộ công cụ do Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp, hiện tại đến bây giờ có 18 tỉnh, thành nằm trong nguy cơ.

Chúng tôi đánh giá nguy cơ đến tận tuyến huyện và có hơn 100 huyện sẽ nằm trong chiến dịch đợt một này, để tổ chức tiêm chủng. Toàn bộ vaccine tiêm trong chiến dịch này là vaccine miễn phí", TS Đức cho hay.