DMagazine

Tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất 2 con ám ảnh nữ điều dưỡng sơ sinh

(Dân trí) - Người mẹ bám vào hàng rào hành lang Trung tâm sơ sinh gào khóc "Con em không thể qua khỏi, con em đi đâu rồi?". Lời nói dối vụng về của y bác sĩ, của chồng đã không thể gạt được linh tính người mẹ.

Tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất 2 con ám ảnh nữ điều dưỡng sơ sinh - 1

Hình ảnh người mẹ cứ bám hàng rào khóc, tiếng khóc xé lòng ngày đó in đậm trong tâm trí của chị Lê Thị Vân, điều dưỡng trưởng Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội). Câu chuyện xảy ra từ rất lâu nhưng khi kể lại chị Vân không cầm được nước mắt.

Trung tâm Sơ sinh lúc này còn ở tòa nhà G của bệnh viện, khi đó những ca thụ tinh trong ống nghiệm sinh non 400-500 gram rất khó nuôi vì tuổi thai chỉ 24-25 tuần. Trường hợp trên là một phụ nữ mang thai 10 lần nhưng chưa một lần thành công.

Lần này chị hạ sinh được một cặp song sinh, mỗi bé nặng 400 gram. Ngay khi lọt lòng mẹ, cả hai đã được chuyển vào phòng điều trị tích cực, nhưng lần lượt hai bé đều không qua khỏi, một bé đi trước, một bé đi sau.

Vì thấy vợ quá căng thẳng nên người chồng đã nhờ nhân viên y tế nói dối với người mẹ là đã chuyển trẻ lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất 2 con ám ảnh nữ điều dưỡng sơ sinh - 3

Thế nhưng dường như đó là linh tính của người mẹ, biết con đã không còn, người mẹ bám vào hàng rào hành lang của nhà G gào khóc: "Em biết anh và các bác nói dối, con em không thể qua được, con em đi đâu rồi?".

"Đó là ký ức buồn tôi không thể nào quên và khi đó tôi chỉ ước sau này mình không phải nói dối, ước sẽ giúp được những người mẹ như thế", chị Vân chia sẻ với đôi mắt đỏ hoe.

Trẻ sinh non thường là trẻ có cân nặng dưới 2,5kg và chào đời ở tuổi thai dưới 37 tuần. Trẻ sinh cực non là trẻ có cân nặng dưới 1kg và chào đời ở tuần thai dưới 28 tuần.

Những trường hợp này, các cơ quan của trẻ còn non yếu, dễ tổn thương. Trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ như bị ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt, xuất huyết não, hoại tử ruột, nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn chuyển hóa, vàng da…

Những trẻ sinh non này cần có sự chăm sóc đặc biệt trong lồng kính. Với nền y học ngày càng phát triển, nỗ lực không ngừng của đội ngũ nhân viên y tế, ước vọng ngày đó của chị giờ đây đã thành sự thật.

Tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất 2 con ám ảnh nữ điều dưỡng sơ sinh - 5

Trong những năm qua, tỷ lệ trẻ sinh non được cứu chữa thành công tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) tăng lên đáng kể. Đó là hành trình đầy cam go, thử thách nhưng tràn đầy tình yêu thương để đưa các bé từ lồng kính trở về với vòng tay cha mẹ.

Ánh mắt nữ điều dưỡng trưởng toát lên niềm vui, tự hào khi nhắc đến những em bé đặc biệt, những trẻ sinh non nhẹ cân nhất, được các y bác sĩ nuôi thành công. Năm 2015, một cặp sinh non 25 tuần ở Thái Bình nặng 500 gram và 600 gram; năm 2010 một bé 500 gram ở Bắc Giang, sinh non 27 tuần… các bé đều được nuôi thành công.

Việc nuôi thành công những trẻ sinh non chỉ nặng 400-500 gram, tuổi thai nhỏ 25-28 tuần đã tạo nên kỳ tích, những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất 2 con ám ảnh nữ điều dưỡng sơ sinh - 7

Để lại ấn tượng sâu sắc nhất với chị Vân cũng như nhiều y bác sĩ trong trung tâm là hành trình vượt cửa tử của bé gái sinh non nhẹ cân nhất Việt Nam được nuôi sống vào thời điểm năm 2021. Tại thời điểm mới sinh ở tuần thai thứ 27, bé T.T.A. chỉ nặng 400 gram, nhỏ như một chiếc xi lanh, lọt thỏm trong bàn tay nhân viên y tế.

