DNews

"Ngày xưa xông hơi và uống thuốc tán là hết bệnh sởi, sao giờ lại nặng vậy"

Hoàng Lê

(Dân trí) - "Ngày xưa các con tôi cũng bị bệnh sởi, nhưng chỉ xông hơi và uống thuốc tán là hết bệnh rồi, không hiểu sao bây giờ các cháu lại bị nặng như vậy", người bà chăm cháu trong phòng cách ly chia sẻ.

"Ngày xưa xông hơi và uống thuốc tán là hết bệnh sởi, sao giờ lại nặng vậy"

Tính đến tuần đầu tháng 9, TPHCM đã ghi nhận hơn 540 ca mắc bệnh sởi, trong đó có 3 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), số ca bệnh sởi tăng nhanh theo từng ngày, chiếm nhiều nhất là nhóm 9 tháng tuổi đến 5 tuổi (48%).

"Ngày xưa uống thuốc tán là hết bệnh sởi, sao giờ lại nặng vậy…"

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, báo cáo với đoàn công tác Bộ Y tế, lãnh đạo đơn vị cho biết, tính từ đầu năm, nơi này đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 360 bệnh nhi mắc sởi. Trong đó, gần 2/3 trường hợp đến từ các tỉnh phía Nam và 24,5% trường hợp có bệnh nền. Đặc biệt, hơn 40 bệnh nhi gặp biến chứng nặng phải nằm hồi sức, đa số chưa được tiêm vaccine sởi.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, những ngày qua, khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 thường xuyên tiếp nhận điều trị nội trú hàng chục ca bệnh sởi mỗi ngày.

Ngày xưa xông hơi và uống thuốc tán là hết bệnh sởi, sao giờ lại nặng vậy - 1

Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: Hoàng Lê).

Tại căn phòng cách ly, cô Tám (64 tuổi, quê Bến Tre) cho biết, cháu bà là bé D.H. (9 tháng tuổi) từ lúc mới sinh đã bị viêm phổi liên tục. Mấy ngày trước, cháu bà vừa xuất viện về thì lại lên cơn lừ đừ. Ban đầu, người bà tưởng cháu uống ít nước nên mệt, sốt. Nhưng vài ngày sau khi bé phát ban, gia đình mới tức tốc đưa vào viện. Lúc này, bác sĩ báo bé đã mắc bệnh sởi nặng, cần nhập viện.

"Ngày bé tròn 9 tháng tuổi, đủ tuổi tiêm thì lại phát bệnh sởi. Ngày xưa mấy đứa con tôi cũng bị bệnh sởi, nhưng chỉ xông hơi và uống thuốc tán là hết bệnh rồi, không hiểu sao bây giờ các cháu lại bị nặng như vậy.

Mấy ngày qua chăm sóc bé, tôi sợ mình nhiễm bệnh rồi nên phụ huynh hay cháu nào ở khoa khác đến gần là tôi cũng kêu né ra. Có người còn hiểu lầm rằng tôi khó chịu, lập dị", người phụ nữ tâm sự.

Nghe chia sẻ của cô T., bà Ngô Thị Thau (68 tuổi), người thân của bé M.K. (8,5 tháng tuổi) cũng tán đồng. Theo bà Thau, nhiều năm trước trong nhà bà cũng có người bị bệnh sởi phát ban, và cách điều trị chỉ đơn giản là uống thuốc tán. Do đó, bà bất ngờ khi hiện nay, có nhiều trẻ như cháu mình, bị biến chứng nguy hiểm vì bệnh sởi.

"Cháu tôi sốt 5 ngày mới phát ban. Tôi muốn nhắn nhủ mọi người, khi em bé nóng sốt phải chú ý theo dõi và đưa đi viện ngay", bà Thau nói.

Ngày xưa xông hơi và uống thuốc tán là hết bệnh sởi, sao giờ lại nặng vậy - 2
Ngày xưa xông hơi và uống thuốc tán là hết bệnh sởi, sao giờ lại nặng vậy - 3

Phụ huynh chăm sóc trẻ điều trị sởi trong phòng cách ly của bệnh viện chuyên khoa Nhi ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca mắc bệnh sởi cũng gia tăng những ngày qua. Tại phòng bệnh của khoa Nhiễm, chị Thu Thảo (32 tuổi, quê Ninh Thuận) đã có nhiều ngày chăm sóc cho con gái 20 tháng tuổi.

"Lúc 9 tháng tuổi, con tôi đã bị phát hiện sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu vô căn, liên tục viêm phổi và thiếu máu. Đến giờ, cháu lại phát bệnh sởi. Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn, chồng làm phụ hồ nhưng hiện thất nghiệp. Ở đây cái gì cũng mắc. Mấy bữa trước hết sữa uống, mấy chị điều dưỡng vào khám còn mua sữa cho con tôi.

Bệnh viện kêu ráng ở lại 1 ngày nữa để theo dõi phổi, nhưng tôi xin về vì đã hết tiền, và cháu cũng bị ám ảnh lấy ven, đến nỗi tối ngủ còn la hét vì gặp ác mộng. Bác sĩ có dặn tôi, khi bé xuất viện về phải chăm sóc thật kỹ, cho tiêm ngừa đầy đủ", chị Thảo chia sẻ.

