Người trẻ và "4 chữ lắm" làm khổ quả tim
(Dân trí) - Hoàn thành công việc khi đồng hồ điểm 23h30, cũng là lúc chiếc gạt tàn trên bàn làm việc của Đức Long, 29 tuổi, một kỹ sư phần mềm gần đầy đầu lọc thuốc.
Guồng quay công việc cuốn trôi sức khỏe
Hoàn thành công việc khi đồng hồ điểm 23h30, cũng là lúc chiếc gạt tàn trên bàn làm việc của Đức Long, 29 tuổi, một kỹ sư phần mềm gần đầy đầu lọc thuốc lá. Chỉ trong một đêm "chạy deadline" (tạm dịch: nỗ lực hoàn thành công việc đúng hạn), Long đã hút hết gần một nửa gói thuốc lá.
Với đặc thù công việc, những deadline gối lên nhau khiến Long từ một người không biết hút thuốc, trở thành "ống khói di động" chỉ sau 5 năm làm việc.
3 năm trở lại đây, trên phiếu khám sức khỏe định kỳ của Long, phần chỉ số huyết áp luôn được in đậm vì vượt ngưỡng. Dù trong trạng thái nghỉ ngơi, huyết áp tâm thu của Long luôn duy trì ở mức 150 - 160mmHg.
"Thuốc lá là cách tôi xả stress do áp lực công việc", Long giải thích lý do mình không thể từ bỏ thói quen xấu.
Mới đây, sau một cuộc nhậu, Long phải nhập viện cấp cứu vì cơn đau thắt ngực bất ngờ xảy ra, khi nam thanh niên này thức dậy đi vệ sinh lúc rạng sáng.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, kết quả thăm khám cho thấy Long bị bệnh mạch vành. Stress vì công việc và lạm dụng thuốc lá được nhận định là hai trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở nam thanh niên.
Nhẩm tính lượng trà sữa mà mình đã uống trong một tuần nay, Thùy Trang (32 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) không nhớ được chính xác là 7 hay 8 cốc.
"Hầu như ngày nào tôi và các chị em trong cơ quan cũng uống", Trang cho biết.
Cũng chịu áp lực công việc lớn, nữ nhân viên văn phòng thường xuyên phải ở lại cơ quan để tăng ca. Kết thúc một ngày dài, Trang lựa chọn ăn đồ bán sẵn để dành thời gian nghỉ ngơi.
Suốt một thời gian dài, thực đơn các bữa chính trong ngày của cô chỉ co lại trong các quán ăn nằm trên trục đường giữa nhà và cơ quan. Hầu hết trong số đó đều nhiều dầu mỡ, nghèo nàn về các nhóm chất dinh dưỡng và đặc biệt ít rau.
Cách đây 2 năm, ý thức được mình đang tăng cân, Trang từng nhiều lần quyết tâm thay đổi toàn bộ lối sống: nấu cơm tại nhà, tập thể dục vào cuối buổi chiều.
Thế nhưng, sau 5-6 lần gián đoạn kế hoạch vì tăng ca, Trang đành từ bỏ giấc mộng khỏe đẹp của mình.
Ở thời điểm hiện tại, Trang nặng 70kg. Cân nặng tăng quá nhanh và thời gian biểu ngập trong công việc khiến cô dần "thả trôi" sức khỏe của mình, không mảy may nghĩ đến việc ăn kiêng hay vận động nữa.
Cao huyết áp, rối loạn lipid máu là những tình trạng nữ nhân viên văn phòng đang phải đối mặt khi chỉ mới hơn 30 tuổi.
Báo động trẻ hóa bệnh gây tử vong nhiều nhất Việt Nam
Trong khi bệnh tim mạch vẫn thường được coi là vấn đề của người cao tuổi, tại Việt Nam, một xu hướng đáng lo ngại đã xuất hiện: Số lượng người trẻ mắc các vấn đề tim mạch đang ngày càng tăng.