TS.BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, bệnh nhi được mổ đẻ ngày 1/6/2021 vì chậm phát triển trong tử cung, suy thai, mẹ bị tiền sản giật. Ngay sau sinh, em bé trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng, teo đét, bụng chướng, thở nấc, thở máy, oxy.

"Tại thời điểm sinh, bé nặng 400 gram, chiều dài cơ thể bằng đúng chiếc xi lanh 50ml, lọt thỏm trong lòng bàn tay của nhân viên y tế", TS Trác nói.

Theo chuyên gia này, với một em bé cực kỳ thấp cân non tháng, nặng chỉ 400 gram, nhờ sự chăm chút tỉ mỉ từng chút một của các nhân viên y tế, của các cô điều dưỡng, việc cứu sống được bé là một kỳ tích.

"Bạn hãy hình dung, bữa ăn đầu tiên của em bé qua đường miệng, em bé chỉ ăn 1,5-2ml/bữa, ngày 16 bữa. Lượng sữa được tăng dần lên, ở ngày thứ 23 sau sinh em bé ăn được 5ml/bữa, ngày 16 bữa. Bằng sự tỉ mỉ, tình yêu thương, sự quyết tâm, các cô đã nhỏ từng giọt sữa cho bé, nuôi bé lớn lên từng ngày, trong khi gia đình bé không thể ở bên do giãn cách thời Covid-19", TS Trác nói.

Tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất 2 con ám ảnh nữ điều dưỡng sơ sinh - 9

Là điều dưỡng tham gia chăm sóc bé gái "tí hon", chị Vân cho biết, đặc điểm của trẻ sinh non này là bụng chướng, khó hấp thu, chậm tăng cân. Những ngày đầu chưa thể massage cho trẻ nên các bác sĩ phải thụt để bé đỡ chướng, sau đó đặc cách chăm riêng bé này, ngày massage 2 lần để đỡ chướng bụng, giúp trẻ hấp thu tốt dần bằng ăn qua đường miệng.

Không chỉ chăm chút từng giọt sữa, nhân viên y tế còn theo dõi rất kỹ xem bé đi vệ sinh giờ nào, đi có tốt không, cố gắng chăm trẻ thật tốt để chống nhiễm trùng. Điều may mắn là bằng đấy thời gian nằm viện, trẻ không phải dùng nhiều kháng sinh.

"Thường cách 2-3 ngày, chúng tôi cân bé một lần, những ngày đầu thấy bé lên cân chúng tôi phấn khởi lắm. Thấy thành quả bước đầu là những gram cân nặng đầu tiên, chúng tôi như được tiếp thêm sức lực để tiếp tục phấn đấu. Từ 400 gram, trẻ sụt cân một chút, sau tăng dần lên 500 gram, 700 gram, giảm chướng bụng…", chị Vân nhớ lại.

Khi đó, chân bé nhỏ chưa bằng ngón tay út của người lớn, việc nuôi tĩnh mạch, lấy ven vô cùng khó khăn.

Tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất 2 con ám ảnh nữ điều dưỡng sơ sinh - 11

"Từ em bé nặng 400 gram, với những bữa sữa đầu tiên chỉ 1,5-2ml, là vài giọt sữa, sau 3 tháng 9 ngày, em bé đã nặng 1.800 gram, trẻ tự thở khí trời, ăn sữa đạt 300ml/ngày", chị Vân kể.

Trong quá trình chăm sóc, không biết bao lần em bé đã "chạm" vào cửa tử, bệnh viện phải gọi về thông báo cho gia đình nhưng thời điểm Yên Thành (Nghệ An) có dịch Covid-19, gia đình không thể ra được.

"Hiện trẻ biết chạy nhảy, múa hát, nói năng, chào hỏi lưu loát và nhận biết đồ vật, con vật… nhanh và chính xác", chị Vân cười nói.

Tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất 2 con ám ảnh nữ điều dưỡng sơ sinh - 13

Với chị Vân và nhiều y bác sĩ trong trung tâm, việc nuôi thành công những em bé sinh non nhẹ cân như thế vừa là sự tự hào vừa là tâm nguyện.

"Với trẻ sinh non, dù chúng tôi đã nỗ lực hết sức, nhưng không phải trẻ nào cũng có may mắn vượt qua. Có những trẻ, sau cả tháng dài chiến đấu, cả trung tâm dồn công sức, sự chăm chút để chăm trẻ, với tập hồ sơ dày đến mấy cân nhưng không qua khỏi. Ai cũng cảm thấy mất mát, xót thương như máu mủ của mình.

Cũng là phụ nữ, nên gặp những người mẹ sinh con mấy lần đều đẻ non, gặp khó khăn trong quá trình mang thai, sinh con, chúng tôi rất đồng cảm. Chúng tôi cảm thấy trách nhiệm của những điều dưỡng sơ sinh càng nặng nề vì chăm một đứa trẻ non nớt nhưng em bé lại là sự kỳ vọng của bao người", chị Vân nói.

Công việc vất vả, khó khăn, nên nếu không có sự yêu nghề, tận tâm với công việc thì những điều dưỡng như chị Vân và nhiều y bác sĩ khác không thể gắn bó lâu dài.

Chị cũng chia sẻ bản thân đến với công việc này cũng là duyên. Thời mới ra trường, còn trẻ, thấy một cô hộ sinh hai tay bế 2 bé đỏ hỏn, chị thấy sợ, không muốn về khoa sơ sinh. Thế nhưng sau khi thi đỗ công chức, duyên số thế nào chị lại được phân công về khoa sơ sinh của bệnh viện và gắn bó từ đó đến nay.

"Nói đùa thì gọi là ghét của nào trời trao của đấy, còn sự thật nỗi sợ khi đó chỉ là nỗi sợ bên ngoài. Khi bắt đầu làm công việc này, được giúp đỡ của những người đi trước tôi thấy ngày càng yêu công việc này hơn. Mọi người trêu tôi có đôi tay vàng trong làng massage", chị Vân chia sẻ.

Tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất 2 con ám ảnh nữ điều dưỡng sơ sinh - 15

Khối lượng công việc ở trung tâm quá nhiều, ở nước ngoài, với trẻ đang nằm hồi sức tích cực là hai điều dưỡng chăm một bé, còn tại khu vực hồi sức tích cực của Trung tâm Sơ sinh là một điều dưỡng chăm 8-10 bé. Công việc khó khăn, vất vả, để chị có thể gắn bó với công việc hơn 27 năm nay phải kể đến sự hậu thuẫn rất lớn từ phía gia đình.

"Chồng lấy người vợ làm y, đặc biệt làm sơ sinh thì phải cầm chắc tâm tưởng có lúc vợ đi trực, lúc con ốm vợ không ở nhà. Có lần con ốm, tôi gọi điện về hỏi chồng sức khỏe của con, lần nào chồng cũng bảo con hết sốt, vẫn ăn chơi bình thường ngủ ngoan, ăn tốt. Đến khi đi làm về tôi mới biết hóa ra con vẫn sốt", chị Vân nói.

Hơn 27 năm gắn bó với trẻ sơ sinh, chị Vân tự hào vì đã cùng đồng nghiệp thắp lên sự sống cho nhiều sinh linh bé nhỏ. Có những trường hợp hồ sơ bệnh án còn nặng hơn cả cân nặng của bé khi ra viện.

"Vì thế, những người mẹ nếu không may có nguy cơ sinh non, sinh non em bé được 27-28 tuần thai, nặng dưới 1.000 gram đừng từ bỏ, đừng vội buồn bã buông xuôi. Cuộc sống luôn có những may mắn và khi thêm những nỗ lực, hạnh phúc có thể mỉm cười với tất cả mọi người", chị Vân nhắn nhủ.

Nội dung: Nam Phương - Hồng Hải

Thiết kế: Đức Bình

Nội dung: Nam Phương -Hồng Hải

Thiết kế: Đức Bình