Ngày xưa xông hơi và uống thuốc tán là hết bệnh sởi, sao giờ lại nặng vậy - 4
Ngày xưa xông hơi và uống thuốc tán là hết bệnh sởi, sao giờ lại nặng vậy - 5
Ngày xưa xông hơi và uống thuốc tán là hết bệnh sởi, sao giờ lại nặng vậy - 6

Trẻ điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

Đã nằm viện hơn 10 ngày là trường hợp của bé M.P. (8 tháng tuổi, quê Bình Thuận), con chị Thy Yến (40 tuổi). Người mẹ kể, ban đầu bé có triệu chứng viêm phổi nhưng gia đình lại ở trong rừng, nhà cách bệnh viện đến 50km nên không nắm được thông tin. Sau đó, chị cho bé nhập bệnh viện tuyến tỉnh 10 ngày, trước khi sức khỏe bé trở nặng.

"Lúc bác sĩ nhi đồng chẩn đoán bé đã bị sởi, tôi có lấy điện thoại tìm hiểu trên mạng thì thấy bệnh này có thể gây sốt, mờ mắt và hôn mê, nên lo sợ lắm. Anh trai bé 10 tuổi rồi nhưng cũng chưa chích mũi nào. Ở quê tôi, có nhiều bé cứ gần tới ngày chích ngừa là bị nóng sốt, nên gia đình hoãn lại.

Tôi nghi ngờ con mình bị lây trong lần nhập viện trước, vì có 1 trẻ khác nằm gần bé bị sởi. Giờ tôi chỉ biết khuyên mọi người cố giữ gìn cho con khỏe, tránh ra ngoài nhiều vì dễ lây chéo", chị Yến nói với phóng viên.

Bác sĩ nhi đồng cảnh báo sự nguy hiểm chết người của sởi

Bác sĩ Tiêu Châu Thy, khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trẻ mắc bệnh sởi có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy dinh dưỡng kéo dài, viêm kết mạc mắt, sẹo giác mạc. Nặng hơn, trẻ có thể phải thở máy và nguy hiểm tính mạng.

Ngày xưa xông hơi và uống thuốc tán là hết bệnh sởi, sao giờ lại nặng vậy - 7

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho trẻ mắc bệnh sởi biến chứng viêm phổi (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo bác sĩ Thy, ngày xưa khi bệnh sởi còn chưa được chẩn đoán rõ ràng, chưa biết trẻ mắc bệnh gì mới có quan niệm dùng các phương pháp như uống thuốc tán, xông hơi. Hiện nay, các kiến thức về bệnh như nguyên nhân, dấu hiệu, các biến chứng có thể xảy ra đã rất rõ ràng. Đó là việc mắc sởi là do virus, và cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm ngừa đúng lịch, đủ liều.

"Y văn đã nêu rất rõ ràng về các biến chứng của sởi. Những ca nặng phải điều trị bằng kháng sinh, hỗ trợ thở oxy, dùng thuốc tích cực, vitamin… không thể nào chỉ xông hơi hoặc điều trị bằng cách dân gian được. Đặc biệt, trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại mà không chích ngừa đúng lịch sẽ là đối tượng nguy cơ rất cao", bác sĩ Thy cảnh báo.

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui, quản lý khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo, khi trẻ mắc bệnh sởi, không bắt buộc các trường hợp ở tỉnh, thành khác phải lên TPHCM điều trị. Quan trọng là cha mẹ phải phát hiện kịp thời các dấu hiệu cảnh báo biến chứng nặng của bệnh, để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngày xưa xông hơi và uống thuốc tán là hết bệnh sởi, sao giờ lại nặng vậy - 8
Ngày xưa xông hơi và uống thuốc tán là hết bệnh sởi, sao giờ lại nặng vậy - 9

Cụ thể, quý phụ huynh thấy con sốt 2-3 ngày liên tục, sau đó bắt đầu phát ban từ vùng sau gáy lan ra đằng trước ở vùng mặt, trán, ngực, bụng, lưng rồi đến tứ chi, phải nghĩ ngay đến bệnh sởi. Ngoài ra, nếu thấy các dấu hiệu viêm long đường hô hấp, như trẻ có ho, sổ mũi, mắt tèm nhèm, chảy nước mắt, viêm kết mạc… sẽ càng củng cố thêm chẩn đoán sởi.

Lúc này, cần tăng cường chú ý nguy cơ biến chứng viêm phổi, như trẻ thở có bình thường hay không, lồng ngực có bị rút lõm nhiều không. Đó là những dấu hiệu nặng của viêm phổi và trẻ phải được đưa đi khám ngay để điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, trẻ đã bị sởi vẫn có khả năng mắc lại. Do đó, bên cạnh việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ sau nhiễm, cần lưu ý mốc thời gian 10 năm phải chích nhắc lại mũi ngừa sởi.

Trong khuôn khổ chiến dịch phòng, chống dịch sởi, ngày 7/9, TPHCM đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine tại trường học. Theo Sở Y tế TPHCM, việc tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học là giải pháp rất hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine phòng bệnh.

Trong buổi sáng đầu tiên, hơn 1.100 trẻ đã được tiêm chủng tại 6 điểm trường học. Buổi tiêm chủng nhận được sự quan tâm ủng hộ của người dân địa phương, khi có cả những phụ huynh không có con trong danh sách được mời cũng đưa trẻ đến tiêm chủng.

UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa sởi theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", để sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh.