Giao lưu trực tuyến: Ứng phó với dịch sởi ở TPHCM và khu vực phía Nam

Dân trí

(Dân trí) - Buổi giao lưu trực tuyến "Ứng phó với dịch sởi ở TPHCM và khu vực phía Nam", giúp người dân hiểu rõ, nhận diện về bệnh và có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe con em mình.

Mời quý vị độc giả đặt câu hỏi giao lưu với các vị khách mời của chương trình.

Giao lưu trực tuyến: Ứng phó với dịch sởi ở TPHCM và khu vực phía Nam - 1

Từ trái qua phải: Bác sĩ Trương Hữu Khanh, bác sĩ Bạch Thị Chính, bác sĩ Hồ Vĩnh Thắng và nhà báo Phan Công-Phó tổng TKTS tại văn phòng báo Dân trí.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, TPHCM đã ghi nhận tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng và các cơ sở y tế trên địa bàn là hơn 590 ca. Trong đó, có hơn 340 ca có kết quả xét nghiệm dương tính (bao gồm cả trẻ cư ngụ tại TPHCM và trẻ ở các nơi khác đến) với 3 trường hợp đã tử vong.

Giao lưu trực tuyến: Ứng phó với dịch sởi ở TPHCM và khu vực phía Nam - 2

Các khách mời giao lưu trực tuyến cùng độc giả trong sáng 16/8 tại tòa soạn Dân trí khu vực TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa).

Về phân bố bệnh, 57 phường xã thuộc 16/22 quận, huyện, TP Thủ Đức đã ghi nhận sự xuất hiện của sởi; 9 quận, huyện có từ 2 ca bệnh trở lên (đủ điều kiện công bố dịch sởi theo quy định mới).

Tính trên bình diện khu vực, theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, toàn miền Nam đã báo cáo hơn 1.100 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, với hơn 480 ca có xét nghiệm dương tính.

Giao lưu trực tuyến: Ứng phó với dịch sởi ở TPHCM và khu vực phía Nam - 3

Trẻ mắc bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM (Ảnh: BS).

Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM đã tham mưu với UBND TPHCM công bố dịch theo quy định, đồng thời khẩn trương chỉ đạo triển khai 2 nhóm giải pháp quan trọng giúp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sởi. Đó là nhóm giải pháp tiêm bù, tiêm bổ sung vaccine sởi và nhóm giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ.

Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và các trung tâm y tế quận, huyện khẩn trương triển khai các hoạt động tăng cường miễn dịch cộng đồng.

Song song đó, các bệnh viện phải triển khai lập tức các giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ, tất cả hướng đến mục tiêu làm giảm số ca mắc và hạn chế thấp nhất ca tử vong.

Ngành y tế nhấn mạnh, dịch sởi là nguy cơ hiện hữu - cần hành động ngay.

Để đồng hành cùng với các ngành chức năng trong công tác kiểm soát dịch sởi, giúp người dân, quý phụ huynh hiểu rõ, nhận diện về bệnh và có thêm kiến thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con em mình trước nguy cơ dịch sởi bùng phát phức tạp, báo Dân trí tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: "Ứng phó với dịch sởi ở TPHCM và khu vực phía Nam".

Buổi giao lưu trực tuyến có sự góp mặt của:

- ThS.BS Hồ Vĩnh Thắng, Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM. Đây là đơn vị được Bộ Y tế phân công tổ chức các hoạt động chuyên môn về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm trên địa bàn khu vực phía Nam.

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, người có kinh nghiệm hàng chục năm công tác, điều trị trong lĩnh vực Nhiễm nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).

- Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ các kiến thức trong phòng chống dịch.

Chương trình có sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC. Với gần 200 trung tâm tiêm chủng hiện đại trên toàn quốc, VNVC là đơn vị duy nhất đầu tư lớn cho hàng trăm kho lạnh, dây chuyền bảo quản vaccine theo tiêu chuẩn quốc tế tại từng trung tâm, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng an toàn cho hàng triệu trẻ em và gia đình Việt Nam.

Gần 10 năm qua, Hệ thống tiêm chủng VNVC góp phần quan trọng xây dựng và định vị dịch vụ tiêm chủng vaccine chất lượng cao, chuyên nghiệp, với chi phí hợp lý, từ đó thay đổi diện mạo của ngành tiêm chủng dịch vụ mới tại Việt Nam.