DNews

BV Nhi đồng 1 không có loại thuốc quan trọng trong cấp cứu, Bộ Y tế nói gì?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Báo cáo với Thứ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, đơn vị hiện không có thuốc cấp cứu Dopamin, phải dùng thuốc khác thay thế khi có những trường hợp cần dùng.

BV Nhi đồng 1 không có loại thuốc quan trọng trong cấp cứu, Bộ Y tế nói gì?

Ngày 29/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cùng đoàn công tác đã đến làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), trong bối cảnh tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp, với số ca mắc tăng cao. TPHCM cũng là địa phương vừa chính thức công bố dịch sởi vào ngày 27/8.

Chuẩn bị sẵn sàng 3 tình huống chống dịch

Báo cáo với đoàn công tác, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong tháng 8, bệnh viện tiếp nhận 368 ca nhiễm sởi điều trị nội trú, trong đó, có 42 ca nằm hồi sức nhiễm.

Về phân bố khu vực, có 126 trường hợp bệnh nhi sởi nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 thời gian qua là trẻ ở TPHCM, còn lại từ các tỉnh khác đến (chiếm hơn 65%). Về độ tuổi, có 130 ca là trẻ 12-60 tháng tuổi (35,5%), 115 ca dưới 9 tháng tuổi (chiếm hơn 31%), bệnh nhi là trường hợp trên 60 tháng tuổi chiếm 10%. 92 trẻ có bệnh nền.

BV Nhi đồng 1 không có loại thuốc quan trọng trong cấp cứu, Bộ Y tế nói gì? - 1

Trẻ điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo bác sĩ Minh, hầu hết trẻ nhập viện đều chưa tiêm hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi. Với các bệnh nhi nặng, 100% trường hợp không tiêm đủ 2 mũi, phải điều trị bằng các biện pháp như thở máy, vitamin A, truyền IVIG, dùng kháng sinh phổ rộng…

Trước tình hình trên, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tổ chức sàng lọc và phân luồng bệnh sởi ngay tại cổng khoa Khám bệnh, cũng như có kế hoạch theo dõi điều trị, phân loại và phòng chống lây nhiễm ở các khoa nội trú.

Bệnh viện cũng sẵn sàng các phương án chống dịch theo 3 tình huống quy mô dịch. Trong đó, tình huống xấu nhất là việc dịch bệnh diễn biến phức tạp vượt quá khu cách ly. Lúc này, đơn vị sẽ dùng toàn bộ khoa Nhiễm và một tầng của khoa Hô hấp làm khu cách ly, đồng thời điều phối các bệnh lý nhiễm trùng của khoa Nhiễm sang khoa khác.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhi đồng cũng thực hiện chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ, tiêm ngừa cho trẻ, người thân bệnh nhi và cả nhân viên y tế; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, giáo dục, truyền thông về bệnh sởi; chú trọng công tác huấn luyện, đào tạo liên tục; chỉ đạo tuyến.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1, bên cạnh các thuận lợi như được sự chỉ đạo sát sao của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, hiệu quả điều trị và kiểm soát lây nhiễm, vẫn còn một số tồn tại cần đề xuất, kiến nghị trong công tác phòng chống dịch sởi.

BV Nhi đồng 1 không có loại thuốc quan trọng trong cấp cứu, Bộ Y tế nói gì? - 2
BV Nhi đồng 1 không có loại thuốc quan trọng trong cấp cứu, Bộ Y tế nói gì? - 3

Theo đó, Bệnh viện đề xuất Bộ Y tế cập nhật phác đồ điều trị sởi mới nhất (lần cập nhật gần nhất đã từ năm 2014), cụ thể hơn một số nội dung đáp ứng thực tế lâm sàng.

Kế đến, kiến nghị Bộ Y tế đảm bảo nguồn cung ổn định vật tư, thuốc chống dịch. Bác sĩ Quang Minh cho biết, hiện tại thuốc Dopamin không có, đơn vị đã tìm cách xử lý bằng việc dùng thuốc khác thay thế, nhưng không thể bằng thuốc chỉ định chính được.