Vụ việc người mẫu, diễn viên Đức Tiến qua đời ở tuổi 44 mới đây cũng lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự nguy hiểm của nhóm bệnh lý này.
Theo TS.BS Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trong 5 năm trở lại đây, số lượng người trẻ mắc bệnh tim mạch mà khoa ghi nhận gia tăng đáng kể.
"Bệnh mạch vành, cao huyết áp vốn được gọi là "bệnh người già" thì nay không hề hiếm gặp ở các bạn trẻ 20-30 tuổi", BS Thắng cho hay.
Các bác sĩ Khoa Nội tim mạch đã từng phải can thiệp bệnh nhân chỉ mới 34 tuổi bị sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp.
"Mặc dù, bệnh nhân thoát nguy kịch nhưng quả tim cũng như sức khỏe tổng thể không thể trở về như trước, ảnh hưởng đến cả tương lai còn rất dài. Các nguy cơ như suy tim, biến cố mạch máu não sẽ luôn thường trực, đặc biệt là khi bệnh nhân kiểm soát không tốt", BS Thắng lắc đầu tiếc nuối.
Cũng như Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nhiều cơ sở y tế trên cả nước ghi nhận tình trạng trẻ hóa bệnh lý tim mạch.
Đáng chú ý, tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số lượng bệnh nhân cần phẫu thuật tim mỗi năm liên tục tăng, với tốc độ trung bình khoảng 10-20% mỗi năm. Năm 2023, bệnh viện đã tiến hành 2.245 ca mổ tim, tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước.
Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000-225.000 ca đột quỵ, 50% trong số đó không thể qua khỏi. Hiện có khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi 18-50. Đáng chú ý, tỷ lệ người trẻ dưới 40 tuổi mắc căn bệnh này, đang tăng trung bình 2% mỗi năm, trong đó số nam giới nhiều gấp 4 lần nữ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Tỷ lệ này gấp đôi số người qua đời vì bệnh ung thư, và đây cũng là bệnh lý gây tử vong nhiều nhất hiện nay.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm toàn cầu có 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch. Trong đó, nhồi máu cơ tim là cấp cứu khẩn, nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong là 50%.
"4 chữ lắm" làm khổ quả tim
Lạm dụng thuốc lá, ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, áp lực công việc cao và ngồi nhiều, được BS Nguyễn Mạnh Thắng gọi là "4 chữ lắm" của lối sống hiện đại đang hàng ngày trực tiếp gây ra gánh nặng lên hệ tim mạch của người trẻ.
"Thời đại 4.0 tồn tại nhiều vấn đề dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh lý tim mạch. Người trẻ chịu áp lực công việc rất lớn, lười vận động hơn, ăn uống nhiều chất béo hơn. Cũng do cuộc sống xô bồ, áp lực công việc, người trẻ lại hút thuốc và sử dụng rượu bia nhiều hơn để xả stress.
Vòng xoáy này tạo gánh nặng bệnh tật lên hệ tim mạch, gây xơ vữa động mạch, nặng nề hơn là khiến mạch máu nứt vỡ gây bệnh lý mạch máu não, mạch máu hay nhồi máu cơ tim", BS Thắng phân tích.
Chuyên gia này chỉ rõ cơ chế tác động của các yếu tố cuộc sống ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch:
- Lạm dụng thức ăn nhiều dầu mỡ: Tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa và trans-fat làm tăng mức cholesterol xấu (LDL) và giảm cholesterol tốt (HDL) trong máu, dẫn đến hình thành mảng bám trong động mạch, gây xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
- Ngồi nhiều, lười vận động: Thiếu vận động dẫn đến tăng cân và béo phì, làm tăng áp lực lên tim, gây ra các vấn đề như cao huyết áp và bệnh tim mạch.
- Hút thuốc lá: Hóa chất trong thuốc lá như nicotine và carbon monoxide gây hại cho lớp nội mạc mạch máu, dẫn đến xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Cùng với đó, hút thuốc gây ra stress oxy hóa, làm tổn thương tế bào và mô tim mạch, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
- Áp lực công việc và stress: Căng thẳng làm tăng mức cortisol và adrenaline, gây tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, và có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch như nhồi máu cơ tim. Căng thẳng mạn tính gây ra viêm nhiễm trong cơ thể, một yếu tố quan trọng trong việc phát triển xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch.
Căng thẳng thường dẫn đến các hành vi không lành mạnh như: hút thuốc, uống rượu bia, ăn uống không điều độ, tất cả đều tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
BS Thắng chỉ ra, theo thực tế lâm sàng, ngày càng nhiều người trẻ đến khám mắc cùng lúc nhiều nhóm yếu tố nguy cơ.
"Các bệnh nhân trẻ thường mắc từ 2 đến 3 yếu tố nguy cơ. Các yếu tố này cùng lúc tác động lên mạch máu gây ra tổn thương rất phức tạp và dữ dội. Mạch máu cũng như đường ống nước, tất cả các tác động từ stress cho đến hút thuốc lá hay mỡ máu cao đều làm chất lượng đường ống này xấu đi, tăng cao nguy cơ bị nứt vỡ.
Khi mạch máu vỡ có thể dẫn đến xuất huyết cơ quan, nguy hiểm nhất là xuất huyết não, hoặc các mảng xơ vữa trong lòng mạch bị bung ra gây nhồi máu não, nhồi máu cơ tim", BS Thắng cho hay.
Có thể tự tránh xa hầu hết "kẻ thù" của tim mạch
Theo BS Thắng trong số các yếu tố nguy cơ chính của bệnh lý tim mạch, chỉ có tuổi tác và giới tính là không thể thay đổi.
Thay đổi lối sống lành mạnh là một yếu tố quan trọng trong phòng ngừa bệnh tim mạch.
Bằng cách duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tăng cường vận động, quản lý căng thẳng, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, kiểm tra sức khỏe định kỳ và duy trì cân nặng hợp lý, chúng ta có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chuyên gia này khuyến cáo 6 bước để trái tim luôn khỏe mạnh:
1. Chế độ ăn uống lành mạnh
Tăng cường rau quả và ngũ cốc nguyên hạt: Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, và các loại hạt giúp cung cấp chất xơ, vitamin, và khoáng chất tốt cho tim.
Giảm chất béo bão hòa và trans-fat: Tránh thức ăn chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, và sản phẩm chứa chất béo bão hòa và trans-fat. Chọn chất béo không bão hòa từ dầu ô liu, dầu hạt cải, và các loại hạt.
Giảm muối: Hạn chế ăn mặn bằng cách giảm muối trong nấu ăn và tránh các thực phẩm chế biến có hàm lượng muối cao.
Kiểm soát đường: Hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường, bánh kẹo và các thực phẩm chứa nhiều đường.
2. Tăng cường vận động thể chất
Cố gắng vận động ít nhất 150 phút mỗi tuần với các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, hoặc đạp xe. Tăng cường hoạt động trong ngày như đi bộ, leo cầu thang và tham gia các hoạt động ngoài trời.
Kết hợp các bài tập cardio, tập sức mạnh, và bài tập linh hoạt để cải thiện toàn diện sức khỏe tim mạch.
3. Quản lý căng thẳng
Áp dụng các phương pháp thư giãn như yoga, thiền, và hít thở sâu để giảm căng thẳng. Quản lý thời gian hiệu quả, sắp xếp công việc hợp lý để giảm áp lực công việc. Duy trì các mối quan hệ xã hội tích cực và tham gia các hoạt động cộng đồng để cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.
4. Hạn chế tối đa rượu bia, bỏ hút thuốc lá, thuốc lào
5. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
6. Duy trì cân nặng để đạt BMI phù hợp
- Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng hợp lý thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và vận động đều đặn.
- Giảm vòng bụng: Vòng bụng lớn là một yếu tố nguy cơ cao cho bệnh tim mạch, do đó cần những bài tập phù hợp với từng độ tuổi, sức khỏe... giúp giảm vòng bụng tốt nhất.