Ngoài ra, Bệnh viện Nhi đồng 1 kiến nghị cần có giải pháp tăng cường năng lực của tuyến trước, hạn chế chuyển bệnh lên tuyến trên.

Thuốc Dopamin có thiếu?

Phản hồi các ý kiến từ Bệnh viện Nhi đồng 1, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đồng tình với đề xuất về việc cần cập nhật các phác đồ mới, cũng như đáp ứng đầy đủ việc cung ứng các loại thuốc điều trị.

Ông cũng đề nghị cần đảm bảo công tác "đánh chặn từ xa", để hạn chế việc chuyển bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên, gây áp lực cho tuyến cuối.

Về phòng bệnh, ông Khoa khẳng định, tốt nhất vẫn là tiêm vaccine. "Chúng ta cố gắng kiểm soát số ca mắc, không để tử vong. Đó là mục tiêu của điều trị", ông Khoa nói.

Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Dược chia sẻ, hiện nay thuốc IVIG trong kho dự trữ có gần 50.000 lọ, vitamin A gần 3 triệu lọ. Riêng Dopamin, Việt Nam hiện có 6 số đăng ký (trong đó có 3 số còn hiệu lực).

Gần đây, có tình trạng một công ty phải hủy hàng chục nghìn lọ Dopamin vào tháng 8 vì hết hạn sử dụng. Trong tháng 9, công ty trên sẽ nhập tiếp 30.000 lọ. Nếu bệnh viện cần cung ứng, Cục Quản lý Dược sẽ hỗ trợ để tiếp cận các nguồn thuốc Dopamin.

BV Nhi đồng 1 không có loại thuốc quan trọng trong cấp cứu, Bộ Y tế nói gì? - 4
BV Nhi đồng 1 không có loại thuốc quan trọng trong cấp cứu, Bộ Y tế nói gì? - 5

Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, dù trong chiến dịch tiêm chủng đại trà có nêu việc không cần quan tâm lịch sử tiêm chủng, nhưng theo quy định và khuyến cáo của các chuyên gia y tế, chưa có các tài liệu khoa học nào nêu việc cần tiêm quá 2 mũi. Do đó, các đơn vị y tế cần lưu ý để thực hiện cho đúng.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh tiêm vét cho những trường hợp chưa tiêm, để nhanh chóng tạo được miễn dịch bao phủ cho trẻ (từ 3-7 ngày đã bắt đầu tạo kháng thể), giúp khống chế dịch.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng, Viện Pasteur TPHCM chia sẻ, mùa tựu trường và thời tiết mát dần là điều kiện thuận lợi để sởi phát triển. Nếu không triển khai các biện pháp chống dịch, sởi sẽ gia tăng ở TPHCM và phía Nam.

Hiện nay, số ca sởi vẫn tập trung ở đối tượng trẻ em, tạo gánh nặng cho các bệnh viện chuyên khoa nhi. Do đó ngoài phòng chống nhiễm bệnh, ông Thượng đề nghị cần phải có biện pháp giảm áp lực cho các viện nhi. Bên cạnh đó, còn phải xử lý tốt trong cộng đồng, trường học.

BV Nhi đồng 1 không có loại thuốc quan trọng trong cấp cứu, Bộ Y tế nói gì? - 6

Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra khu sàng lọc bệnh sởi của Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, chuyên gia bệnh Nhiễm nhi cho biết, hiện nay tình trạng các bệnh viện tỉnh không triển khai tiêm ngừa sởi. Nếu không làm, sẽ dẫn đến việc người dân chạy lên các bệnh viện nhi đồng để tiêm.

Ngoài ra, ngành y tế phải chú ý đến các đối tượng như nhà trọ, những khu vực khuất, nới rộng quan tâm các khu vực cần tiêm vét. Ông nhấn mạnh, cần can thiệp đúng chỗ, dùng công cụ kiểm tra lịch sử tiêm chủng để hạn chế việc sót mũi tiêm.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Không để xảy ra "dịch chồng dịch"

Sau khi nghe các ý kiến, Phó giáo sư Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, báo cáo từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, riêng 3 tháng đầu năm 2024 có gần 57.000 ca mắc bệnh sởi trên toàn cầu.

Anh, Pháp và một số quốc gia đã công bố tình trạng khẩn cấp với dịch sởi, do nhiều nguyên nhân, như dịch Covid-19, gián đoạn tiêm chủng, kháng thuốc…

Tại Việt Nam, sởi cũng đã gia tăng ở một số tỉnh thành, trong đó có TPHCM, gây ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc ứng phó với ca bệnh tại chỗ lẫn từ tỉnh chuyển đến.

Khi thấy số ca mắc tăng nhiều, TPHCM cũng chủ động công bố dịch để có biện pháp nâng cao nguồn lực, tăng cường cung ứng thuốc, vaccine… đảm bảo công tác phòng chống bệnh tốt nhất. Bộ Y tế đánh giá cao điều này.

Bộ cũng đã gửi công văn cho các tỉnh thành để chủ động phối hợp, cung cấp thông tin dịch sởi cùng TPHCM.

BV Nhi đồng 1 không có loại thuốc quan trọng trong cấp cứu, Bộ Y tế nói gì? - 7
BV Nhi đồng 1 không có loại thuốc quan trọng trong cấp cứu, Bộ Y tế nói gì? - 8

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương kiểm tra phòng cách ly bệnh sởi tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: Hoàng Lê).

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị TPHCM thực hiện các nhiệm vụ cấp bách sau:

Thứ nhất, bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM tiếp tục công tác thu dung, điều trị để giảm ca nặng và tử vong, kiểm soát lây nhiễm chéo trong bệnh viện; phối hợp với các đơn vị khác.

Thứ 2, về vấn đề tiêm vaccine, sắp tới sẽ mở rộng tiêm cho trẻ đến 10 tuổi (hiện tại đến 5 tuổi), đồng thời tiêm cho cả nhân viên y tế. Đồng thời tăng cường cho trẻ uống vitamin A.

Thứ 3, Thứ trưởng đề nghị cơ sở điều trị ở TPHCM thường xuyên trao đổi dịch bệnh sởi với CDC và các bệnh viện tỉnh để kiểm soát các ca bệnh, tránh lây nhiễm từ TPHCM về các nơi.

"Có những trường hợp từ Đắk Nông, Nghệ An đến TPHCM, sau đó về tỉnh phát hiện bệnh và lây nhiễm cộng đồng", Thứ trưởng dẫn chứng.

Thứ 4, cần đảm bảo đủ thuốc, vật tư và năng lực xét nghiệm. Trường hợp thiếu thuốc, bệnh viện cần chủ động liên hệ thường xuyên đến Cục quản lý Dược để được hỗ trợ.

Thứ 5, cần tăng cường truyền thông cho bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế. Đặc biệt, truyền thông nhưng không được hoang mang, gây ra những xáo trộn không cần thiết, vì sởi được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm B.

BV Nhi đồng 1 không có loại thuốc quan trọng trong cấp cứu, Bộ Y tế nói gì? - 9

Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý việc không để xảy ra tình trạng "dịch chồng dịch" (Ảnh: Hoàng Lê).

Thứ 6, tăng cường phân công đào tạo, tập huấn cho tuyến dưới, đặc biệt là phòng khám tư nhân.

Thứ 7, Bộ Y tế mong muốn bệnh viện hỗ trợ cập nhật, rà soát các phác đồ điều trị mới, tốt nhất, cũng như cung cấp thông tin về các loại thuốc tốt nhất.

Thứ 8, lưu ý không để xảy ra vấn đề "dịch chồng dịch", khi ngoài sởi còn có những bệnh khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết.

Liên quan đến thu phí tiêm vaccine, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị rà soát kỹ để thực hiện theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu vaccine để mở rộng đối tượng tiêm chủng (hiện tại vaccine sởi mới được cấp phép tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi).